(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Nam Phi vừa ban lệnh cấm người có quốc tịch Việt Nam săn bắn tê giác ở nước này, hãng tin Bloomberg cho biết.
Lý do phía sau lệnh cấm này là các nhà chức trách Nam Phi cho biết không thể đảm bảo các tay săn tê giác đến từ Việt Nam sẽ không có hành động bất hợp pháp là bán lại sừng loài vật với mức giá đắt hơn vàng.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 4-4, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề
môi trường và nguồn nước của Nam Phi, bà Edna Molewa, cho biết, cơ quan này đã bác 23 đơn xin săn tê giác của các công dân Việt Nam trong năm nay. Theo bà Molewa, những người săn tê giác đến từ Việt Nam không thể thuyết phục được Chính phủ Nam Phi rằng họ sẽ tuân thủ luật pháp về săn bắn của nước này quy định không được bán lại con vật và các bộ phận sau bị hạ sát.
Theo các hãng thông tấn quốc tế, nhu cầu sừng tê giác đang tăng mạnh ở Việt Nam được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng tê giác bị hạ sát bất hợp pháp ở Nam Phi gia tăng đột biến. Hãng tin AP cách đây ít ngày đã có bài viết về "cơn khát" sừng tê giác của một số người Việt Nam tin rằng mặt hàng này có thể chữa được bách bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.
"Phần lớn những người đi săn trái phép bị chúng tôi bắt giữ, chưa kể nhiều trong số những đơn xin săn tê giác mà chúng tôi nhận được, là đến từ Việt Nam", bà Molewa cho biết.
Theo số liệu của Chính phủ Nam phi, gần 60% số đơn xin săn tê giác ở nước này từ năm 2010 đến nay là của người Việt. Giá mỗi kg sừng tê giác có thể lên tới 60.000 USD, tương đương khoảng 1,25 tỷ VND. Trong khi đó, 1 kg vàng, tương đương 26 lượng, có giá vào khoảng 1,13 tỷ đồng tính theo giá vàng vào sáng ngày 6/4.
Trên thế giới, hiện chỉ có khoảng 20.000 con tê giác, trong đó 90% sống ở Nam Phi. Đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của loài tê giác, Chính phủ Nam Phi hiện đang thắt chặt các quy định đối với hoạt động săn bắn loài vật này. Phía Nam Phi hiện đã đề nghị Việt Nam và Trung Quốc hỗ trợ ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác và thành lập một cơ sở dữ liệu về ADN của các con tê giác để kết nối giữa những chiếc sừng bị bán với con vật bị giết.
Từ đầu năm đến nay, đã có 159 con tê giác bị săn bắn trộm ở Nam Phi. Theo dự báo của Chính phủ nước này, số lượng tê giác bị săn trộm tại đây có thể lên tới 619 con trong năm nay, từ mức kỷ lục 448 con trong năm 2011.
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, với tốc độ săn bắn như hiện nay, thì tê giác hoang dã sẽ đối mặt nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2025.
Bloomberg cho biết, hiện các nhà chức trách Việt Nam đã tuyên bố nhất trí sẽ thống kê số lượng tê giác được công dân Việt Nam đưa về nước để kiểm tra xem những con tê giác này có còn sừng hay không.
Săn tê giác ở châu Phi cũng là một thú vui mới của nhiều đại gia Trung Quốc. Số tiền phải trả để săn một con tê giác ở châu Phi là 100.000 USD, tương đương khoảng 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo này cho biết, giới nhà giàu Trung Quốc săn tê giác chủ yếu để đem về nhồi bông, trưng trong nhà để "khoe" thành tích, chứ không chú trọng việc lấy sừng.