(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Đời sống hàng ngàn hộ tái định cư nhường đất cho những công trình thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 ở Quảng Nam rất bấp bênh, chủ yếu do các chủ đầu tư thất hứa, thiếu trách nhiệm
Hơn 6 năm trước, hàng trăm hộ dân ở các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã nhường đất, đến sinh sống tại các khu tái định cư (TĐC) để các công trình thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 được đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Những khu TĐC này do chủ đầu tư các công trình thủy điện xây dựng. Nơi ở mới của người dân khang trang hơn trước nhưng từ đó, khó khăn bủa vây: thiếu đất sản xuất; điện, nước, đường sá, trường, trạm... ì ạch và bệ rạc.
Thiếu thốn, thắc thỏm
Khu TĐC 2 thôn A Lua và K’la (xã Dang, huyện Tây Giang) do Ban Quản lý dự án thủy điện A Vương đầu tư xây dựng vào năm 2005 để bố trí cho 115 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, thuộc diện di dời khỏi lòng hồ thủy điện A Vương. Mỗi căn nhà nhỏ như… “chuồng cu”, cột bê tông, tường xây, lợp tôn, cầu thang bằng gỗ tạp, được bố trí sát nhau rất ngột ngạt.
Sau hơn 7 năm, nay nhà đã xuống cấp. Các công trình phụ cũng hư hỏng, không dùng được. Thôn A Lua hiện vẫn chưa có hệ thống nước sạch nên người dân phải bắc ống dẫn nước từ ngoài suối về sử dụng. Hệ thống trường học, trạm y tế cũng không bảo đảm cho việc học tập và khám - chữa bệnh. Tuyến giao thông dẫn vào khu TĐC bị sạt lở, luôn gây ách tắc.
Nhà cửa, công trình của người dân tái định cư A Lua, xã Dang, huyện Tây Giang - Quảng Nam
do Ban Quản lý dự án thủy điện A Vương xây dựng có thể đổ xuống lòng hồ thủy điện bất kỳ lúc nào
Điều đáng sợ hơn là cả 2 khu TĐC đều nằm chênh vênh bên sườn núi, trước mặt là dòng sông A Vương sâu thẳm, dòng chảy khoét ngày càng sâu vào móng nhà của nhiều hộ dân. Trụ sở UBND xã Dang và Trường THCS xã Dang cũng chỉ cách bờ vực lòng hồ thủy điện chưa đến 2 m.
Ông Vũ Như Trạng, Bí thư Đảng ủy xã Dang, cho biết vào mùa mưa năm 2011, mưa lớn và mực nước sông A Vương dâng cao đã gây sạt lở đất, cuốn hoàn toàn ngôi nhà công vụ của UBND xã Dang xuống lòng hồ thủy điện.
Lúc đó, hơn 10 học sinh Trường THCS xã Dang đang tạm lánh trong khu nội trú thì khu nhà bị sạt lở, rơi xuống hồ. May mà các em kịp chạy thoát thân. Sau đó, khu nội trú được xây lại nhưng vì không có đất nên lại tọa lạc cạnh hồ… Vì thế, nỗi lo cứ ngay ngáy!
Đem con bỏ chợ
Ông Đinh Dẻ, một hộ dân ở khu TĐC A Lua, ngao ngán: “Lúc nhận nhà mới, đồng bào phấn khởi lắm nhưng vào rồi mới thấy khổ. Vì không có đất sản xuất nên quanh năm hộ nào cũng thiếu ăn”. Chính vì vậy mà tỉ lệ hộ nghèo tại 2 khu TĐC A Lua, K’la đến hơn 80%.
Hơn 250 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu tại 2 khu TĐC PachePalanh và Kurt-Chrun, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang (cũng do Ban Quản lý dự án thủy điện A Vương đầu tư xây dựng) cũng sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề vì không có đất sản xuất. Hơn nữa, kiểu nhà TĐC quá khác biệt với tập quán của người dân tộc Cơtu nên mọi sinh hoạt, lao động của họ gặp nhiều khó khăn.
Do đó, hàng loạt gia đình như A Lăng Hon, A Lăng Hinh, A Rác Tơ Rú… ở xã Mà Cooih đã bỏ nhà TĐC chuyển vào rừng sâu, phá rừng làm nương rẫy. Ông Ploog Dít, trưởng thôn Trờ Gung, xã Mà Cooih, chua chát: “Ngày trước, lúc chưa có thủy điện, mỗi hộ đều có vài sào đất ruộng trồng lúa nước và gần 10 ha nương rẫy, còn khi về nơi TĐC đến giờ, một mảnh đất rẫy cũng không có thì lấy gì mà sống. Muốn bà con không phá rừng làm rẫy thì các ban, ngành hãy cấp đất sản xuất cho họ”.
Ông A Rác Bốn, Trưởng Ban Mặt trận thôn A Giang ở khu TĐC PachePalanh, phàn nàn: “Đất ở khu TĐC vừa thiếu vừa khô cằn. Ban Quản lý dự án thủy điện A Vương hứa cấp cho mỗi hộ 1,2 - 1,5 ha đất rẫy, 0,35 ha lúa nước nhưng mấy năm nay có thấy gì đâu! Nước sạch thì cũng ngưng cấp hẳn rồi, bà con phải đi bộ hàng giờ mỗi ngày để cõng nước suối về dùng”.
Ông Alăng Bang, Bí thư Đảng ủy xã Mà Cooih, nói lẽ ra khi đưa dân về khu TĐC, chủ đầu tư cần tham khảo ý kiến chính quyền địa phương các cấp để có phương án thích hợp. Đằng này, họ dồn dân vào khu TĐC chẳng khác nào đem con bỏ chợ. Vì thế, bà con luôn sống trong cảnh khốn khó, vật vạ qua ngày.
Chủ đầu tư hứa lèo
Theo ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, huyện đã chủ động triển khai dự án mở rộng đất sản xuất cho người dân ở khu TĐC thủy điện A Vương giai đoạn 2008-2015 nhưng hiện đang gặp khó khăn do thiếu tiền. Ban Quản lý dự án thủy điện A Vương trước nay chỉ hỗ trợ 5,8 tỉ đồng để tu sửa những nhà TĐC xuống cấp. Huyện vừa đề nghị ban này hỗ trợ thêm kinh phí nhưng bị từ chối.
Nhiều hộ dân tại khu TĐC thôn Nước Lang, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn thuộc diện di dời bởi dự án thủy điện Đắk Mi 4 cũng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Chí Sâm, Chủ tịch UBND xã Phước Xuân, cho biết xã đã đề nghị chủ đầu tư dự án thủy điện Đắk Mi 4 có giải pháp giúp dân nhưng mọi đề nghị đều bị từ chối.
Theo cam kết của Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My - Quảng Nam), mỗi hộ thuộc diện TĐC sẽ được cấp một lô đất ở 400 m2, 600 m2 đất vườn và khoảng 1 - 1,5 ha đất sản xuất.
Ngoài ra, tại các khu TĐC sẽ có nhà trẻ, trường học, nhà ở cho giáo viên, nhà văn hóa, hệ thống giao thông nội bộ... Hơn 1.000 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu đã nhường đất cho công trình này, di dời đến ở các khu TĐC tại các xã thuộc 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My.
Tuy nhiên, những lời hứa của chủ đầu tư đã bay theo gió! “Do chủ đầu tư không thực hiện đúng các cam kết nên đời sống người dân TĐC rất tạm bợ. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 3 khắc phục nhưng họ chẳng quan tâm” - ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, bức xúc.
H.Dũng - H.T.Minh