Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những ống thải từ triển lãm xả thẳng ra đường và vỉa hè phố Tràng Tiền - Ảnh: Hà Hương |
Trước đó, từ ngày 6/4, Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đã ra quyết định yêu cầu dừng triển lãm vì tác giả Trần Trọng Linh không thực hiện đúng những nội dung đã đăng ký trong hồ sơ xin cấp phép.
Chiều 9/4, phòng truyền thông của Trung tâm Văn hóa Pháp chính thức xác nhận thông tin dừng triển lãm và không tiếp tục trình chiếu video như dự kiến ban đầu. Bà Dương Thị Thủy (phòng hợp tác và chương trình văn hóa của Trung tâm Văn hóa Pháp) khẳng định: "Trong thỏa thuận L’Espace đã nghiêm cấm anh Trần Trọng Linh tạo ra các mùi hôi thối, chỉ giữ yếu tố thị giác của tác phẩm vì đây là nơi có nhiều người ra vào, có quán cà phê và nhiều người đến đọc sách. Nhưng anh Linh không tôn trọng thỏa thuận này".
Thương thuyết của Trần Trọng Linh là câu chuyện về sự biến đổi của dòng Tô Lịch từ một biểu tượng đẹp trở thành biểu tượng ô nhiễm của Hà Nội. Hơn 20m3 rác thải được trục vớt từ lòng sông, từ xương động vật, kim tiêm, máy tính, tủ lạnh... xếp thành bảy khối và đặt trong phòng lạnh để đạt nhiệt độ -27OC trước khi đưa ra triển lãm. Theo Trần Trọng Linh, quá trình tan rữa của khối băng cũng cho thấy sự biến đổi của cuộc sống, con người. "Tôi không đồng ý lắm với khái niệm nghệ thuật thị giác, nếu chỉ là nhìn thì không đáp ứng được nhu cầu của nghệ sĩ lẫn người thưởng thức. Tác phẩm của tôi phải áp đảo người xem vì cái lạnh của khối băng, mùi hôi thối của rác thải, tiếng rơi, vỡ của những sự vật" - Trần Trọng Linh chia sẻ.
Nhưng hành trình của Thương thuyết khiến không ít người phải suy nghĩ về trách nhiệm nghệ sĩ - công dân. Những ống nước thải từ khối đá đóng băng rác sông Tô Lịch (có kèm hóa chất xử lý của nghệ sĩ) đã theo đường ống xả thẳng vào cống trước cổng Trung tâm Văn hóa Pháp trên phố Tràng Tiền. Triển lãm vì môi trường nhưng những dòng nước xanh đỏ, hôi thối từ triển lãm đã không chảy kịp vào cống mà đọng lại trên mặt đường, vỉa hè. Ðến ngày tan rữa cuối cùng, những người đi ngang qua Trung tâm Văn hóa Pháp phải bịt mũi bởi mùi hôi thối bốc lên.
Anh Phạm Long (Hà Nội) - một khán giả - cho rằng: "Nghệ sĩ có vẻ thiếu trách nhiệm với người xem. Ý tưởng rất hay nhưng cách thực hiện dở quá. Trong hôm khai mạc, nhiều người vẫn có thể uống bia bên cạnh những khối rác khổng lồ, đó là chưa kể còn cho phép trẻ em vào những nơi có khả năng nhiễm khuẩn rất cao".
Trong khi đó, ông Phạm Trung - nhà nghiên cứu mỹ thuật đương đại thuộc Viện Mỹ thuật - cho rằng để tạo ra một thông điệp, đôi khi người ta phải chịu đựng những tác động như thế. Còn Trần Lương (giám tuyển của Sàn Art) nhìn nhận: "Khối lượng chất hóa học và chất thải này khá nhỏ so với tình trạng ô nhiễm hiện nay. Nếu tạo ra được một thông điệp nhân văn thì đôi khi phải có những tổn thất nho nhỏ. Ðó là chưa kể đến việc nghệ sĩ chịu gặp vướng mắc từ kinh phí và hệ thống tài trợ".
Mang sự ô nhiễm ở nơi này đến làm ô nhiễm một nơi khác để cảnh báo về sự ô nhiễm, nên hay không? - vấn đề này vẫn luôn gây ra tranh luận trong giới nghệ sĩ và phê bình. Tranh luận bất tận. Nhưng để truyền đi một thông điệp "sạch" có nhất thiết phải "góp thêm" một dòng nước bẩn?
Nghệ thuật và môi trường đúng là nên "thương thuyết" với nhau.