Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh thời gian qua lún rất nặng
Theo kết quả nghiên cứu của dự án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TPHCM bằng kỹ thuật Insar vi phân” do Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện, hiện nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đang bị lún cục bộ với tốc độ trung bình trên dưới 1 cm/năm.
Cụ thể, nhiều xã - phường trên địa bàn 14 quận huyện đang lún với tốc độ 7 - 10 mm/năm; nhiều khu vực ở 17 quận, huyện có tốc độ lún trên 10 mm/năm. Đặc biệt, các khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh trong thời gian qua thuộc các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún trên 15 mm/năm.
Trong 10 năm gần đây, nhiều khu vực đã bị lún từ 20 - 30 cm, nhiều nơi lân cận các công trình lớn thi công trong thời gian này lún đến 50 cm. Điều này giải thích vì sao ngày càng có nhiều khu vực ở TPHCM bị ngập cục bộ khi triều cường.
Theo kết quả nghiên cứu, nguyên nhân gây nên tình trạng lún thời gian qua ở TPHCM chủ yếu là do khai thác nước ngầm quá mức; trong khi đó, quá trình đô thị hóa khiến diện tích bê tông hóa ngày càng cao, diện tích kênh rạch bị san lấp ngày càng nhiều… khiến lượng nước bổ sung cho các túi nước ngầm giảm mạnh.
Từ những nghiên cứu trên, các nhà khoa học kiến nghị TP hạn chế phát triển đô thị tại các khu vực đất yếu, xây dựng lại toàn bộ lưới khống chế độ cao phù hợp với bối cảnh mực nước biển ngày càng dâng cao, lập bản đồ khai thác nước… nhằm hạn chế tình trạng lún sụt mặt đất.
Do vậy, UBND TP chấp thuận tiếp tục quan trắc tình trạng lún mặt đất để đưa các kết quả nghiên cứu của đề án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TPHCM bằng kỹ thuật Insar vi phân” vào sử dụng trong công tác quản lý.