Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đây sẽ là Nghị định mới thay thế Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (NĐ67) được Chính phủ ban hành 13 tháng 6 năm 2003.
Một số tồn tại, khó khăn và vướng mắc của NĐ67 thể hiện ở chỗ còn có nhiều chồng chéo, trùng lắp với Nghị định 88/2007/NĐ-Cp về thoát nước đô thị và KCN; nhiều cơ sở sản xuất né tránh kê khai và nộp phí nước thải trong khi Sở TN&MT tại địa phương không thể thẩm định hết các cơ sở thuộc diện kê khai do. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lại đóng phí đến hai lần…; Quy định về việc phân tích kim loại nặng trong NĐ67 cũng rất khó khăn và phức tạp, tốn nhiều chi phí…
Mặt khác, theo đánh giá thì nguồn nhân lực phục vụ cho việc thu phí tại Sở TN&MT và Chi cục rất mỏng so với số lượng doanh nghiệp. Kinh phí thu được trích lại đơn vị thu phí không đủ để trang trải cho việc thu phí cũng như số phí thu nộp vào kho bạc nhiều địa phương chưa được sử dụng vì chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó chưa phát huy được mục tiêu cho việc cải tạo và bảo vệ môi trường. Đơn giá thu phí các chất ô nhiễm quá thấp so với giá trị xử lý môi trường cũng như các nước trong khu vực…
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, Bộ TN&MT phối hợp khẩn trương xây dựng Nghị định mới thay thế NĐ67. Do đó, trong hai năm vừa qua, Bộ TN&MT đã tiến hành xúc tiến và làm việc với các địa phương tiêu biểu nhằm tổng hợp các vướng mắc và khó khăn trong việc trải khai NĐ67, qua đó cùng với các chuyên gia xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế NĐ 67.
Ông Trần Thế Loãn cũng cho biết thêm mục tiêu của Chính phủ khi Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm khi sử dụng nước. Bên cạnh đó, các loại phí được áp dụng đảm bảo tính công bằng, minh bạch với tất cả các đối tượng. Các loại phí bảo vệ môi trường về nước thải đều không nhằm để tận thu và tăng ngân sách địa phương.
Một số điểm mới so với Nghị định 67/2033/NĐ-CP
Bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh có nước thải ra môi trường như rửa ô tô, xe máy sẽ là đối tượng bị điều chỉnh phải đóng phí nước thải. Các đối tượng không phải nộp phí gồm các đối tượng được quy định tại NĐ67, trừ các đối tượng bị điều chỉnh theo các văn bản QPPL khác ban hành sau NĐ67.
Tại Nghị định mới, Ban soạn thảo đề xuất chỉ áp dụng hai tiêu chí đánh giá chung nước thải là nhu cầu ôxy hóa học (COD) và hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS), tiêu chí đánh giá kim loại nặng chỉ nên áp dụng đối với một số loại hình doanh nghiệp vì việc áp dụng cả 6 thông số như NĐ 67 gây lãng phí chi phí lấy mẫu phân tích và không phù hợp với nguồn nhân lực hiện tại. Về đơn giá áp đối với COD và TSS, Nghị định mới đã áp cao hơn 3 đến 5 lần, song theo các địa phương thì các đơn giá này vẫn thấp, sẽ không làm thay đổi hành vi của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.
Điểm mới nữa trong Nghị định mới là sẽ áp dụng hai loại hình phí mới bao gồm Phí cố định là mức phí áp dụng đối với các đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, trong đó sẽ phân loại các đối tượng theo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Phí biến đổi sẽ được áp dụng đối với các đối tượng có quy mô lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hai loại hình phí này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới.
Đối với công tác xác định lưu lượng nước thải, Ban soạn thảo cho biết Sở TN&MT các tỉnh cũng như các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định lưu lượng. Mặt khác, NĐ67 cũng không có quy định này, do đó Nghị định mới quy định khi tính lưu lượng nước thải sẽ lấy báo cáo đánh giá tác động môi trường làm căn cứ hoặc 80% tổng lượng nước đầu vào đối với các cơ sở không có thông tin.
Nghị định mới cũng sẽ bãi bỏ một số được quy định tại NĐ67 nhằm đơn giản hóa, thuận tiện trong triển khai như không quy định định mức phát thải, bỏ quy định về lấy mẫu đánh giá lần đầu, không quy định việc đánh giá lấy mẫu phân tích từ lần thứ 2; tăng và không quy định chi tiết tỷ lệ trích lại cho cơ quan thu phí nhằm đảm bảo việc sử dụng linh hoạt và hiệu quả các hoạt động thu phí…