Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
“Ăn bụi” để sinh tồn
Trời đã sang trưa, dạo một vòng qua các con đường bụi bặm nhất Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Láng Hòa Lạc..., mới thấy, trong dòng người tấp nập, hình như ai cũng muốn nhấn ga để làm sao trốn khỏi cái nắng chói chang của mặt trời vào hạ và cái nóng đang hầm hập bốc lên từ phía dưới con đường.
Thỉnh thoảng mới có khách ghé vào mua. Ảnh: Lương Lý |
Trong số đó, chỉ có những người phụ nữ bán bánh mỳ dọc hai bên đường là vẫn lặng lẽ không rời vị trí.
Những người mưu sinh bằng nghề bán bánh mỳ trên những con đường này, phần lớn đều là những người có gia cảnh nghèo khó trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, còn có cả những phụ nữ đến từ các vùng quê nghèo thuộc các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc... lên kiếm việc làm thêm sau mỗi vụ nông nhàn.
Tâm sự về nghề, chị Hoàng Thị Q. bán bánh mỳ trên đường Khuất Duy Tiến kéo dài cho biết: “Ngày xưa, nghề bán bánh mỳ ngoài đường tuy có vất vả nhưng còn kiếm được, đủ để chi trả tiền thuê nhà , tiền ăn hàng tháng, rồi dành dụm để gửi về quê nuôi con. Nhưng cái thời “huy hoàng” đó giờ xa rồi. Bây giờ, các cửa hàng bánh mỳ mọc lên như nấm, rồi khắp các siêu thị, đâu đâu người ta cũng bán bánh mỳ. Thế nên, những người bán bánh mỳ ngoài đường này bị ế ẩm nhiều. Thỉnh thoảng lắm mới có khách tiện đường ghé vào mua”.
Còn chị Bùi Thị C (quê Hưng Hà - Thái Bình) thì bảo: “Hôm nào thời tiết mát mẻ thì bán hàng còn khá, chứ nắng nóng lên rồi, những người bán bánh mỳ như chúng tôi chỉ còn nước gặm bánh mỳ, uống nước trắng trừ bữa, vì hàng họ không có ai mua".
Bên những con đường xe cộ chật như nêm đầy bụi bặm và khói xe... Ảnh: Lương Lý |
Chị C tâm sự rằng, cái nghề “bám đường” này vất vả mà lại nhiều rủi ro lắm. Ngồi từ sáng đến tối mới kiếm được dăm chục một trăm, nhưng hôm nào không may, gặp phải bọn côn đồ thì cũng đi tong cả vốn lẫn lãi.
Theo lời chị C. kể, trước đó không lâu, đồng hương của chị là chị Liễu, đang bán bánh mỳ ở Pháp Vân thì có 2 thanh niên dừng xe trước mặt. Ngỡ là khách mua hàng nên chị Liễu chạy ra đon đả mời chào. Không ngờ, chẳng nói chẳng rằng, một trong hai tên tên cướp dí hẳn con dao dính máu vào cổ chị Liễu khống chế, tên kia thì lục lọi lấy đi tất cả số tiền bán được trong ngày của chị. Mọi người xung quanh nhìn thấy nhưng cũng chẳng ai dám ho he điều gì vì sợ chúng trả thù.
“Đấy là còn chưa kể, mấy tay nghiện, cứ thiếu tiền mua thuốc là lại rẽ vào “xin đểu”, khiến chúng tôi bức xúc lắm, vì cho thì hết lãi, không cho thì sợ chúng trả thù, mà mình thì “thân cô thế cô”.
Biết vậy, nhưng chị C bảo, chị và nhiều chị em khác vẫn cố gắng bám nghề bởi, bao nhiêu năm bán bánh mỳ ngoài đường, bây giờ không làm nữa thì biết làm gì để sống....
Trên con đường đầy bụi ấy, không chỉ có những người phụ nữ bán bánh mỳ bám đường để mưu sinh mà còn có nhiều những số phận mưu sinh khác cũng đầy nhọc nhằn.
...người bán hàng bịt mặt kín mít. Ảnh: Lương Lý |
Tranh thủ buổi trưa vắng khách, chị Hà Thị Khuyên - một phụ nữ bán hoa quả rong quê ở Mỹ Đức - Hà Nội tâm sự: “Mỗi ngày lang thang bán hàng, mình cũng kiếm được 100 đến 200 tiền lãi. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, 3 - 4h sáng mình đã phải thức dậy để lên chợ đầu mối lấy hàng, rồi phơi mặt ngoài đường từ đó cho đến tận khuya mới trở về nhà khi đôi chân đã mỏi nhừ”.
Lao động vất vả và nguy hiểm nên đối với những người bán hàng rong dạo, hay những người phụ nữ bám chặt lấy mặt đường để bán bánh mỳ mưu sinh, một đồng kiếm được cũng vô cùng quý giá. Họ chấp nhận ăn uống khổ cực. Đôi khi, bữa trưa của họ chỉ là một mẩu bánh mỳ vụn, hay xuất cơm bụi ăn vội văn vàng, tối về lại sống trong những căn phòng trọ tạm bợ, nóng hầm hập mùa hè và ẩm thấp, đọng nước vào mùa mưa. Thế nhưng, để mưu sinh thì những điều đó với họ, không là vấn đề.
Chỉ có điều, họ sợ nhất vẫn là đau ốm. “Ăn thì sao cũng được, tiền mất thì cũng kiếm lại được, chứ đau ốm thì không làm được gì hết” - Chị Khuyên tâm sự.
“Hầu hết đều mắc các bệnh về đường hô hấp”
Theo bác sĩ Đặng Thị Đào - Bệnh viện Phổi - Hà Nội: Những người thường xuyên làm việc trong môi trường ngoài trời, hàng ngày tiếp xúc và hít phải nhiều bụi đường, bụi tàu xe ... thường dễ bị mắc các bệnh như việm xoang, viêm mũi dị ứng, nặng hơn thì dẫn đến viêm phổi.
Ngoài ra, trong môi trường không khí luôn chứa những con vi khuẩn lao. Việc lao động quá sức dẫn đến cơ thể mỏi mệt, thậm chí là lao lực sẽ khiến cho sức đề kháng trong cơ thể con người bị yếu đi, cơ thể suy kiệt. Khi đó, vi khuẩn lao sẽ dễ dàng thâm nhập vào cơ thể người, làm cho người lao động dễ dàng mắc phải bệnh lao.
Lúc vắng, xuống hẳn lòng đường để mời chào khách. Ảnh: Vũ Lụa |
“Mặc dù, khi làm việc trong môi trường này, người lao động thường tự biết đeo khẩu trang để tránh nắng, tránh bụi, nhưng việc đeo khẩu trang cũng chỉ cản được một phần bụi bặm mà họ hít phải chứ không thể ngăn cản được hoàn toàn lượng bụi thâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp”, Bác sĩ Đào cho biết.
Bên cạnh đó, việc ăn uống vội vàng, lại không đảm bảo vệ sinh cũng sẽ ảnh hưởng đến các bệnh về đường tiêu hóa. Ăn không đúng giờ giấc còn ảnh hưởng đến các bệnh về dạ dày.
Hay việc thường xuyên chịu tác động của những âm thanh lớn, tiếng ồn xe cộ còn làm giảm khả năng về thính giác, lâu dần sẽ dẫn đến nghe kém.
Ngoài ra, thì những người làm trong môi trường này còn dễ dàng bị mắc các bệnh viêm nhiễm về mắt.