Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2007, các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí lớn nhất ở các đô thị.
Các chất khí độc hại như CO, NOx, hơi xăng dầu (HmCn,VOCs), bụi chì, Benzen và bụi PN2,5 là nguồn ô nhiễm chủ lực.
Trong số bốn loại xe cơ giới tham gia giao thông là xe máy, ô tô con, xe khách và xe tải, xe máy là nguồn chính phát thải các khí CO (70 phần trăm) và hơi xăng dầu (75 – 93 phần trăm).
Còn xe tải lại là nguồn chính phát thải khí NOx và khí SO2. Ô tô con phạm tội bé nhất trong việc xả các khí độc trên đây vào môi trường không khí đô thị.
Điều đáng lo ngại nhất là tốc độ tiêu thụ xăng dầu của nước ta ngày một tăng nhanh. Giai đoạn 2005-2006 lượng tiêu thụ xăng tăng thêm 770.000 tấn, gấp hơn hai lần so với mức tăng của lượng tiêu thụ giai đoạn 2004-2005.
Chiếm 55 phần trăm tổng lượng xăng dầu tiêu thụ, ngành giao thông vận tải trở thành đối tượng làm tăng mức tiêu thụ xăng lớn nhất so với các ngành kinh tế khác.
Sẽ còn đáng sợ hơn nếu nhìn vào con số dự báo xăng dầu sẽ được sử dụng trong khoảng từ 40,2 đến 50 triệu tấn vào năm 2025 (mức tiêu thụ xăng dầu năm 2006 là 12 triệu tấn).
Điều đó cắt nghĩa tại sao các đô thị lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là điểm ô nhiễm môi trường không khí nóng nhất. Tính đến tháng 8/2006, chưa kể số lượng xe máy do người ngoài thành phố đến tạm trú, Thành phố Hồ Chí Minh đã sở hữu tới 3,1 triệu ô tô, xe máy, bằng 1/4 số phương tiện của nước (năm 2006 bình quân 471 xe máy trên 1.000 dân và 95 phần trăm hộ dân có xe máy).
Vào tháng 6/2007, Hà Nội sở hữu 1,8 triệu xe máy ( năm 2006 bình quân 529 xe trên 1.000 dân). Đáng tiếc ô tô, xe máy ở nước ta gồm nhiều chủng loại đã qua nhiều năm sử dụng, dẫn đến tình trạng kỹ thuật thấp, mức tiêu thụ nhiên liệu và nồng độ độc hại trong khí xả cao, tiếng ồn lớn.
Đã thế trước thời hạn ngày 1/7/2007, các phương tiện cơ giới đường bộ vẫn dùng dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh 0,25 phần trăm (qui định chỉ sử dụng diesel hàm lượng 0,05 phần trăm), gây phát thải khí SO2 lớn.
Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng lượng xe cơ giới từ 10 -12 phần trăm mỗi năm, năm 2010 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khoảng từ 4,2 đến 5,4 triệu xe máy được đăng ký và từ 70-90 vạn ô tô.
Nếu các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung, việc cải thiện môi trường không khí chưa tiến triển tốt hơn, thì lượng chất thải phát sinh từ nguồn phát thải khổng lồ sẽ tăng từ 2 đến 5 lần so với năm 2005 (từ 1.000 tới 250 ngàn tấn CO/năm).Tương tự như vậy, với tốc độ xe máy tăng 15 phần trăm, vào năm 2020 Hà Nội có khoảng 6.800.000 xe máy, và sẽ thải ra môi trường không khí khoảng 170 ngàn tấn CO/ năm.
Nhìn tổng thể, trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động giao thông vận tải đóng góp gần 85 phần trăm lượng khí CO và 95 phần trăm lượng VOCs. Những con số sống động trên cho thấy muốn cải thiện bầu không khí của các đô thị, phương tiện giao thông đường bộ là "đối tượng" quan tâm số 1.
Nhà nước đã điều tiết vấn đề này thông qua việc ban hành các Nghị định 92 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Nghị định 23 quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô tải và ô tô chở người, loại bỏ được phần lớn lượng xe cũ phát thải lớn. Nhưng chất lượng xe tham gia giao thông vẫn là vấn đề nóng.
(Theo Báo Tài Nguyên&Môi Trường)