Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần xử lý triệt để chất thải nguy hại ở Vĩnh Phúc

(21:26:16 PM 22/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Vài năm trước, các khu đồi núi, vùng đất thưa dân cư ở ngoại thành thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên hay lân cận các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là những điểm được chọn là nơi đổ rác thải nguy hại khá phức tạp.

Cần xử lý triệt để chất thải nguy hại  ở Vĩnh Phúc- Ảnh minh họa

 

Đến thời điểm này, một số địa phương từng là "điểm nóng" về đổ chất thải trái phép, đã cơ bản chấm dứt. Có được điều này phải kể đến vai trò của Nhà máy xử lý chất thải nằm trên địa bàn tỉnh hoạt động đều đặn và hiệu quả, thường xuyên phối hợp chặt với các nhà máy, doanh nghiệp có lượng chất thải lớn trên địa bàn để hợp đồng xử lý.

Năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn Công ty TNHH Môi trường công nghiệp xanh tham gia đầu tư Dự án Trung tâm tái chế phế thải và xử lý chất thải tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên. Sau một thời gian đầu tư xây dựng, đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang đi vào hoạt động. Đây là Trung tâm tái chế phế thải và xử lý chất thải công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng và đầu tư công nghệ tiên tiến. Với công suất xử lý rác thải trong giai đoạn 1 khoảng 1 tấn/giờ, mỗi ngày Trung tâm sẽ xử lý từ 20 - 30 tấn. Ngoài ra, ở đây còn có hệ thống xử lý nước thải với công suất khoảng 5 tấn/giờ.

Chị Trần Hương Lan, kỹ sư môi trường của Trung tâm cho hay: Rác thải công nghiệp trước khi thu gom và vận chuyển về Trung tâm đã được phân loại sơ bộ tại xưởng sản xuất. Tại Trung tâm có kho chứa được chia làm nhiều khoang, ở đây rác thải sẽ được công nhân tiến hành phân loại kỹ hơn một lần nữa, rồi đưa vào từng khoang chứa theo nhóm chất thải mà Trung tâm quy định. Các máy nạp rác sẽ đưa rác thải vào lò, xử lý ở nhiệt độ trên 1.000 độ C để nóng chảy. Tại hệ thống lò đốt có hệ thống tách bụi, giải nhiệt bằng hệ thống quạt thông gió công suất lớn, bằng nước. Khói và các tạp khí của chất thải được thu gom rồi cho đi qua bể rửa bằng nước và làm mát, vì thế lượng khí thải, khói thải để thải ra môi trường gần như được xử lý triệt để.

Lượng nước dùng cho xử lý các chất thải và làm mát ở Trung tâm rất ít và hoạt động theo tuần hoàn, do đó không có nước thải để thải ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm. Những chất thải là cao su, dầu, mỡ, vải vệ sinh máy...được tận dụng triệt để làm chất đốt khởi động lò cũng như nâng cao hiệu quả của lò, điều này càng tiết kiệm được nhiên liệu cần thiết như xăng, dầu, ga để khởi động lò đốt ban đầu. Sau khi thực hiện xong những mẻ đốt, ca xử lý thì các chất thải chỉ còn lại là rất ít và được phân loại: Đối với kim loại thì được thu gom để bán cho các cơ sở đúc, cán kim loại; xỉ than đã được xử lý sẽ đưa về kho chứa và được tận dụng đóng thành gạch để xây dựng; một số chất thải khác tận dụng làm phân bón cho cây trồng...

Kỹ sư trẻ Hương Lan thổ lộ: Doanh nghiệp chúng tôi đã thực sự thành công khi làm nghề tái chế phế thải và xử lý chất thải. "Xử lý chất thải công nghiệp mà không tốt là "làm xiếc" với môi trường, với dân cư địa phương. Không trước thì sau doanh nghiệp cũng bị phát hiện và khó tồn tại" - Kỹ sư Lan khẳng định.

Ông Đỗ Viết Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm tái chế phế thải cho biết: Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012 nâng công suất lên gấp đôi so với giai đoạn 1 hiện có. Trung tâm đi vào hoạt động sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề tồn đọng rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại, tình trạng đổ rác thải trái phép tràn lan ra đồi, núi, bãi đất trống ven đô thị, ao, hồ, kênh mương...


Mỗi năm các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thải hàng ngàn tấn chất thải nguy hại. Điển hình là Công ty Honda, Công ty Toyota, Công ty Phanh Nissin, Nhà máy Pin-Cao su, Công ty Xuân Hòa, Công ty Cao su Inuoe. Trước đây, phần lớn lượng chất thải tại các cơ sở công nghiệp được lưu trữ trong kho chờ xử lý thì nay đã được giải quyết, không còn tồn đọng bởi có nhà máy xử lý.


Với 22 làng nghề nghề truyền thống - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, mỗi năm Vĩnh Phúc còn có hàng trăm tấn chất thải nguy hại (chủ yếu là các hoá chất, bã đất đèn, cặn dầu mỡ, mảnh vụn kim loại nhiễm bẩn, bông vải nhiễm hoá chất) thải thẳng ra môi trường xung quanh.


Bên cạnh đó còn có một khối lượng không nhỏ các chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc thú y còn tồn dư và các loại bao bì không được thu gom. Số lượng thuốc quá hạn sử dụng cũng không được thu gom xử lý và một lượng lớn chất thải của hàng chục bệnh viện...chưa được xử lý theo các yêu cầu vệ sinh môi trường gây tác động xấu tới môi trường và sức khoẻ con người. Mong muốn của giới chuyên môn, đặc biệt là đông đảo người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng, bị tác động là được tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư và xử lý hiệu quả.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)