Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dù chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng Công ty CP Hàng hải Hiệp Phước đã nạo vét cát ở địa bàn Đồng Nai. Sau khi bị dừng hoạt động, đơn vị này chuyển sang TP.HCM.
Nạo vét hay khai thác?
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, cho biết: Trước khi khai thác cát ở địa bàn quận 9 (TP.HCM), Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư Phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) đã thực hiện nạo vét, tận thu cát ở địa bàn tỉnh Đồng Nai khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong quá trình nạo vét cũng không thả phao để chống sạt lở bờ sông. Vì vậy các cơ quan chức năng đã lập biên bản, yêu cầu dừng ngay việc nạo vét và đề nghị công ty bổ sung hồ sơ, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.
Theo ghi nhận, cát tận thu ở ngã ba sông Tắc rất sạch, đẹp. (Ảnh chụp ngày 4-4). Ảnh: TRUNG THANH
Từ năm 2004, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định tạm ngưng khai thác cát trên sông Đồng Nai nhằm tích trữ nguồn tài nguyên khoáng sản, vậy việc Bộ GTVT cho phép nạo vét, tận thu cát có mâu thuẫn với chủ trương của tỉnh? Ông Hưng nói: “Vấn đề này tôi đã nêu ra tại cuộc họp với Bộ GTVT sau khi dự án nạo vét được cấp phép. Tôi nói thẳng, nhiều đơn vị thực hiện nạo vét nhưng thực chất là khai thác khoáng sản. Khi múc lên trúng bùn đất thì họ thả xuống, còn trúng cát thì họ tận thu. Việc này rất khó giám sát”.
Ông Hưng tiếc rẻ: “Do tỉnh cấm khai thác từ năm 2004 đến nay nên trữ lượng cát trên sông Đồng Nai, nhất là đoạn hạ lưu chắc đã tích tụ rất nhiều. Chúng tôi đang định khảo sát, đánh giá trữ lượng để tổ chức đấu thầu công khai, cho khai thác lại để lấy nguồn thu ngân sách thì Bộ GTVT lại cho phép nạo vét, tận thu…”.
Một cán bộ Sở TN&MT TP.HCM xác nhận ngã ba sông Tắc là nơi có trữ lượng cát lớn và cát rất đẹp nên dù bị kiểm tra, xử phạt ráo riết nhưng các đối tượng khai thác cát vẫn lén lút hoat động. “Để bảo vệ nguồn tài nguyên này, từ năm 2003, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định tạm ngưng cấp phép khai thác cát trên sông Tắc” - vị này nói.
Sẽ giám sát lượng cát tận thu
Theo tìm hiểu của PV, tổng khối lượng sản phẩm nạo vét do Công ty Hiệp Phước đăng ký thực hiện trên đoạn sông từ quận 9 đến cầu Đồng Nai lên đến gần 10 triệu m3. Trong đó, hơn 1 triệu m3 cát sẽ được tận thu làm vật liệu xây dựng, hơn 7,1 triệu m3 bùn cát được tận thu làm vật liệu san lấp. Sản phẩm còn lại là bùn sét sẽ được phun hút lên khu đất của chủ đầu tư dự án.
“Số lượng cát, bùn cát tận thu của dự án quá lớn. Nếu một đoạn sông nào đó có chiều dài tương tự được phép cho khai thác thì sản lượng cát cũng chưa chắc nhiều bằng” - một cán bộ phụ trách lĩnh vực khoáng sản tài nguyên nước, Bộ TN&MT, nhận định.
Chiều 4-4, tại cuộc họp ở UBND quận 9, Sở TN&MT TP cho biết sẽ đảm nhiệm việc kiểm tra dự án nạo vét, tận thu cát ở ngã ba sông Tắc. Đơn vị này sẽ kiểm tra độ sâu của lòng sông, xác định khối lượng bùn cát đã được nạo vét, đồng thời cũng xác định sự cần thiết của dự án. Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết sẽ đo xác định độ sâu ở những đoạn sông đã nạo vét và lập phương án giám sát chặt chẽ khối lượng cát tận thu từ dự án này.