(Tin Môi Trường) - Xuất thân là kỹ sư mỏ, lăn lộn với các đoàn địa chất khắp nước, rồi đi dạy, rồi “lấn sân” sang lĩnh vực dịch văn học, dịch phim,… Kỹ sư Đào Minh Hiệp vừa có cuộc triển lãm tranh hoành tráng.
Nhà văn Đào Minh Hiệp
Giữa hai bờ dịch- họa
Với trên 20 kịch bản, đầu sách và phim dịch, nhà văn Đào Minh Hiệp (62 tuổi, hội viên Hội Nhà văn VN, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên) đã làm ngỡ ngàng nhiều người khi “Sắc xuân quê hương” - triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của ông từ ngày 11.2 - 29.2 tại TP Tuy Hòa. Triển lãm giới thiệu 28 bức tranh sơn dầu, hầu hết là tranh phong cảnh và tĩnh vật, với cách nhìn cuộc sống đầy chăm chút, hứng khởi.
Đào Minh Hiệp nói về “cuộc chơi mới” của mình: “Đây là 28 bức sơn dầu (khổ từ 54x50cm đến 160x200cm) được tôi vẽ chủ yếu trong hai năm vừa qua, sau khi nghỉ hưu. Vẽ sơn dầu là tốn kém cả tiền bạc lẫn công sức rồi, thế nhưng tôi cứ túc tắc vẽ, vẽ miệt mài và đầy cảm hứng mỗi ngày nên luôn cảm thấy thú vị. Về hưu mà lần đầu tiên làm triển lãm cá nhân thì rất vất vả, mọi chuyện đều phải “tự thân vận động”. May nhờ có vợ (nhà báo Lê Diệp, Phó phòng Thời sự Đài Phát thanh Phú Yên - NV) “nhiệt liệt” ủng hộ; chúng tôi cứ thế lo dần từng khâu nên cũng đỡ phần nào căng thẳng. Hội VHNT Phú Yên và Thư viện Hải Phú cũng đã nhiệt thành hỗ trợ và địa điểm triển lãm tại 258 Trần Hưng Đạo (Tuy Hòa) này rất rộng thoáng, ấm cúng. Tôi cảm thấy thỏa lòng…”.
Nhiều năm rồi, công chúng biết nhiều đến Đào Minh Hiệp là một dịch giả “nổi tiếng” với các tiểu thuyết “Khát vọng đổi đời”, “Đức mẹ mặc áo choàng lông”, “Thám tử buồn”,… được tái bản nhiều lần, rồi dịch loạt phim đình đám một thời như “Người giàu cũng khóc”, “Trở lại Eden”,... Vậy đam mê “vẽ vời” đã đeo đẳng ông khi nào? “Đó là từ những ngày còn học ở Đại học Thăm dò địa chất Moskva vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Hàng năm, tất cả sinh viên của trường đều được cử đi thực tập tại các đoàn địa chất trên toàn Liên bang Xô Viết. Do đặc thù của ngành, thường xuyên sống và làm việc giữa thiên nhiên vô cùng độc đáo đã tạo cảm hứng cho nhiều sinh viên và giáo viên cầm cọ. Sau hè, khi niên học mới bắt đầu cũng là lúc khai mạc phòng tranh của thầy và trò ngay trong khuôn viên của Bảo tàng địa chất nhà trường. Tôi mê hội họa từ ngày ấy và thường xuyên có tranh tham gia triển lãm”, Đào Minh Hiệp bộc bạch.
Thăng hoa và sáng tạo
Một số tranh sơn dầu tại triển lãm Sắc xuân quê hương của Đào Minh Hiệp
Rời cơ quan nhà nước về nghỉ hưu nhưng nhiều người chợt thấy Đào Minh Hiệp như trẻ ra. Bằng chứng là ông vẫn tiếp tục ra mắt mấy cuốn sách dịch và miệt mài với hội họa để có được cái triển lãm cá nhân khá bề thế. Ông nói về thời gian sáng tạo của mình: “Tôi vẽ giữa hai khoảng dịch. Thấy hơi mỏi mê với những trang chuyển ngữ, tôi lại hào hứng với sơn dầu. Dịch văn học đã gắn với tôi máu thịt rồi, tôi vẫn tiếp tục đến hết đời. Hội họa cũng không phải mới đến với tôi nhưng nó chỉ chực bùng lên khi có nhiều thời gian tự do, như khi về hưu. Thế nhưng “bôi màu” trên vải đã đem đến cho tôi những sảng khoái bất ngờ… Qua kinh nghiệm của bản thân, khi sáng tác văn học có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong lúc làm việc, còn khi đã căng toan lên, bày giá vẽ ra, nặn màu ra đầy palet thì phải toàn tâm toàn ý với nó cho tới khi nào kết thúc tác phẩm mới thôi, chưa nói phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức đi lấy tư liệu. Khi còn đương chức, công việc sự vụ đã chiếm hết thời gian, thậm chí có lúc còn làm tắt ngóm chút cảm hứng vừa nhen nhóm. Nay, tôi đã nghỉ hưu, có thể toàn tâm toàn ý với hội họa. Nếu hết cảm hứng với nó, tôi lại quay sang với văn học. Tôi cứ túc tắc làm cả dịch lẫn họa một cách hào hứng, vì được thoải mái tập trung hơn”.
Học ở Nga về, Đào Minh Hiệp đã có nửa đời lặn lội cùng các đoàn địa chất trên Tây Nguyên, rồi đi dạy địa chất, trước khi nghỉ hưu còn làm “quan văn” cả chục năm. Thế nhưng công việc như không hề tác động nhiều đến sự sáng tạo nghệ thuật của ông. “Thực tình mà nói, tôi vẫn luôn mang trong mình dòng máu của một người làm khoa học kỹ thuật. Văn học và hội họa chỉ là những đam mê để trải lòng mình. Niềm đam mê ấy có nền tảng từ cuộc sống luôn được tiếp xúc với thiên nhiên tươi đẹp. Do công việc, tôi đã từng sống và đặt chân đến hầu hết mọi miền đất nước, cả Trung, Nam, Bắc, rồi Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc,…Cảm hứng nảy sinh từ những chuyến đi”, Đào Minh Hiệp chia sẻ.
Xem tranh Đào Minh Hiệp, nhiều người đã cảm nhận một tâm hồn Việt đa cảm, đan xen nét đằm thắm của tính cách Nga. Và ông lý giải điều này: “Vì tiếp xúc thường xuyên với các tác phẩm hội họa Nga, nên tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ phong cách của họ, nhất là của nhóm họa sĩ Triển lãm lưu động (Peredvizhniki) như: Shishkin, Vaxiliev, Kramskoi, Repin, Aivazovxki, Kuinji, Levitan, Savrasov, Perov, Polenov… Ngoài mỹ thuật, tôi còn được tiếp xúc với văn học, âm nhạc, điện ảnh Nga... Cũng chính trong thời gian này, tôi đã tập dịch những truyện ngắn của nhà văn Nga Turghenev. Kể từ những ngày còn là sinh viên tôi chỉ vẽ sơn dầu, còn về phong cách, có thể do bản tính hiền lành và bị ảnh hưởng của hội họa Nga nên tôi thiên về hiện thực. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, hội họa là một thể loại nghệ thuật cảm thụ trực quan, giúp con người hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Điều cốt yếu là người vẽ tranh phải thể hiện được cảm xúc của mình...”.