Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

San ủi 133 ha mặt bằng không kiểm kê tài sản trên đất

(09:41:42 AM 12/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Công ty TNHH Nam Thuận (đóng tại Km7, quốc lộ 14 thuộc địa bàn TP Buôn Ma Thuột) làm nhiệm vụ trồng cây công nghiệp, trồng rừng tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (nay thuộc tỉnh Đắk Nông). Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) được cấp từ năm 1998. Hơn chục năm tập trung phát triển sản xuất trên địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp (DN) đã trồng được trên 150 ha cà phê, cây ăn quả, cùng với hàng chục hécta rừng nguyên liệu, cùng việc xây dựng hệ thống đường sá, các hồ đập nhỏ phục vụ sản xuất.

Một góc Khu tái định cư Đắk Plao của Thủy điện Đồng Nai 3 được xây dựng trên vùng đất giải tỏa của Công ty TNHH Nam Thuận.

 

 

Thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 26/9/2007 của UBND tỉnh Đắk Nông, Công ty TNHH Nam Thuận đã giao lại cho Nhà nước 214,06 ha đất tiểu khu 1769 thuộc địa bàn xã Quảng Khê để xây dựng Khu tái định cư Đắk P’lao nhằm ổn định cuộc sống cho trên 450 hộ dân vùng lòng hồ công trình Thủy điện Đồng Nai 3. UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo huyện Đắk Glong và Ban quản lý thủy điện 6 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) khẩn trương kiểm kê đánh giá tài sản trên đất, giải quyết tốt việc đền bù giải phóng mặt bằng và nhanh chóng xây dựng nhà cửa, các công trình kết cấu hạ tầng trên khu tái định cư Đắk P’lao.

Nhận đất xây dựng khu tái định cư, huyện Đắk Glong và Ban quản lý thủy điện 6 chỉ mới kiểm kê đánh giá tài sản trên đất của 81 ha cây trồng của Công ty TNHH Nam Thuận, rồi tiến hành sản ủi toàn bộ mặt bằng 214,06 ha. Diện tích còn lại trên 133 ha cà phê, cây ăn quả, cây rừng, cây nguyên liệu, lát hoa, luồng (tre) cùng với các công trình trên đất như đường sá, hồ đập với giá trị nhiều tỉ đồng chưa được kiểm kê đánh giá tài sản. Cũng trong thời gian đó, trên 100 công nhân của DN sinh sống ở mảnh đất này hơn chục năm, vì mất đất sản xuất phải bỏ đi nơi khác làm thuê kiếm sống, hoặc về lại quê cũ .

Với diện tích mới kiểm kê 81 ha cây công nghiệp, Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Đắk Glong chỉ đền bù cho Công ty TNHH Nam Thuận số tiền 7.076.068.483 đồng. Còn lại diện tích 133 ha không được kiểm kê đánh giá tài sản trên đất, DN mới được hỗ trợ 1.596.303.600 đồng (tiền khai hoang 12 triệu đồng/ha). Trong khi đó, hàng chục hécta cây công nghiệp, cây ăn quả đang cho thu hoạch cùng với diện tích rừng trồng, 7 hồ đập nhỏ, hệ thống đường sá nội bộ, nhà ở và các công trình phụ thì bỏ “quên” không tính.

Trước tình cảnh mất đất sản xuất, tài sản bị hủy hoại, công nhân mất việc làm, Công ty TNHH Nam Thuận đã kiến nghị cấp trên chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng, kiểm kê và đền bù tài sản trên đất trong vùng xây dựng Khu tái định cư Đắk Plao đúng quy định của nhà nước. Xem xét sự việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ông Đặng Đức Yến có Công văn số 1339/UBND-NL ngày 10/6/2008 và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phương có Công văn số 1122/UBND-Nl ngày 22/3/2009 gửi UBND huyện Đắk Glong và Ban Quản lý thủy điện 6 chỉ đạo việc “triển khai giải tỏa mặt bằng xây dựng khu tái định cư, phải kiểm kê đầy đủ, chính xác các tài sản trên đất cả về số lượng, chất lượng, tổng giá trị tài sản và lập biên bản cụ thể để đền bù”. Tuy vậy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong ông Đàm Quang Trung đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo của tỉnh, vẫn thúc ép các đơn vị thi công cấp tập san ủi mặt bằng, chặt phá cà phê, cây rừng nguyên liệu, cây ăn quả và phá bỏ các công trình giao thông, thủy lợi mà không thỏa thuận đền bù thiệt hại tài sản của DN theo quy định của Nhà nước.

Không thể giải quyết việc đền bù tài sản bằng thỏa thuận, từ đầu năm 2009 Công ty TNHH Nam Thuận đã khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong. TAND huyện Đắk Glong đã thụ lý xét xử sơ thẩm vụ án, công nhận việc đòi đền bù tài sản của Công ty TNHH Nam Thuận là đúng đắn. Sau đó, TAND tỉnh Đắk Nông đã xử phúc thẩm, tuyên hủy kết quả bản án sơ thẩm. Khi trả lại hồ sơ vụ án cho TAND huyện Đắk Glong để xử lại, TAND tỉnh đã giữ lại nhiều bút lục với những nội dung quan trọng của vụ án. Đây là điều khó hiểu và gây sự lo ngại cho DN trong phiên tòa sẽ được xử lại sơ thẩm tại TAND huyện Đắk Glong.

Điều đáng nói là, trước đây trong quá trình làm việc với cơ quan bảo vệ pháp luật, ông Trần Nam Thuần, Trưởng phòng Tài chính huyện, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của huyện Đắk Glong, đại diện cho Chủ tịch UBND huyện một mực cho rằng, toàn bộ 133 ha đất của Công ty TNHH Nam Thuận là đất trống. Ngày 30/3/2012, TAND huyện Đắk Glong đã tổ chức cuộc đối thoại giữa Công ty TNHH Nam Thuận là nguyên đơn với bị đơn là UBND huyện Đắk Glong, có đại diện của Ban Quản lý thủy điện 6, Xí nghiệp lâm nghiệp Quảng Khê (đơn vị hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty TNHH Nam Thuận) cùng tham dự. Trước các tài liệu chứng cứ đầy đủ của DN đưa ra, ông đại diện của UBND huyện Đắk Glong đã công nhận việc thiếu sót của Ban đền bù giải tỏa mặt bằng là không kiểm kê đánh giá tài sản trên đất của Công ty Nam Thuận với lý do “Chủ đầu tư xây dựng Công trình Thủy điện Đồng Nai 3 không cung cấp bản đồ giải thửa” (!?). Như vậy, việc Ban giải tỏa đền bù của huyện “quên” kiểm tra đánh giá tài sản trên đất 133 ha của Công ty TNHH Nam Thuận là sai sót nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản rất lớn của DN. Sự việc diễn biến hơn 3 năm, nay UBND huyện Đắk Glong mới chịu nhìn nhận việc làm của mình là sai. Trong khi đó DN phải mất nhiều thời gian và công sức để tìm sự công bằng trong đền bù tài sản bị giải tỏa trên vùng đất xây dựng khu tái định cư Công trình Thủy điện Đồng Nai 3.

Nguyễn Hòa Dương/ Tin Tức