Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khói bụi từ lò đứng của nhà máy xi măng xả ra trùm cả khu dân cư |
Hàng chục năm qua, hơn 300 trăm hộ dân khu phố 1, 2 (phường 4, thị xã Đông Hà) và các thôn Đường 9, Định Xá (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) bức xúc bởi hàng ngày phải sống trong cảnh nghẹt thở do lượng khói bụi dày đặc từ Nhà máy xi măng Quảng Trị thải ra.
Mịt mù khói bụi
Những ngày này, dân khu phố 1 và 2 (phường 4, thị xã Đông Hà) vô cùng căng thẳng. Sau hơn hai tháng gió Tây -
Ông Nguyễn Xuân Tường, trưởng khu phố 1, ngao ngán: “Tưởng đâu hết gió Lào là hết khổ vì bụi khói, ai ngờ càng vào mùa mưa càng khổ hơn. Khói bụi không bay lên cao nữa mà là là ngay trước mặt”.
Nhà ông Tường cách cổng nhà máy xi măng chừng 200m, nên quanh nhà, một lớp bụi bám vào những mảng tường khiến tường đen xỉn.
Chị Nguyễn Thị S., con gái ông đang mang thai vừa chuẩn bị xong cơm trưa, nhưng không phải dọn cơm lên bàn ăn ở nhà trên mà phải dọn xuống gian chái phía sau nhà: “Chỉ có chui ra phía sau này mới có một bữa cơm yên ổn, chứ ngồi ở nhà trên, dù có đóng cửa nhưng dùng tay quệt lên mâm cơm vẫn thấy một lớp bụi dày”, chị than thở.
Cạnh nhà ông Tường, chị L.T.V. đang cắm cúi phơi áo quần vừa giặt. Nhưng vừa mắc đồ lên dây, chị lại lấy tấm bạt ni lông trùm luôn lên áo quần vừa treo. Chị bức xúc: “Mấy năm rồi, khi nào phơi áo quần là phải đậy bạt lại, nếu không thì khi khô, áo quần còn bẩn hơn”.
Lo nhiễm bệnh
Theo các cơ quan chức năng, khu vực dính bụi chỉ nằm trong bán kính 500m (tính từ lò đứng). Tuy nhiên, thực tế mức độ ảnh hưởng của khói bụi quanh khu vực nhà máy này vượt gấp hai lần khoảng cách trên, mà khu vực dân cư gần nhất cũng chỉ cách nhà máy chưa quá 200m.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ quán nước nằm cách nhà máy hơn 1km, cho biết: “Mùa gió Lào thì khói bụi từ trên nhà máy bay về đập thẳng vào mặt, còn mùa mưa cũng phải đeo khẩu trang khi ngồi bán hàng mới được yên thân!”.
Hiện tượng khói bụi dày đặc khiến hàng trăm hộ dân ở khu vực trên vô cùng lo lắng. Nguy hiểm hơn, lượng khí độc có trong khói bụi xi măng có khả năng gây nhiều biến chứng lâu dài về phổi. Nhất là trong thời điểm hiện tại nhóm bệnh bụi phổi Silic đang có dấu hiệu tăng lên.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Gan, Trưởng khoa Y tế Lao Động (Trung tâm Y tế Dự phòng Quảng Trị), bệnh bụi phổi Silic rất dễ xuất hiện trong môi trường có nhiều bụi than. Đặc biệt là quanh các khu vực mỏ khai thác đá và nhà máy xi măng. Riêng khu vực quanh Nhà máy Xi măng Quảng Trị, Trung tâm Y tế Dự phòng cũng chưa có đợt kiểm tra nào chính thức về sức khỏe của người dân sống xung quanh.
Sự lo lắng không chỉ ở khu vực dân cư xung quanh nhà máy, mà ở ngay trong công ty, nơi có gần một trăm hộ là công nhân đang sinh sống, cùng với đó là hàng chục đứa trẻ (con của các hộ công nhân) đang ngày ngày phải tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi này.
Chị N., một công nhân cùng chồng và hai con sống nội trú mấy năm nay, thở dài: “Năm nào đo đạc thì người ta cũng bảo là môi trường trong mức cho phép. Nhưng cứ hít mãi khói bụi độc hại này vào trong người lâu ngày cũng thành bệnh. Có điều chẳng biết làm sao?”.
Chờ di dời
Quá bức xúc, những hộ dân này gửi đơn thư phản ánh lên UBND phường 4. Ông Nguyễn Đức Nhuận, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, cũng nhiều lần gửi tờ trình lên các cơ quan chức năng của thị xã Đông Hà, thậm chí cả Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị xử lý.
Nhưng thật lạ, ông Võ Trực Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường Tỉnh, khẳng định: “Chưa nhận được bất cứ một đơn thư phản ánh nào về việc ô nhiễm khói bụi ở khu vực quanh nhà máy xi măng. Ông Linh cũng cho biết thêm, dù tháng 1/2005, Bộ Tài nguyên&Môi trường đã đưa nhà máy ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng theo kết quả quan trắc thường niên của sở vào tháng 6/2008, nồng độ bụi ở nhà máy này vượt gấp 1,3 lần so với quy định.
Ông Lương Diên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên Đông Trường Sơn (chủ quản nhà máy) - nói: “Dù đã rất quan tâm đến vấn đề cải tạo môi trường nhưng việc gây khói bụi là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hiện tượng khói bụi dày đặc xung quanh nhà máy còn là do cộng hưởng cả các nhà máy khác như nhà máy gạch Tuy nen, nhà máy bê tông tươi và nhà máy phân bón cùng nằm trong khu vực”.
Chỉ còn một giải pháp là di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư. Năm 2002, UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy xi măng mới với công suất 35vạn tấn/năm ở khu vực thuộc xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị) và sẽ dần dần sáp nhập nhà máy về đó. Tuy nhiên, dự án này đến giờ vẫn chưa triển khai được do thiếu vốn.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)