Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những trắc trở từ đất

(20:25:06 PM 11/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguồn vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp giảm dần từ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 xuống chỉ còn 1% năm 2011.

 Tính chung trong vòng 20 năm, từ 1990-2010, vốn đầu tư FDI vào ngành nông nghiệp chỉ đạt 4,3 tỉ USD (chiếm 2,3%). Đây chỉ là vốn đăng ký, vốn thực tế để thực hiện dự án còn thấp hơn nhiều.

 

Nông dân ở Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng thu hoạch cà chua cung cấp cho hệ thống siêu thị Big C - một mô hình hợp tác điển hình giữa nông dân và nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: Trần Đức Tài

 

 

Trong danh mục hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, có tới 60% vốn đăng ký là của các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Riêng Đài Loan là 25%.

 

Đến rồi đi

 

Là vựa lúa lớn nhất nước và vùng nguyên liệu trái cây chính nhưng ĐBSCL chẳng thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Ông Mai Phước Hưng - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Sóc Trăng - cho biết tỉnh có 31 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhưng đến nay chỉ có một dự án có vốn đầu tư 10 triệu USD của một doanh nghiệp Đài Loan là nhà máy chế biến thức ăn tôm cá phục vụ nông nghiệp nông thôn.

 

“Tỉnh kêu gọi đầu tư rất dữ, năm nào cũng kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhưng ít có nhà đầu tư mặn mà” - ông Hưng nói. Tương tự, dù có nhiều ưu thế về giao thông nhưng ở Cần Thơ, bảy dự án nông nghiệp kêu gọi đầu tư hằng năm, đến nay vẫn chưa có dự án nào “có chủ”.

 

Tình hình cũng tương tự tại tỉnh Cà Mau. Ông Mai Hữu Chinh, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh này, cũng có chung câu chuyện nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi đi luôn chủ yếu do tỉnh không có diện tích đất sạch lớn giao cho nhà đầu tư và điều kiện hạ tầng khu vực còn yếu kém. Trong danh mục kêu gọi đầu tư FDI của tỉnh này ở lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là các ngành nghề sản xuất tôm giống, thức ăn nuôi tôm, chế biến bột cá song đến nay đều chưa thành hình.

 

Tại Hậu Giang, Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho biết chưa kêu gọi được dự án FDI nào.

 

Bế tắc trong tiếp cận đất đai

 

 

Siêu thị Big C (Pháp) là một trong những điển hình về hợp tác gắn bó với nhà nông để tìm lối ra cho các mặt hàng rau củ quả, trái cây, thủy hải sản, đặc sản địa phương. Hiện nay mỗi ngày toàn hệ thống siêu thị Big C tiêu thụ khoảng 16 tấn rau củ quả ở khu vực Lâm Đồng, 17 tấn sản phẩm nông sản của các tỉnh ĐBSCL và 8 tấn thủy hải sản. Big C xây dựng trung tâm trung chuyển để thuận tiện trong làm việc với nhà sản xuất và tập kết, vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh những nhà cung cấp phổ biến thì siêu thị có nhà cung cấp cá chim biển ở Nha Trang, cua Bến Tre, Cà Mau, cá biển ở Phan Thiết, Đà Nẵng... Theo Big C Việt Nam, thách thức lớn nhất là phần lớn nhà cung cấp, hộ nông dân nhỏ lẻ chưa nắm bắt được yêu cầu về thủ tục chứng nhận chất lượng nên hàng hóa chưa đáp ứng ngay được yêu cầu để vào siêu thị.

NHƯ BÌNH

Không những ít, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI chỉ tập trung vào một số ngành như: chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI vào nông nghiệp. Trong khi các ngành chế biến nông sản, thủy sản... rất ít.

 

 

Ông Lê Văn Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNT, cho biết từ trước đến nay, đầu tư FDI vào nông nghiệp luôn khó khăn bởi đây không phải là lĩnh vực hấp dẫn, khó thu hồi vốn.

 

“Nói đến đầu tư nông nghiệp là đụng đến vấn đề đất đai, trong khi đây lại là vấn đề phức tạp trong quản lý của nước ta hiện nay. Ngoài ra, sự phân công không rõ ràng giữa các cơ quan trung ương và địa phương đôi khi dẫn đến cách hành xử khác nhau cho cùng một dự án đầu tư nước ngoài, làm nản lòng các doanh nghiệp. Tỉnh chỉ tập trung vào các mục tiêu của tỉnh mà không chú ý đến mục tiêu của quốc gia và ngược lại, có những vấn đề của địa phương thì bộ không giải quyết được” - ông Minh nhận xét.

 

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa (Viện Thổ nhưỡng - nông hóa Việt Nam), nguyên nhân rất quan trọng là “lấy đất ở đâu mà làm dự án nông nghiệp?”. Theo TS Nghĩa, nếu muốn các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất chế biến thì phải có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng đồng đều và an toàn.

 

“Ở Việt Nam lấy đâu ra những vùng nguyên liệu lớn như thế, nên buộc họ phải đầu tư cả vùng nguyên liệu, nhưng lại gặp vấn đề lấy đất ở đâu ra để làm dự án. Cái khó nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay chính là tổ chức lại sản xuất theo quy mô hàng hóa, quy mô lớn” - TS Nghĩa nhận định. Đồng quan điểm này, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg - chủ tịch, tổng giám đốc Công ty cổ phần CP Việt Nam - cho rằng khó khăn đầu tiên và lớn nhất đối với một nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam chính là đất đai.

 

Công ty CP chăn nuôi gia công theo mô hình công nghiệp, đòi hỏi nơi xây dựng trại phải đủ rộng, xa khu dân cư. Tuy nhiên, quỹ đất rộng rất khó kiếm, nếu có lại xa xôi, giá đất lại không dễ chịu.

 

Theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch - đầu tư, các doanh nghiệp FDI ngành nông nghiệp thường phải bỏ rất nhiều vốn vào việc đào tạo chuyên môn cho lao động và đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của sản xuất nông nghiệp. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản cũng đang đòi hỏi các nhà đầu tư phải tăng thêm vốn đầu tư vào xử lý chất thải và chống ô nhiễm, làm tăng chi phí sản xuất.

 

Chuyện tranh chấp đất đai trong sản xuất nguyên liệu giữa các loại cây trồng diễn ra ngày càng phổ biến cũng làm nản lòng các nhà đầu tư FDI khi họ không tự bảo vệ được vùng nguyên liệu.

 

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra là quy định của luật pháp về đầu tư FDI hiện nay ít phù hợp với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Các quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư FDI trong nông nghiệp còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu chỉ rõ các điều kiện và tiêu chí áp dụng, vì vậy chính sách chỉ nằm trên giấy, không vận hành vào thực tiễn. Thực tế cho thấy hầu hết dự án FDI trong lĩnh vực này cần vùng nguyên liệu tập trung đều gặp phải sự trắc trở, thậm chí bế tắc trong tiếp cận đất đai.

 

Chính sách ngưng trệ

 

Hầu hết chuyên gia nông nghiệp đều nói về “một chính sách đột phá hơn” nếu muốn thu hút đầu tư, tạo biến chuyển lớn trong đầu tư về nông nghiệp, nông thôn. Cho đến nay, các cơ chế, chính sách về quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông sản cho các dự án FDI đã cấp phép không được thực thi trong thực tế.

 

Ví dụ điển hình là các dự án mía đường gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, phát triển và duy trì các vùng mía mà Nhà nước đã quy hoạch cho họ. Các dự án chế biến gỗ, sữa, dầu thực vật cũng không thể thực hiện đúng quy định sử dụng nguyên liệu trong nước với các lý do khác nhau.

 

Có mặt ở Việt Nam gần 20 năm và là một trường hợp điển hình về thành công ở Việt Nam, nhưng Công ty CP (Thái Lan) vẫn cho rằng rất khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, xin giấy phép đầu tư vào ngành nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khó khăn và chậm trễ, tốn nhiều chi phí và thời gian. “Việc đầu tư cần phải liên lạc với nhiều cơ quan nhà nước và giải thích không rõ ràng” - nhà đầu tư nước ngoài này dẫn chứng.

 

Ông Mai Phước Hưng cho rằng nghịch lý là có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhưng chưa được hiện thực hóa toàn diện trên thực tế. Ông dẫn chứng nghị định 61 năm 2010 của Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhưng đến nay cơ quan chức năng chỉ cụ thể hóa bằng việc ưu đãi về thuế và đất đai. Trong khi đó các vấn đề về vốn, đầu tư nguồn nhân lực, hỗ trợ thị trường... đến nay vẫn bị bỏ ngỏ.

 

 

FDI vào nông nghiệp sinh lợi thấp

 

“Chúng ta có nhiều cơ sở pháp lý để đảm bảo cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn phát triển, như nghị quyết 26 của Đảng về tam nông được Chính phủ cụ thể hóa bằng nghị định 61. Vốn ngoại vào lĩnh vực này rất ít có nhiều nguyên nhân.

 

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở vùng nông thôn của Việt Nam còn hạn chế. Ngoài đường sá, các hạ tầng về thông tin, viễn thông, kỹ thuật... còn bất cập. Thứ hai, nguồn lực lao động tay nghề cao còn thiếu nhiều, đặc biệt ở vùng ĐBSCL. Thứ ba, thiếu liên kết trong quy hoạch và kêu gọi đầu tư. Đầu tư vào lĩnh vực này rủi ro cao và sinh lợi thấp hơn so với đầu tư vào các lĩnh vực khác trong khi đó điều kiện quy hoạch, bố trí sản xuất và hoàn cảnh nông hộ nhỏ lẻ... như hiện nay cũng làm vấn đề trở nên khó khăn hơn.

 

Vì vậy ta đã không tập trung được vùng nguyên liệu và đưa khoa học, tiến bộ vào sản xuất quy mô lớn. Chính sự rời rạc này đã dẫn đến việc thiếu sự hỗ tương trong kêu gọi đầu tư giữa các địa phương. Mỗi tỉnh thành đều có dự án kêu gọi đầu tư, nhưng khi nhà đầu tư muốn tìm hiểu khi họ làm dự án ở tỉnh này thì sự liên hệ với nhu cầu của tỉnh khác ra sao là điều khó.

 

Một trong những nguyên nhân có tính tế nhị khác là môi trường sống cho nhà đầu tư còn yếu. Họ làm việc lâu dài nên đưa vợ con và gia đình theo nhưng ta lại thiếu những điều kiện thiết yếu cho họ... Đầu tư dự án ở tỉnh nhưng họ phải để gia đình ở TP.HCM cho con cái học hành. Điều tưởng nhỏ này lại là trở ngại mà chúng ta cần quan tâm.

 

Khu vực ĐBSCL có nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào nhưng thiếu vắng các nhà máy chế biến chuyên sâu, vấn đề ở chỗ thiếu liên kết vùng, tạo lập vùng nguyên liệu, vùng công nghiệp hỗ tương, suy xét hiệu quả đầu tư và tương tác nhau của từng khu công nghiệp trong vùng. Tiếp đến là việc nghiên cứu động thái chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế theo vùng và theo địa phương còn giới hạn. Vì vậy khó nâng cấp chuỗi giá trị và cạnh tranh ngành hàng.

 

Doanh nghiệp là một tác nhân tham gia trong công đoạn của chuỗi này, nếu có chính sách nâng cấp chuỗi giá trị một cách bền vững thì cũng là cách kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư những nhà máy chế biến chuyên sâu.

 

TS NGUYỄN VĂN SÁNH
(viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ)

 

__________

VN chưa thu hút công nghệ mới nhất

 

Ông Steven Jaffee (*), điều phối viên ban phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, lý giải các nguyên nhân khiến FDI trong nông nghiệp của Việt Nam rất thấp và những thách thức khác đang đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam.

 

Ông Steven Jaffee - Ảnh: Hương Giang

 

 

Ông Jaffee nói: Nếu chỉ tính nông nghiệp đơn thuần, không nói đến các ngành công nghiệp nông nghiệp, thì việc tiếp cận đất đai không dễ. Ở nhiều nước khác, các nhà đầu tư có thể thuê được đất rộng hơn, ví dụ ở Lào, Campuchia, Mozambique... Chính các nhà đầu tư Việt Nam cũng sang Lào, Campuchia thuê đất trồng hạt điều chẳng hạn.

 

Với các ngành cần ít đất hơn như trồng hoa, rau thì điều này không phải vấn đề lớn. Do đó ngành sản xuất nông nghiệp cơ bản sẽ không dễ dàng thu hút FDI và cũng không nhất thiết phải có FDI trong lĩnh vực này vì các bạn muốn xây dựng hệ thống nông trường của riêng mình.

 

Nhìn ở góc độ buôn bán và chế biến thì vấp phải sản xuất manh mún, không có nhiều nông trại thương mại và nếu có thì chủ yếu của các doanh nghiệp nhà nước. Nếu một công ty nước ngoài nhìn vào thị trường Việt Nam, họ sẽ thấy hàng triệu nông dân nhỏ lẻ với một vài hợp tác xã và thách thức đặt ra là làm sao có thể quy tụ được nguồn cung, làm thế nào từng công ty có thể tìm kiếm và thu mua hàng chục tấn nguyên liệu thô vì họ sẽ phải làm việc với hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, chi phí giao dịch sẽ rất cao, kể cả so với các nước có tiềm năng nông nghiệp thấp hơn.

 

Việc các doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh hay thống trị lĩnh vực nông nghiệp cũng tạo ra cảm giác hoặc thực tế là sân chơi không được bình đẳng. Còn với các ngành cần công nghệ, tri thức như trồng rau, hoa thì lại có vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Môi trường chưa hấp dẫn

 

 

“Trong lĩnh vực xuất khẩu, thách thức đặt ra là “tái lập thương hiệu” cho nông nghiệp Việt Nam để sao cho trong 5, 10 năm nữa, nông nghiệp Việt Nam không phải là nơi cung cấp nguyên liệu thô rẻ, kém chất lượng mà là nơi người mua và tiêu dùng quốc tế công nhận chất lượng sản phẩm cũng như đánh giá cao quy trình sản xuất ra các sản phẩm đó” - Steven Jaffee 

* Liệu những nỗ lực hiện nay của Việt Nam nhằm thu hút FDI, xây dựng chiến lược phát triển cho nông nghiệp... có giải quyết được các thách thức đó? 

 

 

- Về vấn đề sản xuất manh mún, phân tán thì Chính phủ đang suy nghĩ về hai hướng: thứ nhất là thúc đẩy sản xuất quy mô lớn hơn và thứ hai là cố gắng tăng cường mối liên hệ giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước thông qua các hợp đồng nông trường và công cụ khác. Tôi không rõ lắm về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chính phủ muốn thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao và đồng thời các công ty tham gia mảng này rất muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

 

Nhìn chung hướng đi của Chính phủ là đúng đắn. Tôi cho rằng để dịch chuyển tới nền nông nghiệp sử dụng đầu tư tư nhân theo hướng thị trường cũng có nghĩa phải từ bỏ việc đặt ra các chỉ tiêu sản xuất. Các nhà đầu tư phục vụ thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, vì thế các chỉ tiêu sản xuất không có ý nghĩa nhiều ở đây, mà chủ yếu họ xem xét liệu có thể đáp ứng nhu cầu và đem lại lợi nhuận hay không.

 

* Ngoài FDI, liệu VN có nên chú trọng thu hút các nguồn đầu tư khác cho nông nghiệp?

 

- Chúng tôi đang hỗ trợ Bộ NN&PTNT thực hiện dự án cạnh tranh nông nghiệp, qua đó thiết lập mối quan hệ đối tác giữa các nhóm nông dân và công ty Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ là những công ty rất năng động, đã phát triển được thương hiệu và hình thành sản phẩm nổi bật của mình.

 

Ngày càng thấy rõ là có một số công ty tư nhân trong nước, có thể không lớn, nhưng được người tiêu dùng công nhận sản phẩm và có hệ thống quản lý cốt lõi để tham gia thị trường nông nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn. Không nên bỏ qua mảng này và đầu tư nước ngoài không nhất thiết phải là giải pháp duy nhất.

 

Việt Nam sẽ có lợi từ FDI cho nông nghiệp, nhưng cũng sẽ thu lợi không kém khi có thể nuôi dưỡng và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Các công ty quốc tế mang lại thương hiệu của họ và qua đó giúp Việt Nam gia nhập thị trường toàn cầu, họ mang đến chuyên môn về quản lý và vốn.

 

Việt Nam đang chủ yếu sản xuất và xuất khẩu theo số lượng. Các bạn chưa thật sự thu hút được các công ty chuyên về nông nghiệp. Ngành công nghiệp hoa, rau ở các nước khác thường có nhiều công ty liên doanh hơn, như công ty từ châu Âu, Israel, Thái Lan... có nhiều liên doanh ở Kenya. Bản thân Kenya là một nước có thu nhập thấp nhưng có nền công nghiệp hoa rất tinh vi. Nhờ các công ty liên doanh, công nghệ được chuyển giao rất nhanh, và do quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ, họ có công nghệ mới nhất. Ở Việt Nam, các bạn chưa có được công nghệ mới nhất.

 

Các chuyên gia cho rằng tiếp cận đất đai khó khăn là lý do chính khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh: H.T.V.

 

 

Đã đến lúc “chất” thay “lượng”

 

* Ông có cho rằng việc giải quyết các vấn đề trên sẽ đồng thời đem lại lợi ích lớn hơn cho nông dân?

 

- Tôi muốn nói đến nhóm nông dân đã có định hướng thương mại như các nông dân trồng lúa ở ĐBSCL hay trồng cà phê ở Tây nguyên. Việt Nam xếp thứ hạng cao về xuất khẩu gạo, cà phê... nhưng chúng ta không thấy người nông dân giàu có. Tại sao họ lại không kiếm được tiền? Một lý do là vì hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh ở phân khúc thấp nhất của thị trường và cạnh tranh chủ yếu dựa vào chi phí thấp và số lượng lớn chứ không phải là chất lượng.

 

Hơn nữa, các chi phí đang gia tăng như chi phí lao động và người nông dân sử dụng khá lãng phí phân bón, thuốc trừ sâu... Các nỗ lực cải thiện thường nhằm vào sản lượng, nhưng đã đến lúc phải hướng tới sản xuất một cách tiết kiệm, sử dụng ít đầu vào hơn và đem lại lợi nhuận hơn cho dù sản lượng có thấp hơn.

 

Ngoài ra, chi phí cũng gia tăng vì chuỗi cung ứng rất dài. Quy mô sản xuất nhỏ mà lại qua rất nhiều nhà buôn sản phẩm mới ra thị trường nên cho dù từng cá nhân có hiệu quả thì đến cuối chuỗi vẫn là sự thiếu hiệu quả.

 

Nếu không làm được như vậy thì những người năng động nhất, có đầu óc kinh doanh nhất sẽ rời nông nghiệp, và như vậy khả năng để nâng cấp ngành nông nghiệp sẽ càng khó hơn. Suy cho cùng, điều quan trọng là tăng lợi nhuận. Muốn như vậy, không cần Chính phủ phải cố tình tăng giá mà phải tập trung vào việc giảm chi phí và bán được giá cao hơn trên thị trường; không cần Chính phủ phải trợ giá mà người tiêu dùng phải sẵn sàng trả tiền cao hơn cho sản phẩm Việt Nam.

 

* Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển một nền nông nghiệp bền vững?

 

- Thông thường nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng bền vững nhờ vào sức ép của người mua, người tiêu dùng về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phúc lợi cho người lao động... Ở Việt Nam khuynh hướng này đã nhen nhóm hình thành qua câu chuyện cá da trơn. Người tiêu dùng sẽ không chấp nhận các sản phẩm “bẩn”. Sẽ đến lúc điều này không đơn thuần là khẩu hiệu mà trở thành thực tiễn vì thị trường đòi hỏi như vậy.

 

Mặt khác, tôi cho rằng việc phát triển nông nghiệp bền vững cũng đem lại lợi ích thương mại. Ví dụ Việt Nam có thể chuyển đổi từ xuất khẩu gạo giá rẻ, chất lượng thấp sang gạo có chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn.

 

HƯƠNG GIANG thực hiện

__________

(*) Steven Jaffee là một nhà kinh tế học nông nghiệp đã làm việc cho Ngân hàng Thế giới 20 năm nay và công tác ở Việt Nam hơn hai năm

__________

“Cần một tư duy mới”

 

“Chúng ta cần một tư duy mới, nhiều hình thức đầu tư mới... và bây giờ phải rất chủ động tìm các nhà đầu tư mời chào, giới thiệu cụ thể cho họ” - nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Trần Xuân Giá nhấn mạnh khi trao đổi với TTCT về câu chuyện thu hút FDI cho nông nghiệp.

 

Ông Trần Xuân Giá - Ảnh: Hoàng Sa

 

 

Ông Trần Xuân Giá nói: “Thu hút đầu tư FDI vào nước ta hiện nay so với những năm 1990 đã khác trên nhiều bình diện, khác về quy mô vốn đầu tư toàn cầu, nhất là khi kinh tế thế giới khó khăn, tổng vốn đầu tư trực tiếp giảm ghê gớm như hiện nay.

 

Thị trường VN đối với đầu tư nước ngoài đã có quá nhiều thay đổi, thời kỳ “đa đa ích thiện” (càng nhiều càng tốt), cái gì cũng thu hút đã qua rồi. Những chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn có tác dụng một thời, nay hết dần động lực; tài nguyên thiên nhiên và lao động không còn rẻ nữa, giá thuê đất thấp không đủ hấp dẫn như ngày xưa. Sự cạnh tranh của thị trường mới nổi gay gắt hơn.

 

Vấn đề là chúng ta muốn thu hút những dự án FDI nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, nhưng đó là chuyện ta dự tính, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có lựa chọn của họ, nếu không phù hợp, không hài hòa lợi ích họ sẽ không vào.

 

Thời tôi làm bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư và cả trước đó nữa đã đặt ra vấn đề thu hút FDI cho nông nghiệp nhưng thành công không nhiều vì nhiều lý do. Thời bấy giờ hạ tầng giao thông ở những vùng mình cần thu hút họ đến quá khó khăn, lao động tại chỗ chưa được đào tạo nghề… trong khi các nhà đầu tư lại muốn làm sao có chi phí đầu tư thấp nhất để thu lợi nhuận cao nhất”.

 

 

Tôi nhấn mạnh lại là chúng ta phải chủ động tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn để giới thiệu cho họ những dự án, những lĩnh vực rất cụ thể tại VN, những chính sách ưu đãi mà họ được hưởng.

 

Hiện nay Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ yếu làm về chính sách đầu tư là chính, các địa phương thì thiếu tầm, thiếu tiền để thực hiện việc tiếp thị, giới thiệu những dự án, ngành nghề ở khu vực nông nghiệp cần đầu tư FDI. Việc này tuy cũng đang làm, nhưng cần phải có tổ chức mạnh để làm và làm một cách kiên trì, cần mẫn hơn. Nhà nước phải mạnh dạn bỏ tiền, bỏ công sức để làm mới mong có thành quả.

* Phải chăng muốn thu hút được FDI để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại quy mô thì chúng ta cần một tư duy mới? 

 

 

- Chúng ta phải thay đổi tư duy về thu hút FDI nói chung, cho khu vực nông nghiệp nói riêng. Phải có nhiều hình thức đầu tư mới, chẳng hạn kết hợp đầu tư công với đầu tư trực tiếp của tư nhân nước ngoài (PPP) và nhiều hình thức khác. Bây giờ mình phải rất chủ động tìm hiểu kỹ về các nhà đầu tư nước ngoài, rồi giới thiệu cụ thể, cặn kẽ những dự án, ngành nghề, địa bàn… mà mình mong muốn đầu tư, mạnh mẽ tiếp thị, vận động.

 

Từ trước đến nay mình vẫn quen ngồi chờ để người ta tìm hiểu mình, đến với mình.

 

* Theo ông, mức độ “ngồi chờ FDI” bây giờ so với thập kỷ 1990 thế nào?

 

- Mức độ “ngồi chờ” đã giảm đi nhiều, song tính quan liêu gây chậm trễ vẫn còn nặng nề, sự chủ động chưa cao. Phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài là có sự cần thiết nhất định, nhưng phải xem lại mức độ phân cấp, phân cấp “toàn diện và tuyệt đối” chưa hẳn đã hay. Phải nhanh chóng khắc phục tình trạng các đơn vị, địa phương trong nước cạnh tranh nhau để thu hút FDI, “quân ta đánh quân mình”. Vì vậy việc quảng bá tiếp thị để thu hút FDI nói chung và cho nông nghiệp cũng cần thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh chồng chéo.

 

* Theo ông, thu hút FDI vào nông nghiệp, nông thôn nên ưu tiên lĩnh vực cụ thể nào?

 

- Theo tôi, trước hết nên có chính sách đủ mạnh để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động ở VN, đầu tư vào lĩnh vực chế biến nguyên liệu, các sản phẩm của nông nghiệp có thị trường tiêu thụ. Tiếp theo, cần khuyến khích thật mạnh họ đầu tư tạo nguyên liệu để phục vụ cho các xí nghiệp của họ đang hoạt động ở VN và xuất khẩu một phần nguyên liệu cho hệ thống toàn cầu của họ.

 

Tôi hết sức thích thú khi quan sát Unilever VN đầu tư phát triển chè ở VN làm nguyên liệu phục vụ các cơ sở chế biến chè ở nước ta và xuất khẩu nguyên liệu chè cho hệ thống Unilever toàn cầu theo tiêu chuẩn của họ. Unilever đầu tư theo hướng hiện đại, quy mô để trồng chè ở những vùng bán sơn địa như Thái Nguyên, chính là cái mà chúng ta đang cần.

 

Đầu tư của họ bài bản, rõ ràng mang lại lợi ích lớn cho cả đôi bên. Đây cũng là dự án áp dụng hình thức đầu tư PPP, là xu hướng và mô hình quan trọng nhất trong FDI cho nông nghiệp mà chúng ta cần phải khuyến khích thật tốt.

 

Có lẽ, chính sách hiện hành vẫn tách rời giữa khuyến khích chế biến và khuyến khích tạo nguyên liệu, trong khi mô hình như của Unilever là gắn kết giữa nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ. Chúng ta cần có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với các nhà đầu tư “3 trong 1” như Unilever đang làm, cần và có thể nhân rộng mô hình này với các sản phẩm bông, cà phê, thủy sản…

 

* Xin cảm ơn ông.

Suốt 10 năm qua (2000-2010), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước. Năm 2011, con số này chỉ còn 1% và xu hướng giảm vẫn đang tiếp diễn. Thay đổi tư duy về tìm vốn cho nông nghiệp, theo nhiều chuyên gia, cần được tiến hành sớm bên cạnh việc nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và thu hút các công ty nông nghiệp công nghệ cao.

TRẦN MẠNH - CHÍ QUỐC - HOÀNG SA - HƯƠNG GIANG (TTCT) thực hiện