Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mưa ở Ninh Thuận hạn chế nguy cơ cháy rừng trong thời kỳ cao điểm của mùa khô và đặc biệt các hồ chứa trong tỉnh được bổ sung nguồn nước nhất định.
Kết hợp của không khí lạnh tăng cường với hoàn lưu cơn bão số 1; tại khu vực Nam Trung Bộ nói chung đã xuất hiện đợt mưa vừa, mưa to, đến rất to. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện đợt mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 200 đến 250 mm. Nói chung đợt mưa bất thường này đã đem lại nhiều tác dụng trái ngược lẫn nhau.
Đợt mưa đã gây ra một đợt lũ ở mức Báo động II – Báo động III: Trên sông Cái Phan Rang: Mực nước lớn nhất tại Trạm Thủy văn Tân Mỹ lúc 21 giờ ngày 01/4/2012 là 37,89m, dưới Báo động III là 0,11m; Trạm Thủy văn Phan Rang lúc 01 giờ ngày 02/4/2012 là 3,24m, dưới Báo động II là 0,26m. Trên sông Lu: Mực nước lớn nhất tại Trạm Thủy văn Phước Hữu lúc 18 giờ ngày 01/4/2012 là 11,17m dưới mức Báo động II là 0,33 m; còn Trạm Phước Hà ở dưới báo động I.
Theo báo cáo về tổng hợp tình hình thiệt hại và công tác triển khai phòng chống cơn bão số 1 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tổng diện tích canh tác nông nghiệp bị ngập khoảng 640,8 ha - tuy nhiên thiệt hại gây ra là không đáng kể. Nhưng với tổng số tàu thuyền trên toàn tỉnh Ninh Thuận là 2.585 chiếc/15.696 lao động, phải neo đậu tại các bến cảng trong những ngày đầu của mùa ra khơi khác thác, sẽ làm hạn chế đến tổng mức năng xuất đánh bắt hải sản trong năm.
Bên cạnh đó, đối với ngành khai thác muối thì đợt mưa vừa qua đã gây thiệt hại khoảng 19.000 tấn muối trong toàn tỉnh, chủ yếu là muối đã kết tinh tại ruộng nhưng chưa kịp thu hoạch; Trong đó: Có 17.000 tấn muối công nghiệp và trên 2.000 tấn muối diêm dân - Tổng thiệt hại ước hơn 20 tỷ đồng. Riêng tại huyện Ninh Hải, gần 450 ha ruộng muối của diêm dân bị ngập, 2.000 tấn muối thành phẩm của diêm dân xã Phương Hải cũng bị tan trong nước.
Ngược lại, qua kết quả tính toán sơ bộ thì đợt mưa vừa qua đã tưới lên bề mặt lưu vực một lớp nước lý tưởng khoảng 600 triệu mét khối nước (chưa kể thấm và bốc hơi). Tác dụng rất lớn trong việc tưới mát những cánh đồng cằn khô đang tiến dần tới đỉnh điểm của mùa khô hạn; hạn chế nguy cơ cháy rừng trong thời kỳ cao điểm của mùa khô và đặc biệt các hồ chứa trong tỉnh được bổ sung nguồn nước nhất định.
Và theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, trong tổng số 16 hồ chứa trên toàn tỉnh đã tích trữ thêm được khoảng 25 triệu mét khối nước.Đặc biệt hồ chứa Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã tích thêm gần 20 triệu mét khối nước, giúp ổn định nguồn nước cung cấp cho hệ thống thủy lợi của Ninh Thuận qua nhà máy Thủy điện Đa Nhim.
Liên tiếp trong bốn năm vừa qua trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều có mưa trái vụ xảy ra. Vấn đề này đã gây ra cảm giác trái chiều, “nửa mừng, nửa lo” giữa các nhu cầu sản xuất nông nghiệp và khai thác muối, hải sản. Đặc biệt nhất, đây lại là đợt mưa do hình thế lớn, hình thế mà thông thường chỉ có ở mùa bão chính vụ. Do đó việc quan tâm tới diễn biến của các hiện tượng thời tiết bất thường nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và lợi dụng tối đa những lợi thế do thiên nhiên ban tặng.