Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Người nghiên cứu và có bài viết về rùa hồ Gươm nhiều nhất

(21:57:35 PM 13/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Tính đến nay, PGS.TS Hà Đình Đức là tác giả của gần 200 bài viết về rùa hồ Gươm và hồ Gươm, từ bài "Hãy gìn giữ lấy báu vật hồ Gươm" đăng báo Hà Nội mới chủ nhật, số 152 ngày 9.2.1992 đến bài "Đường tàu điện ngầm đi qua Hồ Gươm: Mạo hiểm" trên báo Tiền Phong chủ nhật số ngày 11.10.2009. Cũng trong thời gian từ tháng 4.1992 đến tháng 11.2009 đã có trên 400 bài báo viết về Hồ Gươm và ông.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Đình Đức sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, nhưng ông học tập và giảng dạy tại khoa Sinh học Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội) từ tháng 9.1959 đến nay.

PGS.TS Hà Đình Đức

 

Ngày 15.3.1991, lần đầu tiên trông thấy rùa nổi trên mặt hồ Gươm, kích thích tính tò mò và khiến ông bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu rùa hồ Gươm cũng như hoạt động bảo vệ loài rùa này cũng như khu vực Hồ Gươm. Ông đã kiến nghị lên Thủ tướng chính phủ, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xác định ranh giới khu vực Hồ Gươm và tiến hành nghiên cứu tổng hợp về địa lý, địa chất, lịch sử, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường để đề ra biện pháp bảo vệ để khu vực Hồ Gươm trở thành di sản quốc gia.

 

Đó là những đề xuất: tôn tạo khu tưởng niệm vua Lê - hàng năm tổ chức lễ hội ngày đăng quang của vua Lê Thái Tổ (15.4 âm lịch), tiến hành nghiên cứu và có biện pháp hữu hiệu bảo vệ loài rùa hồ Gươm, báo động mực nước hồ Gươm cạn, báo động loài rùa tai đỏ - sinh vật ngoại lai xâm hại xuất hiện ở hồ Gươm mà tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã khuyến cáo và có nhiều bằng chứng về tác hại của chúng, kiến nghị tuyến tàu điện ngầm không được xuyên qua khu vực hồ Gươm, Hà Nội và tứ trấn Thăng Long (đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục và đình Kim Liên) là khu vực địa linh của Thăng Long - Hà Nội ; xây dựng tháp "Hà Nội km0” tại khu vực hồ Gươm…

PGS.TS Hà Đình Đức đang quan sát rùa Hồ Gươm

 

Từ những nghiên cứu của mình, Phó giáo sư - Tiến sĩ Hà Đình Đức đưa ra luận điểm, Lê Lợi đã đem rùa từ Thanh Hóa ra thả ở hồ Lục Thủy (nay là hồ Gươm), vì theo những nguồn tư liệu xưa cho thấy, ở Vung Sung (sông Lương, Thanh Hóa) xưa kia từng có loài rùa to bằng chiếc chiếu đôi, vào mùa sinh sản rùa quần làm đục ngầu nước. Ông đã xem xét kỹ rùa đá đội bia ở Vĩnh Lăng (Lam Kinh) và nhận thấy đây là loài rùa mai mềm rất giống về hình thái với tiêu bản rùa ở Hồ Gươm đang trưng bày trong đền Ngọc Sơn (Hà Nội), cũng giống với cụ Rùa đang sinh sống tại hồ Gươm. Và, rùa đội bia ở Lam Kinh (được tạc theo lối tả chân) hoàn toàn khác với những rùa đá trong Văn Miếu.

Cùng với GS Peter Werner (Đại học THKT Dresden - Đức)

 

Có thể trước đây loài rùa này khá phổ biến ở hai huyện Thọ Xuân, Yên Định (Thanh Hóa) nên khi Lê Lợi lên ngôi vua đã cho thả loài rùa này ở hồ Gươm. Một khẳng định có căn cứ là loài rùa này không có gốc gác ở Thăng Long - Hà Nội, vì nếu có ở Hồ Gươm thì những hồ khác như hồ Tây, hồ Trúc Bạch... cũng có. Nhưng loài rùa này cho đến nay chỉ thấy ở hồ Gươm. Chính từ những nghiên cứu này và so sánh với các loài rùa đã biết trên thế giới về hình thái, mà tên của Phó giáo sư - Tiến sĩ Hà Đình Đức đã xuất hiện trong bảng Danh lục rùa thế giới trong mục về giống rùa lớn mai mềm ở Việt Nam: Rafetus leloii Duc 2000.

 

Hiện nay ông đang chủ nhiệm Dự án "Phục hồi và ổn định bền vững hồ Gươm” Ký hiệu VNM05/A07, thử nghiệm thành công hút bùn Hồ Gươm theo công nghệ của CHLB Đức đang được công luận quan tâm.
T.Tín (kyluc.vn)