Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chủ cơ sở Nguyễn Văn Nghị kiểm tra củi trấu
Phú Yên có diện tích sản xuất lúa 54.000 ha, nên trấu là một thứ chất thải mà các nhà máy xay xát đau đầu tìm cách giải quyết. Để giải quyết khối lượng trấu khổng lồ này, một số được đốt để bón cho cây trồng, một số ít khác dùng trong việc đun nấu của các gia đình, lượng lớn trấu còn lại được các nhà máy xay xát thải ra môi trường, kênh rạch hoặc đốt bỏ theo phương pháp thủ công đã gây ô nhiễm môi trường sống dưới hình thức khói thải, bụi hoặc rác...
Theo mô hình sản xuất trước đây, mỗi cơ sở xay xát lúa gạo ngoài diện tích xây dựng nhà xưởng cần phải dành thêm một khoảng đất trống rộng hơn để chứa trấu. Cùng với đó, chủ cơ sở phải có kế hoạch giải phóng trấu (bán, đốt hoặc thải ra các hệ thống kênh mương…) để đảm bảo đủ mặt bằng chứa lượng trấu được thải ra kế tiếp. Giải pháp sản xuất củi trấu đã giải quyết được nhiều vấn đề cùng một lúc, trước hết là mặt bằng và ô nhiễm, đồng thời tăng thêm thu nhập và tạo việc làm mới cho lao động địa phương.
Với xu thế phát triển của xã hội hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên có hạn (than đá, dầu DO; FO, …), tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Do vậy, sử dụng nhiên liệu tái tạo để thay thế có nhu cầu bức thiết hiện nay. Năng lượng sinh khối từ nông nghiệp, đặc biệt từ vỏ trấu được xem là nguồn năng lượng mới giàu tiềm năng ở nước ta
Công nhân cơ sở Nguồn xanh với sản phẩm củi trấu
Việc sản xuất củi trấu thành công của cơ sở sản xuất củi trấu Nguồn xanh của anh Nguyễn Văn Nghị ở thôn Lộc Đông, xã Hoà Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, trở nên đầy tiện ích khi vừa cải thiện vấn nạn ô nhiễm môi trường, vừa đem lại thu nhập tạo công ăn việc làm cho người dân.
Theo những nghiên cứu về củi trấu cho thấy, về mặt kinh tế, sử dụng củi trấu giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại chất đốt khác từ than, củi hoặc ga, giá củi trấu chỉ trên dưới 2.000 đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm củi trấu phần lớn được sử dụng để đốt lò hơi công nghiệp phục vụ cho các lò sấy, nhuộm vải, giấy, may mặc, chế biến thuỷ sản và nông sản...công nhân tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chỉ mất một ít thời gian đưa củi vào lò nhưng bù lại đảm bảo về sức khỏe. Hơn nữa, nếu sử dụng than đá để đốt với giá trung bình khoảng 4.000 đồng một kg, nhiệt lượng 1 kg than sẽ tương đương với khoảng 1,5 kg củi trấu (khoảng 2000 đồng). Như vậy, nếu dùng củi trấu, các cơ sở sản xuất có thể tiết kiệm hơn 50% chi phí. Mỗi cơ sở sản xuất trung bình dùng 2 tấn than đá mỗi ngày, nếu chuyển sang dùng củi trấu sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/năm.
Quy trình sản xuất củi trấu: Trấu sau khi xay xát (trấu nguyên liệu) thường có độ ẩm 11% được đưa (đổ) vào phễu của máy (như phễu máy xay xát gạo) thẳng vào hệ thống cấp liệu. Máy ép hoạt động nhờ một động cơ điện công suất 11KW, trục vít quay trong khuôn ép với tốc độ 200 đến 400 vòng/phút nhờ bộ truyền đai. Xung quang khuôn ép được gia nhiệt bằng 3 vòng điện trở có công suất 6 đến 8KW. Mục đích của việc gia nhiệt này nhằm làm mềm nguyên liệu-giảm ma sát và lực ép, đồng thời làm chảy Ligin. Do trong bản thân phế phảm nông nghiệp này đã có chứa sẵn chất kết dính (gọi là Ligin) nên khi ép, tác dụng của nhiệt ma sát và nhiệt từ khuôn ép đã giúp tạo nên chất kết dính chắc chắn. Do vậy, củi trấu này còn chắc hơn cả gỗ củi dùng thông thường khác.
Chính vì thế, việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phẩm nông nghiệp như củi trấu, để làm nhiên liệu sử dụng trong công nghiệp là một giải pháp tối ưu. Sử dụng sản phẩm này chi phí sẽ giảm trên 50% so với các nguồn nhiên liệu khác, cũng vì thế mà cơ sở sản xuất củi trấu Nguồn xanh mới manh nha vào “thị trường chất đốt” đã có các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Phú Yên ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Văn Nghị, (trái) nhận giửi thưởng tại Lễ tổng kết Hội STKT tỉnh Phú Yên lần thứ 4 (2010-2011)
Chủ cơ sở Nguồn xanh Nguyễn Văn Nghị, cho biết: “Hiện nay cơ sở sản xuất củi trầu Nguồn xanh sản xuất hơn 10 tấn củi/ngày. Số lượng đặt hàng càng tăng bởi giá rẻ, sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường, khi đun nấu có mùi thơm của hương lúa, ít khói và lâu tàn hơn so với các loại củi bình thường hay than đá. Đồng thời về mặt xã hội đã giải quyết việc làm cho 30 lao động nông nhàn địa phương (trong đó có 10 thanh niên là bộ đội xuất ngũ) mức lương bình quân từ 3,6 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng”
Như vậy củi trấu là sản phẩm vừa giảm thiểu được lượng chất thải ra môi trường, vừa đảm bảo tỉ lệ ô nhiễm khi sử dụng là không đáng kể, không những vậy tàn tro của củi trấu sau khi đốt có chứa trên 80% là silic oxyt, hiện nay có thể tận dụng cho rất nhiều lĩnh vực (về mặt này nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch và gốm đã bán lại cho nông dân tàn tro sử dụng trong việc cải tạo đất) như vậy xét về mặt môi trường củi trấu hoàn toàn là sản phẩm tiện ích cho môi trường trong sạch.
Ngoài ra, sử dụng củi trấu cũng là yếu tố tích cực trong việc thể hiện trách nhiệm về môi trường cho các khách hàng khó tính, đồng thời góp phàn tuyên truyền cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng môi trường xanh, sạch và bền vững.
Giải pháp “Sản xuất vật liệu chất đốt bằng việc tái chế vỏ trầu” của tác giả Nguyễn Văn Nghị (29 tuổi) ở thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đã đạt giả Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (STKT) Việt Nam lần thứ 11 về lĩnh vực Công nghệ-Môi trường; do Qũy Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) tổ chức.
Theo dự kiến của BTC Hội thi STKT Việt Nam, lễ trao giải tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 7/5/2012.
Vừa qua Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Phú Yên đã trình thủ tục lên UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng tặng Bằng khen cho Nguyễn Văn Nghị.