Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thế giới tắt đèn trong Giờ Trái đất

(21:04:34 PM 31/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Nhà hát con sò và cầu cảng Sydney chìm trong bóng tối khi người Australia đi trước hàng triệu người ở gần 150 quốc gia trên khắp thế giới tắt đèn trong Giờ Trái đất tối nay để cùng nâng cao nhận thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng.

Australia là một trong những quốc gia đi đầu trong chiến dịch Giờ Trái đất mỗi năm, trong đó các thành phố tắt đèn và các thiết bị không thiết yếu trong vòng 60 phút.

Tại Aukland, tháp Sky Tower và tòa nhà quốc hội đã được tắt đèn để hưởng ứng giờ Trái đất. Các công trình có tính biểu tượng ở các thành phố của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã chìm trong bóng tối, trong khi nhiều người dân thắp nến và cùng tổ chức các hoạt động vì môi trường.

Tháp
ThápSeoul Tower trước và sau khi tắt đèn trong Giờ Trái đất. Ảnh: AFP

Từ quảng trường Tahrir ở Ai Cập cho đến tòa nhà Empire State ở New York, hàng nghìn thành phố ở 147 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tắt đèn từ 20h30 giờ địa phương.

Ý tưởng về Giờ Trái đất bắt nguồn từ thành phố Sydney và đã được tổ chức năm nay là năm thứ 6. Những thành viên mới tham gia vào Giờ Trái đất năm nay là Libya, Iraq và Trạm Không gian quốc tế (ISS), nơi sẽ chứng kiến sự kiện toàn cầu này từ vũ trụ.

"Không có biện pháp nào khả thi hơn để tăng nhận thức về tương lai, vì một hành tinh tươi đẹp nhất trong vũ trụ", Andre Kuipers, phi hành gia của ISS nói. Anh sẽ chia sẻ những hình ảnh và bình luận trực tiếp khi theo dõi Giờ Trái đất từ không gian vào tối nay.

Từ khi được tổ chức lần đầu ở Sydney năm 2007, Giờ Trái đất ngày một mở rộng và trở thành sự kiện lớn nhất cho thấy sự đoàn kết của thế giới trong việc giảm thiểu ô nhiễm carbon. Theo những nhà tổ chức - Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), tổng cộng đã có 5.251 thành phố, với 1,8 tỷ người ở 135 quốc gia tham gia tắt đèn năm 2011.

"Giờ Trái đất 2012 là sự kiện thể hiện sức mạnh của con người - sự kiện môi trường lớn nhất thế giới để ủng hộ hành tinh của chúng ta", giám đốc WWF ở Australia Dermot O'Gorman nói.

Nhà hát Opera và cầu cảng ở Sydney sẽ nằm trong những địa điểm đầu tiên chìm vào bóng tối từ 20h30 tối nay giờ địa phương, sau đó sẽ là tháp Tokyo, tòa nhà Đài Bắc 101 và Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Tại thủ đô Bắc Kinh, sân vận động Tổ chim và Trung tâm thể thao dưới nước sẽ "sống trong bóng tối" một giờ đồng hồ.

Ở Singapore, 32 trung tâm thương mại, trong đó có nhiều trung tâm nằm trên vành đai mua sắm nổi tiếng đường Orchard, và hơn 370 công ty bao gồm những nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton và Armani sẽ tắt những thiết bị chiếu sáng không cần thiết.

Tại Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và hàng chục thành phố và thị trấn sẽ tham gia hành động Giờ trái đất bằng cách tắt đèn 60 phút tại các công trình nổi tiếng. Nhiều hoạt động vì môi trường như đạp xe, tuyên truyền tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường được giới trẻ nhiệt tình tham gia.

Trong khi đó tại Đài Loan, văn phòng của chính quyền sẽ chìm vào bóng tối, còn ở Philippines, hơn 1.780 sở cảnh sát và trung tâm đào tạo sẽ tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết.

"Chúng tôi sẽ tắt đèn ở văn phòng, ngoại trừ đèn ở nhà giam vì tù nhân có thể lợi dụng dịp này để tẩu thoát", phát ngôn viên cảnh sát Philippines cho hay.

Tại thủ đô New Delhi, ánh sáng ở 3 công trình biểu tượng là Cổng Ấn Độ, tháp Qutub và Lăng Humayun sẽ được tắt. Phong trào Giờ Trái đất cũng lan rộng ra các công trình trên khắp thế giới như tháp Eiffel và bảo tàng Lourve ở Paris, tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai, cung điện Buckingham ở London...

Người đồng sáng lập Giờ Trái đất Todd Sampson, giám đốc công ty quảng cáo Leo Burnett Sydney, cho biết sự kiện này bắt đầu như một sáng kiến nhằm kêu gọi người dân Sydney tắt điện ở khu vực bến cảng.

"Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng hoạt động này lại phát triển mạnh như bây giờ", anh nói.

Tháp Eiffell trong giờ Trái đất năm 2010. Ảnh: AFP
Tháp Eiffell trong giờ Trái đất năm 2010. Ảnh: AFP

Tuy Giờ Trái đất cũng gặp phải một số lời phê bình nhưng Sampson cho rằng đó là chuyện bình thường.

"Hoạt động này không được tạo ra để mọi người tin rằng tắt một bóng đèn thì sẽ cứu được cả hành tinh", anh nói. "Ban đầu, đây chỉ là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, để mọi người suy nghĩ và hành động theo nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ thái độ hoài nghi cũng là một phần của cuộc tranh luận. Nó khiến mọi thứ thêm tiến bộ.

Anh Ngọc/ Vnexpress