Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần văn bản hướng dẫn chi tiết việc xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất

(14:25:49 PM 13/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV tồn lưu tại Việt Nam” do Bộ TN&MT thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vẫn phát sinh nhiều khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn riêng biệt và chi tiết.

Thạc sĩ Vũ Thu Hạnh - Phó trưởng khoa Luật môi trường - Đại Học luật Hà Nội cho rằng: Phần lớn các điểm tồn lưu hóa chất BVTV POP đều phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý hóa chất BVTV tồn lưu và cải tạo, phục hồi môi trường tại các điểm này hiện đang được quy định độc lập, thiếu tính gắn kết, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
 
 
Hiện nay, thực hiện xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV gây nên đang được áp dụng theo các quy định trong Luật hóa chất, Luật bảo vệ môi trường. Cụ thể, điều 70-76 thuộc Mục 2 - Quản lý chất thải nguy hại thuộc chương 8 và Điều 93 thuộc Mục 2 - Khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường thuộc chương 9 (Luật Bảo vệ môi trường năm 2005) và một số điều khoản quy định về trách nhiệm xử lý các hóa chất tồn dư có nguy cơ gây hại cho cộng đồng nằm trong điều 59, 60 chương 8: Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng; điều 63, 64, 65 chương 9: Trách nhiệm quản lý của nhà nước về các hoạt động hóa chất (Luật Hóa Chất năm 2007).

 

Ngoài ra, còn một số văn bản dưới Luật khác như: Quyết định 64/2003/QĐ – TTg của Chính phủ ban hành ngày 22/4/2003 về việc phê duyệt: Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng; Quyết định số 58/2008/QĐ - TTg, ngày 29/4/2008 của

Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích; Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ban hành Điều lệ bảo vệ thực vật và Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật; Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật…

 

Năm 2010, Chính phủ cũng phê duyệt “Kế hoạch phòng ngừa, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên cả nước” theo Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chương trình sẽ tập trung xử lý các khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

 
Trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII – 2011, Chính phủ cũng đã ra Nghị Quyết về các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Nằm trong nội dung chương trình này là các tiểu dự án xử lý 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng môi trường trong tổng số 1.153 khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra trên phạm vi cả nước.
 
Bốc xếp và đóng gói an toàn hóa chất bảo vệ thực vật POP ở Núi Căng, Thái Nguyên để đưa đi tiêu hủy.
 

Đến nay, việc triển khai thi hành theo văn bản pháp luật đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những hệ thống pháp luật hiện hành trên vẫn còn gặp phải một số hạn chế gây khó khăn cho các đơn vị liên quan khi thực hiện. Đơn cử như: Các quy định còn thiếu và quá chung chung, khó triển khai áp dụng trên thực tiễn nhằm phòng ngừa nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV; chưa có sự thống nhất trong việc phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với xử lý ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV tồn lưu; Thiếu các biện pháp chế tài phù hợp đối với các hành vi vi phạm; chưa có quy định hợp lý về việc thải bỏ bao bì đựng hóa chất BVTV và thải bỏ hóa chất bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng; thiếu các hướng dẫn kỹ thuật và các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm tồn lưu…

 

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần phải ban hành cụ thể hơn nữa các văn bản pháp luật, hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể về xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam. Có như vậy, cơ quan thực thi mới có cơ sở áp dụng để giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ, nhất quán và đảm bảo một môi trường trong lành hơn.

Huyền Trang (Dân trí)