Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
“Nước sông Tô Lịch bẩn và có mùi thế nào thì nhiều người đã biết rồi. Vì thế, tôi đã mua sẵn vài trăm chiếc khẩu trang cho khách xem”, nghệ sĩ Trần Trọng Linh nói về triển lãm của mình.
Trở về Việt Nam mỗi năm một đến hai tháng, Trần Trọng Linh không quên sáng tác trên những chất liệu sống của quê hương. Lần này, nghệ sĩ hiện đang sống tại Genève (Thụy Sĩ) sử dụng nước sông Tô Lịch đen “đặc thù”, che giấu những rác rưởi đủ loại trong lòng nó để gợi ra vấn đề môi trường dưới tác động của nhiều thói quen xấu.
Qua triển lãm Thương thuyết của Linh thì rác rưởi đủ chất liệu, kiểu dáng được phô bày. Nước thải của chính dòng sông này với những vật dụng phổ thông như bàn ghế, đồ chơi trẻ em đủ loại… đóng băng thành các khối nước đá đen đầy tạp chất. Triển lãm trưng bày 7 khối đá như thế, mỗi khối có thể tích ba mét khối với kích thước 1×1×3 m. Quá trình tan chảy của các khối băng trên dự kiến trong khoảng 3 ngày, được quay phim, ghi hình để thành một tác phẩm video art.
|
“Các khối đá làm công việc của nhà điêu khắc”, nghệ sĩ Trần Trọng Linh cho biết, “Còn người xem tự cảm nhận để hiểu hơn về những thói quen xấu trong sinh hoạt của mình”.
Bên cạnh thói quen xả rác thải bừa bãi mọi lúc mọi nơi, có một “tật xấu” mà Linh rất muốn qua triển lãm này, thuyết phục mọi người từ bỏ. Đó là việc công chúng thường rất “lười” xem đi xem lại một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng với quá trình băng đá tự làm điêu khắc cho chính nó này, khán giả muốn thưởng thức nghệ thuật phải qua lại nhiều lần dùng khẩu trang. Bản thân Linh, khi làm triển lãm cũng làm “tan chảy” một số quan điểm về cách làm nghệ thuật thông thường.
“Mọi người vẫn cho rằng nghệ sĩ phải tự tay làm nhiều việc. Nhưng tôi không nghĩ thế. Đã từ nhiều năm nay, trong quá trình sáng tác ở nước ngoài, tôi chỉ là người viết dự án. Phần chế tác hoàn toàn có thể thuê những người giỏi làm. Chẳng hạn, với một dự án nghệ thuật để mọi người cảm nhận sự đổ vỡ của chiến tranh, tôi lên chương trình để các ê kíp kỹ thuật về chất nổ làm việc.
Hai mươi bốn con mannequin được gắn kíp nổ ở các vị trí khác nhau trên thân, hẹn nổ ở những điểm thời gian khác nhau trong ngày. Khi nổ, những mảnh vỡ thân chúng văng ra. Việc thực hiện tác phẩm hoàn toàn do nhóm kỹ thuật, nghệ sĩ chỉ là người lên ý tưởng, lên chương trình”, Linh cho biết.
Cũng với cách làm này, nhiều nhóm đã chung tay với Linh trong quá trình thực hiện tác phẩm Thương thuyết gồm: nhóm lắp ráp, nhóm hút nước sông Tô Lịch, nhóm quay phim, nhóm chụp ảnh, nhóm đóng băng nước, nhóm xử lý đồ vật đóng băng…
Chỉ có điều, nếu như kỹ thuật do những nhóm chế tác cụ thể đảm nhiệm, hiệu quả điêu khắc do băng tan chảy tạo ra thì ý tưởng cảnh báo về những thói quen xấu vẫn là của Linh. Cảm nhận tác phẩm như thế nào là quyền của từng người xem, nhưng theo Linh quan niệm thì qua sự tan chảy của dòng nước ô nhiễm, người xem phải chợt giật mình.
Các khối đá làm công việc của nhà điêu khắc. Còn người xem tự cảm nhận để hiểu hơn về những thói quen xấu trong sinh hoạt của mình
Nghệ sĩ Trần Trọng Linh