Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đưa gạo vào tranh

(15:28:42 PM 15/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Bằng sự, say mê sáng tạo, Nguyễn Thúy Vy đã tạo ra những bức tranh gạo đầy nghệ thuật, đậm nét văn hóa Việt

Khi tôi đến nhà, Nguyễn Thúy Vy (cơ sở tranh gạo Quỳnh Vy, TPHCM) đang say sưa bên bức tranh khắc họa chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cô dùng chiếc nhíp nhỏ khéo léo gắp hết hạt gạo này đến hạt khác đặt chúng vào tranh.
Những đường nét trên gương mặt như mắt, môi… dần hiện ra. “Chúng tôi đã dành rất nhiều tâm huyết cho tác phẩm này. Đây làniềm vinh hạnh lớn để thế hệ trẻ chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bác Tôn. Bức tranh này sẽ được trao tặng Bảo tàng Tôn Đức Thắng nhân ngày giỗ của Bác sắp tới” - Thúy Vy cho biết.
Sáng tạo từ hạt gạo
Học ngành quan hệ quốc tế nhưng Thúy Vy rất đam mê nghệ thuật. Cô sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi có vựa lúa lớn nhất cả nước, nên luôn trăn trở làm sao để hạt gạo của những người nông dân một nắng hai sương được trân trọng, tôn vinh. Khi hay tin Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM có mở khóa dạy làm tranh gạo, Thúy Vy đăng ký theo học.
Càng học, cô càng say mê khi thấy những hạt gạo bình thường bỗng chốc biến thành những danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, chân dung người nổi tiếng… Nhưng đến khi bắt tay vào làm, mọi thứ không dễ dàng như cô nghĩ bởi hạt gạo vốn khó bảo quản.
Nguyễn Thúy Vy bên sản phẩm tranh gạo của mình
Sau nhiều lần thử nghiệm, Thúy Vy phát hiện phương thức sử dụng nhiệt độ xử lý để hạt gạo có màu tự nhiên: trắng, vàng, nâu, đen… Sau đó, phải điều tiết độ sáng tối, bố cục của bức tranh bằng cách dùng nhíp gắp từng hạt gạo đưa vào tranh. Tất cả công đoạn này đều được làm bằng tay một cách tỉ mỉ.
“Bức tranh đầu tiên ra đời dù chưa sắc sảo lắm nhưng tôi rất hài lòng.Cảm giác được trả ơn cho quê hương, cho hạt gạo càng thôi thúc tôi sáng tạo” - Thúy Vy tâm sự. Những bức tranh đầu tiên được Thúy Vy đưa lên mạng như một cách thăm dò thị trường và thị hiếu của khách hàng. Không ngờ tranh được nhiều người đánh giá cao và chọn mua. Năm 2009, cơ sở tranh gạo Quỳnh Vy ra đời, tiên phong giới thiệu nghệ thuật tranh gạo đến với thị trường.
Theo Thúy Vy, do làm hoàn toàn thủ công nên một bức tranh gạo phải mất từ 7 đến 10 ngày. Riêng đối với tranh lớn hoặc chân dung, thời gian làm khoảng một tháng. “Với cách xử lý hiện nay, tranh gạo có thể bảo quản được 7 năm” - Thúy Vy nhấn mạnh.
Giúp ích cho đời
Thời gian qua, tranh gạo Quỳnh Vy tham dự rất nhiều sự kiện trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Gần đây nhất là buổi đón tiếp đoàn khách tham gia chương trình “Giọng ca vàng Truyền hình ASEAN”, triển lãm “Những ngày TPHCM tại Busan - Hàn Quốc” nhân kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc… tranh gạo Quỳnh Vy đã được các vị khách tham quan đặc biệt khen ngợi vì sự độc đáo và mới lạ trong từng tác phẩm.
Trong chương trình từ thiện “Vết sẹo cuộc đời”, bức tranh gạo với hình ảnh chân dung diễn viên điện ảnh Tăng Thanh Hà của cơ sở đã được bán với giá 7.000 USD để quyên góp cho trẻ em nghèo mổ tim. Cơ sở còn trao tặng bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” cho buổi đấu giá từ thiện gây quỹ mổ mắt cho đồng bào nghèo ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Bức tranh đã được một mạnh thường quân mua với giá 70 triệu đồng.
Không những thế, tranh gạo Quỳnh Vy còn được chọn trong rất nhiều sự kiện ngoại giao; là món quà quê nhà được các người đẹp, hoa hậu tham gia các cuộc thi quốc tế chọn lựa khi giới thiệu cùng bạn bè thế giới. “Chúng tôi thật sự hạnh phúc khi được góp một chút công sức của mình để giúp đỡ các em nhỏ bị bệnh tim, người nghèo... có một cuộc đời mới” - Thúy Vy chia sẻ.

“Tranh gạo Quỳnh Vy có một nét đẹp rất độc đáo, mới lạ và thể hiện được nét đặc trưng của Việt Nam. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã bị hút hồn bởi những bức tranh gạo mang nét đẹp mộc mạc, tự nhiên nhưng đầy tính nghệ thuật” - ông Michael Abadie, một khách hàng người Mỹ, đã nhận xét như vậy.

Bài và ảnh: Hồng Đào (Người lao động)