Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thanh niên tham gia làm sạch kênh Văn Thánh, Bình Thạnh. Ảnh: Việt Dũng |
Kênh ngập rác, nghẽn dòng
Mùa mưa sắp đến, TPHCM lại phải chật vật với tình trạng ngập nước mùa mưa. Hệ thống kênh rạch ở TPHCM đang rất cần được khơi thông để đáp ứng được yêu cầu thoát nước. Những năm gần đây, TPHCM đã dồn sức đầu tư cải tạo vệ sinh môi trường và thoát nước tuyến kênh Nhiêu Lộc và Tàu Hủ. Tuy nhiên, khi chỉ mới khơi thông hệ thống kênh chính trong khi các kênh nhánh vẫn ngập rác, nghẽn dòng thì tình trạng ngập úng trong khu dân cư vẫn chưa thể khắc phục được.
Kênh Văn Thánh (Bình Thạnh) là kênh thoát nước của các phường 21, 25, nhưng nhiều năm chưa được nạo vét, nước không thoát được, nên cứ mưa xuống thì cả khu Văn Thánh đều ngập úng. Người dân ở khu vực này đã góp tiền nâng đường hẻm để chống ngập, thế nhưng cách này không hiệu quả, chuyện ngập nước vẫn tái diễn. Các kênh nhánh ở đường Nguyễn Xuân Ôn (phường 2, Bình Thạnh) và ở đường Phan Văn Hân (phường 17, Bình Thạnh)… cũng đầy rác và sình, vì vậy những khu vực này đều là những điểm đen ngập nước mùa mưa. Nhìn chung các kênh nhánh trong các khu dân cư đang ngày càng bị cạn vì tồn đọng một lượng sình và rác rất lớn dưới lòng kênh, không còn chứa được bao nhiêu nước, khiến nước thải và nước mưa trong khu dân cư không thể thoát đi.
Việc khơi thông các kênh nhánh trong khu dân cư không chỉ giúp tiêu thoát nước mà còn cải tạo môi trường nước đang bị ô nhiễm, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Kênh Tân Hóa (phường Hòa Bình, quận Tân Phú) và kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) là những con kênh đã bị báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay, thế nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí ngày càng nhiều rác và nước thải công nghiệp vẫn xả xuống vô tội vạ.
Xử lý nghiêm hành vi xả thải ra môi trường
Để hạn chế ngập nước trên diện rộng, TPHCM cần phải nạo vét đồng bộ hệ thống kênh rạch trên địa bàn, cả kênh chính và kênh nhánh, đồng thời tích cực vận động các đơn vị sản xuất và người dân sống ven kênh rạch bảo vệ kênh sạch đẹp. Tuy vậy, biện pháp vận động cũng chưa đủ, vì thực tế có không ít người rất hiểu tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường kênh rạch nhưng vẫn cứ làm. Để không phải tốn kém kinh phí xử lý nước thải công nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp đã cố tình xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước hết sức nghiêm trọng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu, nguồn lợi thủy sản của nông dân, ngư dân.
Đối với các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao do nguồn chất thải, nước thải, các cơ quan chức năng cần phải giám sát thường xuyên và chặt chẽ hơn về việc thực hiện những quy định về xả thải ra môi trường. Thực tế, trong thời gian qua đã có những doanh nghiệp bị kiểm tra, phát hiện vi phạm về bảo vệ môi trường khi xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, bị xử phạt hành chính hàng tỷ đồng, buộc bồi thường thiệt hại cho dân và phải khắc phục hậu quả, thế nhưng tình trạng lén lút xả thải ra môi trường vẫn cứ tiếp diễn. Do vậy, biện pháp chế tài, xử lý hành chính là chưa đủ, cần mạnh tay xử lý pháp luật đối với những trường hợp tái phạm và những hành vi gây ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước và nhân dân. Kiên quyết xử lý trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu doanh nghiệp và những người có liên quan.
Singapore, quốc gia nổi tiếng về bảo vệ môi trường, xem chế tài hình sự là biện pháp quan trọng và hữu hiệu để bảo vệ môi trường, có một hệ thống luật pháp toàn diện và hoàn chỉnh về môi trường, làm công cụ để đảm bảo môi trường trong lành. Mới đây Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc vừa yêu cầu 2.087 công ty phải đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu nếu liên tục tái phạm gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường. Rõ ràng chế tài xử phạt hành chính bằng tiền không đủ tác dụng răn đe, cần thiết phải xử lý bằng biện pháp cao hơn, kể cả bằng chế tài hình sự.