Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vun đắp cho niềm đam mê
Nơi đây không chỉ phát huy, gìn giữ niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT mà còn thu hút khá đông người yêu thích bộ môn này đến tham gia. Tối thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, những thành viên đến từ TP.HCM, Đồng Nai và những vùng lân cận tụ họp về đây cùng hòa mình vào giai điệu của khúc hát quê hương. Tại đây, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những bài hát ca cổ với chất giọng Nam bộ ngọt ngào ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước và lứa đôi… Chứng kiến đêm sinh hoạt của câu lạc bộ, chúng tôi khá bất ngờ về các thành viên CLB ĐCTT tại đây, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như nghệ sĩ ĐCTT tham gia CLB này gồm rất nhiều thành phần và làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng bằng lòng đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống, họ đã không ngại khó để tìm đến sinh hoạt. Anh Thanh Hồng đến từ Đồng Nai, cho biết, tuy ở xa nhưng tuần nào anh cũng đến sinh hoạt và theo học đờn tại đây. Anh tham gia học đờn, ca từ năm 2007, chỉ mới theo học một thời gian ngắn, thế nhưng khi nghe anh ca, chúng tôi ai cũng ngạc nhiên vì chất giọng ngọt ngào hòa điệu nhanh chóng với tiếng đờn, tất cả tạo cho người nghe một sự cảm giác nhẹ nhàng, miên man.
Các nhạc sỹ trong của CLB ĐCTT đang hòa tấu
Anh Hồng kể, lúc mới đến tham gia CLB, nghe những nghệ sĩ ca các bản ca cổ, tôi không thể hiểu nổi, tuy nhiên nghe nhiều và hát theo, tôi đam mê lúc nào không hay. “Đến hẹn lại lên, tôi tranh thủ thu xếp công việc để đến chung vui. Nhiều lúc quá bận không tham gia được, tôi cảm thấy như thiếu đi một điều gì đó. Đối với tôi, ĐCTT dường như đã ngấm sâu vào trong máu mình”, anh Thanh Hồng tâm sự. Cũng đến đây sinh hoạt bằng tấm lòng đam mê ĐCTT, anh Út Giàu, chủ doanh nghiệp kinh doanh xe du lịch tại Dĩ An nói: “Theo tôi, môn nghệ thuật này rất hay, tuy bận công việc kinh doanh nhưng tối thứ 3 và thứ 6, tôi tranh thủ thời gian đến nghe ĐCTT. Tuy ít hát nhưng tôi cảm nhận được những giọng ca ngọt ngào từ các bạn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, CLB ĐCTT tại huyện Dĩ An ra đời hơn mười một năm, thế nhưng chưa một tuần nào bị gián đoạn. Đây là niềm hạnh phúc nhất, giúp cho các thành viên trong CLB cùng vun đắp niềm đam mê và “truyền lửa” cho các bạn trẻ thích bộ môn nghệ thuật này, bất kể họ là ai, là công nhân hay những người lao động nghèo, nếu thích thì cứ đến. Chị Nguyễn Thị Xuân Lan, nghệ sĩ trẻ nhất CLB ĐCTT tâm sự: “Tôi rất thích nghe ĐCTT, mỗi khi công ty tăng ca không tham gia sinh hoạt được, tôi thấy rất tiếc. Tôi đang theo học lớp ĐCTT tại đây, tôi muốn học thật tốt để góp phần lưu giữ nét đẹp của ĐCTT”.
Tâm huyết được truyền trao niềm đam mê nghệ thuật tài tử không chỉ ở một vài người mà dường như nó là tâm nguyện chung của tất cả thành viên CLB này. Trong mỗi câu nói ai cũng đều trăn trở một điều, làm thế nào giúp lớp trẻ đam mê và theo học. Cô Cao Thị Thắng, hiện nay đang dạy ĐCTT tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ bộc bạch: “Tuy đã lớn tuổi nhưng tôi rất “nặng tình” với ĐCTT, bởi vậy tôi mong muốn có thể đem hết những gì mình biết dạy lại cho các em. Tôi cũng đang cố gắng định hướng các em suy nghĩ tích cực về ĐCTT là bộ môn nghệ thuật hay và không khó, nếu tập đúng bài bản”.
Thấy được cái hay, đặc sắc của ĐCTT nhưng hiện đang bị thế hệ trẻ dần lãng quên, do đó nhiều nghệ sĩ đã không ngại khó, hàng đêm đến đây dạy đờn, ca. Trong số đó có nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải, anh sẵn sàng mua đờn tặng cho học trò và luôn khuyến khích học trò cố gắng học đúng bài bản. Ngoài ra còn có nghệ sĩ Vũ Thanh, anh chính là người đứng lớp dạy đàn hơn 11 năm nay tại CLB ĐCTT này. Anh cho biết, lớp học do anh dạy khoảng 20 em, chia thành hai nhóm nhỏ, các em ở những nơi rất xa như TP.HCM, Tân Uyên, các em đủ thành phần và đủ lứa tuổi. Tuy nhiên, nhìn chung những học trò của anh đều có lòng đam mê, điều đó càng giúp cho anh thêm hạnh phúc khi có các bạn trẻ cùng san sẻ.
Cùng vượt qua khó khăn
Thầy Vũ Thanh cùng cô họ trò lớn tuổi
Hiện nay, phát triển CLB ĐCTT và tân cổ nhạc là rất khó, thế nhưng với lòng đam mê nghệ thuật, các nghệ sĩ ĐCTT đã và đang cố gắng góp phần “hồi sinh” lại bộ môn nghệ thuật này. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải cho biết, tất cả mọi người, ai cũng có thể học ĐCTT. Đối với bộ môn nghệ thuật này cái khó của người học là phải học từng bước theo sự chỉ dẫn của thầy dạy không được học nhảy và tự mò mẫm theo ý của riêng mình. Vì vậy muốn trở thành một nghệ sĩ ĐCTT đúng nghĩa phải trải qua một thời gian luyện tập khá công phu. Một điều quan trọng là người học phải luôn nhớ là học để phục vụ đời sống văn hóa, thái độ học tập không tốt sẽ làm mất ý nghĩa cao đẹp của dòng nhạc tài tử.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây kinh phí hoạt động chủ yếu do các nghệ sĩ tự “góp gạo nấu cơm chung” nhưng những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hàng tháng, CLB được trợ cấp 200.000 đồng để mua dây đờn, nước uống sinh hoạt. Đặc biệt, trong năm 2010 Sở VH – TT - DL tỉnh đã tài trợ bộ âm thanh trị giá 30 triệu đồng cho CLB. Tuy số tiền hỗ trợ không được nhiều nhưng phần nào đã động viên, khích lệ cho họ phát huy, bảo tồn giá trị độc đáo của ĐCTT.
Nghệ sĩ Minh Kiều chủ nhiệm CLB cho biết, trong thời gian qua, CLB ĐCTT đã tham gia rất nhiều chương trình giao lưu sinh hoạt với các CLB ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích cho các nghệ sĩ. Ngoài ra, đây cũng là dịp giới thiệu đến công chúng nghệ thuật tài tử. Để người nghe không cảm thấy nhàm chán, CLB đã kết hợp biểu diễn những bản tân cổ, biểu diễn ca ra bộ (ca có diễn xuất, sử dụng tay chân diễn tả), thiết kế trang phục phù hợp với những bản ca cổ để thu hút người xem, góp phần đưa phong trào tài tử ngày càng phát triển và luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu, nhất là đối với người dân Nam bộ.