Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bưởi Tân Triều, một đặc sản của Vĩnh Cửu (Đồng Nai)
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Nai, năm 2009 đã triển khai Đề án “Xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều huyện Vĩnh Cửu”. Theo đó, khi đề án hoàn thành, nhãn hiệu bưởi Tân Triều sẽ được xem là thành quả chung của hàng trăm nông dân trồng bưởi vùng Tân Triều - Vĩnh Cửu. Đây được xem là cơ hội mở ra rất lớn cho người trồng bưởi, bởi không chỉ góp phần giữ vững thương hiệu bưởi Tân Triều nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai mà còn đưa các sản phẩm bưởi Tân Triều đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi những thủ tục cuối cùng của Đề án được hoàn tất thì mọi chuyện trở nên rắc rối, bởi trước đó nhãn hiệu “Tân Triều” đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ độc quyền số 97289, ngày 11/12/2006 cho Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều (TP.Biên Hòa - Đồng Nai), nên không thể xác lập quyền chỉ dẫn địa lý. Trước vấn đề này, Sở KH&CN Đồng Nai đã có đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ huỷ bỏ hiệu lực giấy chứng nhận.
Sau khi có văn bản đề nghị của Sở KH&CN Đồng Nai, Cục Sở hữu trí tuệ đã có ý kiến như sau: Theo quy định tại Điều 96, Luật Sở hữu trí tuệ: Văn bằng bảo hộ bị huỷ bỏ toàn bộ hiệu lực trong trường hợp người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký nhãn hiệu; Đối tượng sở hữu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ; Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn. Áp dụng các quy định nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng: Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều đã không trung thực khi đăng ký nhãn hiệu. Trước khi đăng ký nhãn hiệu “Tân Triều”, Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều đã tìm hiểu các quy định liên quan đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là địa danh “Tân Triều” nên đã xin phép UBND tỉnh Đồng Nai và đã được UBND tỉnh Đồng Nai thông báo bằng văn bản số 8331 ngày 23/12/2005 không cho phép Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều sử dụng địa danh này làm nhãn hiệu độc quyền cho riêng mình. Tuy nhiên, Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều đã thông qua đại diện của mình vẫn làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu “Tân Triều” và trên các đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ trí tuệ cho nhãn hiệu “Tân Triều”.
Như vậy, để nhãn hiệu được bảo hộ, khi đăng ký bảo hộ, Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều đã không cung cấp 2 thông tin quan trọng: Một là, “Tân Triều” là một địa danh và địa danh này liên quan đến một vùng sản xuất bưởi có tiếng tại Đồng Nai; Hai là: Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều không được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép đăng ký và sử dụng nhãn hiệu này. Việc dấu 2 thông tin này và chỉ mô tả nhãn hiệu “Tân Triều” là “tên của người nộp đơn” tại các đơn đăng ký nhãn hiệu dẫn tới việc các văn bằng bảo hộ được cấp cho Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều trên cơ sở thiếu thông tin bởi sự không trung thực của người nộp đơn. Hơn nữa, địa danh “Tân Triều” đã gắn liền với sự nổi tiếng của bưởi Tân Triều và có quá trình hình thành từ rất lâu (trước khi Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều đăng ký nhãn hiệu này).
Với các quy định đó trong Luật Sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đề nghị của Sở KH&CN Đồng Nai huỷ bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cấp cho Doanh nghiệp Quê Hương Tân Triều.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là trong suốt 6 năm qua, Doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều đã có công lớn trong việc đưa nhãn hiệu bưởi Tân Triều nổi danh như hiện nay. Vì vậy, theo Sở KH&CN Đồng Nai, khi Đề án “Xác lập quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều huyện Vĩnh Cửu” được chứng nhận, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng chung tên “Tân Triều” với nông dân.