Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lý giải về sự xuất hiện "dày đặc" của bướm lạ ở Nha Trang

(09:39:10 AM 21/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Trong những ngày vừa qua một loại bướm lạ xuất hiện một số nơi như: Diên Thọ (huyện Diên Khánh), Tháp Bà (TP.Nha Trang) đã gây hiếu kỳ cho nhiều người dân từ các nơi đến xem.

 
Nhiều người lại cho rằng có khả năng đây là bướm bà hoặc bướm ông bay về thể hiện sự tâm linh cầu mong cho bà con trên địa bàn có cuộc sống hạnh phúc, an lành.
 
Điều đáng chú ý, bướm thường xuất hiện tại các nơi thờ phượng, người dân đuổi nhưng Bướm không bay đi mà chỉ quan quẩn các khu vực này và sau đó lại biến mất. Hai bên cánh con Bướm giống con rắn, có màu vàng nâu, chiều dài trên 25cm, chiều rộng 2 cánh khoảng 20 – 25cm.
 
Đại Đức Thích Chơn Thức, trụ trì chùa Bửu Long (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) cho biết: Bướm đã xuất hiện ở chùa gần một tuần nay và đây là lần đầu tiên tôi thấy loại này.
 

Theo TS Vũ Văn Liên, Bảo tàng côn trùng Việt Nam, loài bướm khổng lồ nhiều người thấy thực chất là con ngài. Loài này hoạt động chủ yếu về đêm, đồng thời tiết ra chất pheremon vào không khí để thu hút con đực
 

 

Ảnh Thanh Tâm
Ảnh Thanh Tâm


Đó là loài ngài  Attacus atlas thuộc họ Hoàng đế, bộ Cánh vẩy. Con mà người dân phát hiện ra có sải cánh khoảng 25cm là con bình thường. Còn con ngài lớn có thể có sải cánh lên đến 50cm.

Loài ngài khổng lồ này trước đây đã từng được đưa vào sách đỏ Việt Nam, nhưng sau khi xem xét cho thấy loài này ít bị đe dọa cũng như khả năng mất giống không cao bằng các ngành khác.

Ở Việt Nam, loài ngài này được phân bố từ Bắc vào Nam, ở các khu vực canh tác nông nghiệp đến các khu rừng từ khu vực thấp đến độ cao 2300m. 

Con ngài đẻ trứng thành các cụm nhỏ ở mặt dưới của lá cây chủ. Sâu non nở ra ăn lá cây chủ cho đến khi vào kén. Mỗi năm, con ngài sinh sản được nhiều thế hệ. Sâu có khả năng ăn nhiều loài cây như trứng cá, mãng cầu, quế hồi, chôm chôm, ổi, sấu... 

Đặc biệt, loài ngài sống về đêm. Riêng con cái kêu gọi, thu hút bạn tình bằng cách tiết ra chất pheremon vào không khí. Chất này được con đực cảm nhận thông qua râu, chân. Dù cách xa từ 5 – 7km bướm được vẫn có thể ngửi được mùi con cái.

“Con ngài cái thường có xu hướng giao phối khá “trẻ”. Như khi mới từ kén nở ra đã có thể giao phối ngay. Con đực lúc này thường nở ra sớm hơn, chờ sẵn con cái”, TS Liên dí dỏm chia sẻ.
 

 

Nói bướm bà, bướm ông thể hiện quan niệm tâm linh là không đúng
Nói bướm bà, bướm ông thể hiện quan niệm tâm linh là không đúng


Hiện nhiều người dân nhầm lẫn loài bướm và ngài. Có thể phân biệt chúng qua các đặc điểm riêng như: bướm hầu hết hoạt động vào ban ngày, còn con ngài hoạt động về đêm. Tất nhiên, có một số loài và bướm có sinh hoạt đối lập nhau.

Khi đậu, cánh bướm gập dựng đứng trên thân, còn cánh ngài khi đậu được dàn nằm ngang trên thân. Râu bướm có dạng dùi đục, râu ngài đa dạng và đầu râu nhọn.

Ngoài ra, quan niệm về bướm bà, bướm ông nhằm liên tưởng với hiện tượng tâm linh hoàn toàn không có thực.

Bướm hay ngài đều hoạt động theo thói quen tự nhiên và không biểu hiện bất cứ sự tâm linh nào. Duy chỉ có đặc tính xu quang, tức xu hướng tìm đến ánh sáng khiến nhiều người chú ý. Điều này lý giải vì sao buổi tối ngài hay bay vào nhà cũng như bay lên bàn thờ khi đến ngày rằm, mồng một.

“Có thể người dân thấy ở nơi khác, nhưng bàn thờ là nơi được chú ý đặc biệt nên mới sinh ra các quan niêm tâm linh”, TS Vũ Văn Liên nhấn mạnh.

Thu Hiền - Thanh Tâm (Kienthuc.net)