Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giao tiếp cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là chủ đề chính của hội nghị. Truyền thông về biến đổi khí hậu ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương cũng sẽ được quan tâm. Các lĩnh vực như mở rộng quy mô thích ứng dựa vào cộng đồng; khu vực dễ bị hạn hán, các khu vực miền núi và vùng đồng bằng ngập lũ; thực phẩm và nông nghiệp; sức khỏe con người… cũng là vấn đề được thảo luận.
Bà Margareta Wahlstrom, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về giảm thiểu nguy cơ thảm họa và thiên tai cho biết, CBA là một dự án nhằm giúp đỡ hàng triệu người nghèo có nguy cơ lớn nhất từ biến đổi khí hậu thích ứng với tác động của sự thay đổi khí hậu. Mục đích lớn nhất của CBA là bảo đảm để các tài trợ đến được với người nghèo.
Theo bà Margareta Wahlstrom, việc phòng chống thiên tai là thách thức lớn với bất kỳ quốc gia nào. Vì vậy, việc thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao đời sống, bảo vệ tính mạng người dân, giảm thiệt hại... phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, Việt Nam hàng năm phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Thiên tai và biến đổi khí hậu đã và đang gây tác động lớn đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tác động bất lợi đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nhất là cộng đồng dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao, các hộ dân nghèo và người nông dân.
Để giảm thiểu rủi ro, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp xây dựng hệ thống chính sách, đê sông, đê biển, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, xây dựng hệ thống phòng chống ngập úng, xây dựng khu neo đậu cho tàu thuyền...
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tác động của biến đổi khí hậu trong 10 năm trở lại đây ngày càng tăng và ước tính thiệt hại tài sản chiếm khoảng 2% GDP. Trong tương lai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, Hội nghị lần này chính là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội Việt Nam và quốc tế thảo luận, phổ biến các bài học kinh nghiệm để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước đó, hàng trăm các đại biểu quốc tế đã chia thành 3 nhóm đi thực địa các địa phương như Bình Định, Quảng Nam, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… nơi bị coi là bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nhiều nhất tại Việt Nam. Các đại biểu đã giành 3 ngày tìm hiểu xem làm thế nào để các cộng đồng sống trong các hệ sinh thái khác nhau thích nghi với biến đổi khí hậu.