Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Vua" bướm khô

(19:48:20 PM 10/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Năm 2005, cái tên Nguyễn Viết Vui (tên thường gọi Mười Vui) được được nhiều người dân và du khách hiếu kỳ tìm đến, sau khi ông được vinh danh ghi trong Guinness Việt Nam với kỷ lục “Người có nhiều bướm nhất Việt Nam”. Để có được bộ sưu tập đó, ông đã đi khắp nơi để tìm kiếm và cháy hết mình với niềm đam mê.

 Những ngày đầu học nghề

 

Ông Vui bên tác phẩm của mình

 

Đến Phan Thiết, tôi đã được nhiều người bạn dẫn đến thăm căn nhà nhỏ, cổ kính lặng lẽ bên dòng sông Cà Ty tại số 40, đường Trưng Trắc, thành phố Phan Thiết của nhà sưu tập bướm Nguyễn Viết Vui. Với không gian chật hẹp, ông đã tận dụng không gian chính của phòng khách làm phòng trưng bày và bán bướm. Bước ra sau nhà ông, tôi như lạc vào một “thế giới đầy màu sắc” của ngàn cánh bướm. Trên tủ, kệ, giá đỡ, gian bếp và trên gác xép là hàng trăm hộp giấy đựng bướm. Mỗi hộp dài khoảng nửa thước, xếp chồng lên nhau. Một số hộp bướm đã được ông làm “khai sinh”, liệt kê tên, họ theo tiêu chí phân loại của quốc tế. Tổng cộng, ông có đến 3 triệu con bướm khô với khoảng 300 loài khác nhau…

 

Quay ngược thời gian trở về quá khứ, ngày ông còn là cậu học sinh 16 tuổi. Lần đầu được chiêm ngưỡng bộ sưu tập bướm khô của ông Henri De Mones Troi (người Pháp), cậu đã mê mẩn. Từ đó, cậu Vui bỗng nhiên đam mê bướm và hằng ngày sau khi đi học về đều lấy cớ ghé nhà người anh thứ ba chơi (anh thứ ba ở sát bên nhà ông Henri) để mong học được bí quyết làm bướm khô của ông thầy người Pháp. Cậu đã nhờ người chị dâu, vốn là bạn thân của phu nhân ông thầy người Pháp xin được theo nghề. Theo phong tục, muốn bái sư phải có quà ra mắt, Vui đã đi bắt một con chim và rút hết thịt, xương, một phần nội tạng... chỉ chừa lại da và bộ xương cánh, chân để lồng dây thép và nhồi bông vào. Món quà ra mắt ấn tượng đã giúp Vui được người thầy “khét tiếng” khó tính gật đầu chấp nhận. Thấy Vui quá đam mê cái nghề “cực nhưng vui” này, ông Henri đã đem hết bí quyết làm bướm khô truyền lại cho cậu.

 

“Tôi thật sự rất vui vì đã tìm được cho mình một công việc, một sở thích đúng. Những ngày đầu được thầy chỉ cho cách làm bướm, tôi như ngây dại bởi cách làm độc đáo, vẻ đẹp của từng con bướm khi đã được làm khô”, ông Vui tâm sự. Để cảm tạ thầy, sau khi thầy mất, ông Vui đã thờ thầy trên bàn thờ gia tộc, và hàng ngày thắp nhang tưởng nhớ.

 

 Niềm đam mê luôn bùng cháy

 

“Nghề chơi” nào cũng lắm công phu, tốn kém, để phục vụ tốt cho “nghề chơi” của mình, ông đã dành dụm trong nhiều năm để sắm cho bằng được 2 cây vợt bắt bướm “Pro” của Nhật Bản với giá 10 triệu đồng, mua hơn 40 cuốn sách về côn trùng, nhất là về loài bướm, để tham khảo. Ông nói: “Chơi cái gì cũng phải bài bản. Hiểu nó sâu sắc, đến nơi đến chốn thì mới cảm nhận hết cái thú vị mà nó đem lại”.  Để có được con bướm đẹp, độc, lạ, bắt đầu từ đầu tháng tư ông đã rong ruổi khắp nơi, từ tỉnh Bình Thuận cho đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung như Bảo Lộc, Đà Lạt, Đà Nẵng và... các tỉnh miền Đông Nam bộ như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và đồng bằng sông Cửu Long. Theo thời gian, tuổi tác có già đi, sức yếu nhiều nhưng tình yêu bướm trong ông chưa bao giờ vơi. Theo ông, mỗi vùng, miền bướm có đặc trưng riêng. Ví như, ở Đà Lạt cánh bướm có màu nhạt và mềm, ở Bình Dương cánh bướm cứng và màu sắc sậm hơn… điều kiện môi trường ảnh hưởng nhiều đến màu sắc, kích thước các loại bướm.

 

Ông Vui hướng dẫn cách làm bướm khô

 

Sau mỗi lần đi bắt bướm về, một số bướm ông xử lý ngay, số còn lại được ông bảo quản trong tủ lạnh và cứ túc tắc đều đặn hàng ngày. Bướm bắt về được thanh trùng rất kỹ, nhưng tránh làm bay lớp phấn trên cánh. Làm tốt điều này, thời gian bảo quản bướm khô có khi lên đến hàng trăm năm. Để làm được một tiêu bản bướm khô, cần phải trải qua các gia đoạn, chích thuốc formandehit (formon) cho bướm không bị ươn, sau đó đặt bướm xuống bàn căng để căng hai cách bướm cho đều. Bướm đã được căng phải để trong phòng thoáng, khi bướm khô cho vào hộp bảo quản. Đặc biệt, khi đã căng cánh bướm, không nên mang phơi chúng dưới ánh mắt mặt trời, làm vậy bướm sẽ mất màu, không đẹp. Một tiêu bản bướm nhỏ cũng mất 10 – 15 ngày. Các tiêu bản bướm lớn càng mất nhiều thời gian hơn, thậm chí có tiêu bản ông mất gần cả năm để “dựng” xong.

 

Trong căn nhà nhỏ của ông, ngoài những con bướm đủ màu sắc, chúng tôi còn thấy rất nhiều động vật khác như thỏ, gấu, nai, tôm… theo ông Mười Vui, làm bướm khô cũng như các con vật khác không khó. Các con vật đều được làm khô như nhau, chúng chỉ khác nhau thời gian để khô và lượng formandehit tiêm cho từng con. Khách hàng đến với căn nhà trưng bày của ông chủ yếu là khác nước ngoài, Việt kiều. Mỗi con bướm được ông bán với giá từ vài chục đến vài trăm, có nhiều con bướm quý được các chuyên gia sưu tầm bướm các nước Châu Âu, Á hỏi mua với giá rất cao, nhưng ông không bán. Đối với ông, ông theo nghề không chỉ vì kinh tế mà vì niềm đam mê. Do đó, căn nhà bé nhỏ này có thể được coi là “kho báu” tinh thần của ông.

  

 Trăn trở một nỗi lòng

 

 Lấy xuống bức chân dung tự họa ghép bằng cánh bướm của mình, nhà sưu tập bướm 82 tuổi này vẫn canh cánh niềm mong muốn cuối đời là tìm được những người trẻ có cùng niềm đam mê để ông chia sẻ lại kinh nghiệm, tư liệu ông thu thập cả đời cho thú chơi đầy tính khoa học này. Bởi vậy, những ai đến xem, mua bướm khô có nhu cầu học cách làm, có chút năng khiếu, đam mê ông đều tận tình chỉ dạy. Không những thế, ông còn “gửi” hay “cho mượn” bộ sưu tập của mình tham gia các cuộc triển lãm quốc tế.

 

Ông Mười trăn trở: “Tôi luôn mong muốn có thể đóng góp những thành quả của mình vào việc thành lập một bảo tàng Việt Nam. Một bảo tàng trưng bày giới thiệu về loài bướm, côn trùng quý hiếm của Việt Nam. Bởi hiện nay, đất nước mình đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, những vùng đất các loại bướm, côn trùng có thể sống được đã trở thành các khu công nghiệp, trung tâm thương mại. Từ đó, các loài bướm quý hiếm, côn trùng quý đang dần biến mất, chẳng biết mai sau thế nào đây?”.

Xuân Thu