Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ước tính, thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra đối với Hà Nội khoảng một tỷ đồng/ngày, chưa tính đến thiệt hại đối với với nông nghiệp và cây xanh.
Ô nhiễm bụi ở Hà Nội gấp 1,5 - 3 lần tiêu chuẩn cho phép
Nồng độ bụi gấp 1,5 - 3 lần cho phép
Nghiên cứu của chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ (SVCAP), do Công ty Tư vấn Môi trường&Phát triển Việt Nam thực hiện với ý kiến của 1.500 người dân về ô nhiễm không khí ở Hà Nội cho biết, có 32 phần trăm người được hỏi cho là ô nhiễm nhẹ; 56,3 phần trăm cho là ô nhiễm khá nặng và 9,3 phần trăm cho rằng ô nhiễm khá nặng và đặc biệt chỉ có hai phần trăm người dân cho là không khí còn trong lành.
Còn theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội cho biết, môi trường không khí của thành phố đang bị ô nhiễm bụi khá nặng. Tính trung bình trên toàn thành phố, nồng độ bụi gấp 1,5 đến 3 lần tiêu chuẩn cho phép.
Tại các khu vực đang xây dựng, sửa chữa công trình và một số đường giao thông vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, nồng độ bụi gấp 7-10 lần.
Ước tính, thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra đối với Hà Nội khoảng 1 tỷ đồng/ngày, chưa tính đến thiệt hại đối với với nông nghiệp và cây xanh.
Nguyên nhân chính là do quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Hàng loạt các dự án, công trình xây dựng, triển khai thi công trên địa bàn, kéo theo việc vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng; rồi sự gia tăng nhanh chóng của nhiều loại phương tiện giao thông, trong đó thủ phạm gây ô nhiễm không khí là khói ôtô, xe máy.
Ngoài ra, còn hàng loạt tác nhân nguy hiểm khác như khói công nghiệp, khí thải công nghiệp, khói lò than, nước thải cống rãnh, bếp củi, mùi xăng dầu...
Rác thải - Thủ phạm chính của ô nhiễm
Về nhân tố xã hội - môi trường gây ô nhiễm không khí, dân cho rằng, rác thải là thủ phạm đáng kể.
Ngoài ra, không khí ô nhiễm còn do dân cư đông đúc; nước thải gây ô nhiễm từ các sông ngòi, cống rãnh; nhận thức dân kém; cơ sở hạ tầng yếu; thiếu cây xanh, hồ nước bị lấp; quá trình đô thị hóa trong khi chính quyền lại thiếu chính sách, quy hoạch, quản lý đô thị chưa thích hợp.
Nói về tình hình ô nhiễm ở Hà Nội không thể không tới hệ thống sông hồ Hà Nội. Hiện tại, bốn con sông tiêu chính gồm Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu đều bị ô nhiễm nặng.
Ở đây, nguyên nhân ô nhiễm không chỉ do nước thải sinh hoạt. Nguồn nước thải sản xuất công nghiệp, nước thải của các bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất ô nhiễm phần lớn chưa qua xử lý chính là yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước mặt của thành phố.
Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thủ đô, UBND thành phố Hà Nội cũng đã giao cho Sở Tài nguyên&Môi trường lập đề án tổng thể. Dự kiến, đến năm 2015, toàn bộ các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm sẽ được di chuyển ra khỏi vùng nội thành.
Trước mắt, từ nay tới năm 2010, thành phố phải di chuyển xong các cơ sở gây ô nhiễm nặng, như cơ sở sản xuất rượu, dệt may, các cơ sở có sử dụng hóa chất gây độc hại.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, vướng mắc chủ yếu trong việc xử lý và di dời các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng là do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, nhất là phần xác định trách nhiệm, quyền lợi của cơ sở gây ô nhiễm.
Về giải pháp với tình trạng ô nhiễm không khí, có tới 84 phần trăm người được hỏi cho rằng, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí thuộc về mọi người dân. Đồng thời, trách nhiệm còn thuộc về các cấp chính quyền và cơ quan quản lý môi trường...
Đa số người dân được hỏi cho rằng, cần có hành động cấp bách làm giảm ô nhiễm không khí. Số đông kiến nghị nên tăng tốc phủ xanh thành phố cũng như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc thân thiện với môi trường.
Bên cạng đó, nên tăng cường dùng chung xe, tắt động cơ khi dừng xe quá lâu cũng như khuyến khích đi bộ, che chắn kỹ các công trình xây dựng và tuân thủ tuyệt đối các chế tài của chính quyền.
(Theo Khoa Học&Phát Triển)