Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nước giải khát vẩn đục nói không sao là vô trách nhiệm

(17:53:03 PM 21/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Một số chai nước giải khát bị đóng cặn trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang. Chuyên gia thực phẩm cho rằng cần có kiểm nghiệm để chỉ ra chính xác chất gây kết tủa. Nếu chỉ nói suông: Không ảnh hưởng gì là vô trách nhiệm, không có cơ sở khoa học!

 
Một mẫu Number 1 bị nổi cặn mà bạn đọc phản ánh tới toà soạn
Một mẫu Number 1 bị nổi cặn mà bạn đọc phản ánh

Không đảm bảo vệ sinh gây đóng cặn
 
Theo GS Hoàng Đình Hòa, chuyên gia đầu ngành về ngành hóa thực phẩm công nghệ sinh học thuộc Viện công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), có 4 công nghệ pha chế nước giải khát đang được bán trên thị trường.
 
Nhưng riêng các loại nước giải khát được chiết xuất từ hoa quả và thực vật bị vẩn đục và kết tủa có hai nguyên nhân chính.
 
Cụ thể, nếu nước có nguồn gốc từ hoa quả, hoặc có pha dịch hoa quả nguyên nhân kết lắng do các chất pectin có trong đó. Các hợp chất pectin có bản chất hóa học là các polyme của nhiều gốc đường glucoza, trong đó có 1 gốc metin CH3O-. Hợp chất này có phân tử lượng rất cao tồn tại trong nước giải khát dạng hạt coloid. Đây là những hạt keo, nên nếu gặp điều kiện không thuận lợi ví dụ nhiệt độ cao, pH môi trường thay đổi... chúng sẽ bị phân rã làm cho nước đục ngầu và kết tủa.
 
Tương tự, các loại nước giải khát có sử dụng các chất chiết xuất từ thực vật như các vị thuốc bắc, nam hay cây dược liệu trong quá trình chiết xuất các hợp chất polyphenol sẽ hòa tan ra. Dạng tồn tại chủ yếu của nhóm hợp chất này là flavonoid, cũng tồn tại ở dạng hạt keo. Cũng giống như các chất pectin từ nguồn hoa quả, các hợp chất polyphenol này khi gặp điều kiện không thuận lợi cũng sẽ bị phân rã làm nước đục và kết tủa.
 
Điều kiện không thuận lợi làm các chất trên bị kết tủa như nhiệt độ cao, để lâu ngày, tăng độ pH. Đây chính là do quá trình bảo quản kém tạo nên.
 
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác gây nước giải khát bị đục, kết tủa chính là do nhiễm vi sinh vật. Nguyên nhân nhiễm vi sinh vật có rất nhiều. Ví dụ, quá trình chế biến bán thành phẩm và thành phẩm không đảm bảo vệ sinh nghiêm túc. Do chai đựng tái sử dụng rửa không sạch, hay ngay trong nguồn nước sử dụng không đảm bảo, hay nút chai nắp không kín làm vi sinh vật nhiễm vào...
 
Kết tủa do vi khuẩn gây nhiễm độc!
 
Đồng quan điểm, KS Phạm Văn Lâm, Viện hóa học (Viện khoa học và công nghiệp Việt Nam) cũng từng nhấn mạnh: Đối với các loại nước đóng chai, khâu vệ sinh rất quan trọng. Cụ thể, chai dùng lại để đựng cần được tiết trùng bằng các cách như chiếu tia UV. Điều này tránh tình trạng nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, quá trình xử lý nước cũng phải đảm bảo tương tự.
 
Đối với chai không làm vệ sinh sạch, sau khi đưa ra tiêu dùng chỉ cần có ánh nắng chiếu vào dễ dàng bị đóng cặn, thậm chí rêu mốc...
 
GS Hoàng Đình Hòa phân tích tiếp về nước giải khát bị đóng cặn rằng, khi bị kết tủa do các hạt coloid phân rã thì nguy cơ ngộ độc đến con người rất thấp. Vì đây là các hợp chất hữu cơ. Nhưng trường hợp do nhiễm khuẩn thì phải cảnh giác cao độ. Bởi nguy cơ nhiễm độc do vi sinh vật là rất cao nếu uống vào. Tốt nhất để an toàn, khi thấy chai nước vẫn đục không nên dùng.
 
Ở phương diện khoa học, các chuyên gia khẳng định, muốn phát hiện nguyên nhân kết tủa cần làm xét nghiệm có vi sinh vật loại gì, bản chất hóa học của các lắng cặn kết tủa đó là gì. Việc một số nhà sản xuất trả lời rằng uống nước giải khát bị vẩn đục, kết tủa là không sao là cách trả lời vô trách nhiệm với người tiêu dùng, không có cơ sở khoa học!  
 
Bản thân người tiêu dùng, cũng rất mong muốn các cơ quan chức năng cùng nhà sản xuất phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách đưa mẫu nước giải khát đóng chai bị cặn đi xét nghiệm.  
Thu Hiền (kienthuc.net)