Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo các nhà khoa học, loại sương mù do ô nhiễm xuất hiện ở một số tuyến phố của Hà Nội gần đây rất hại cho sức khỏe.
Cứ vào những ngày ẩm trời, khoảng 8 - 9 giờ tối, anh Nguyễn Hoàng Lâm (Linh Đàm - Hà Nội) lại thấy có làn sương nhẹ bay vào nhà kèm theo mùi khói.
“Lúc đầu tôi cứ nghĩ gần đó có nhà nào đốt đống rơm. Nhưng đi vào trong nội thành, thấy sương có mùi bao phủ khắp nơi”, anh Hoàng kể.
Nên đeo khẩu trang khi đi vào khu vực sương có mùi. |
Môi trường thuận lợi của mầm bệnh
Ông Vũ Anh Tuấn, phó trưởng phòng phụ trách dự báo ngắn hạn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết: “Có nhiều dạng sương mù như dạng dày đặc, bình thường, hay nhẹ. Là hơi nước ngưng tụ, nên sương chỉ có mùi nước hoặc không mùi nhưng nếu thấy mùi khói hay mùi gì đó lạ là bất thường, có thể nghĩ là do ô nhiễm môi trường”.
Cùng chung nhận định này, giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, cho rằng: Hiện tượng này xuất hiện chứng tỏ không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, hơi nước ngưng tụ thành sương, kết hợp với khói từ các nhà máy, khói bụi do các phương tiện giao thông không khuếch tán được, đọng lại ở tầm thấp khiến người ta hít thở hơi sương có mùi khói.
“Các nghiên cứu đã khẳng định hít thở không khí ô nhiễm sẽ nguy hiểm cho các bệnh về lao, phổi, phế quản, nhất là với những người có tiền sử mắc bệnh về đường hô hấp. Thường xuyên hít thở không khí ô nhiễm có thể bị viêm phổi, thậm chí gây ung thư”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển nhận định.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, hiện tượng sương mù xảy ra là dấu hiệu cho thấy mức độ ô nhiễm trong không khí cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người do các chất ô nhiễm gây ra. Đây là môi trường thuận lợi cho một số loại mầm bệnh phát tán trong không khí.
Hạn chế hít thở trực tiếp
Loại trừ khả năng sương mù có mùi khói xuất hiện là do biến đổi khí hậu, tiến sĩ Ninh cho rằng: Có thể tính đến cả khả năng ảnh hưởng bởi ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Trước đó, ngày 14/11, Liên Hiệp Quốc công bố, khói mù ô nhiễm bao phủ khu vực rộng lớn tại châu Á, Trung Đông, Bắc Phi và khu vực lòng chảo Amazon châu Mỹ, đã làm thay đổi thời tiết trên thế giới, đe dọa đến sức khỏe và nguồn cung thực phẩm. Hiện tượng khói mù xuất hiện chủ yếu do cháy rừng và đốt nhiên liệu hóa thạch, được gọi là “các đám mây nâu khí quyển”.
Theo thạc sĩ Dương Thanh An ở Tổng cục Môi trường, nhiều cuộc họp của các nước ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đã đưa ra cảnh báo, Việt Nam, Lào và Campuchia là nhóm các nước đứng thứ hai có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, sau Indonesia và Singapore.
Nhiều chuyên gia lý giải hiện tượng trên ở hai góc độ: ô nhiễm môi trường và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Họ đưa ra cảnh báo: cách tốt nhất là hạn chế hít thở trực tiếp loại sương mù này. Khi đi vào vùng sương có mùi khói nên đeo khẩu trang. Nên khép kín cửa và sử dụng quạt thông gió hoặc điều hòa để lọc không khí.
Nồng độ các khí CO, SO2, NO2 trong không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, tại một số thời điểm quan trắc đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép 0,2mg/m3 so với TCVN. Tại Hà Nội, các khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao như trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng có nồng độ NO2 cao nhất. Tại TPHCM, ở các điểm quan trắc ven đường giao thông, nồng độ NO2 dao động từ 0,01 - 0,79mg/m3 và có tới 13 - 85 phần trăm mẫu có nồng độ NO2 vượt TCVN. Nồng độ bụi lơ lửng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, và Hải Phòng có tới 60 phần trăm số kết quả đo vượt TCVN, trong số đó có 25 phần trăm vượt TCVN trên hai lần. Số liệu thống kê của Bộ Y tế, những năm gần đây các bệnh về đường hô hấp có tỉ lệ mắc cao nhất so với các bệnh khác. Nguyên nhân do không khí bị ô nhiễm bụi, SO2, Nox, CO, chì… Các tác nhân này gây ra các bệnh: viêm đường hô hấp, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản mãn, ung thư… Nguồn: Báo cáo môi trường quốc gia 2007 |
(Theo Đất Việt)