(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 26/03/2012, Thanh tra Sở Lao động Thương binh & Xã hội đã có buổi làm việc với bà Trần Anh, để giải quyết khiếu nại của bà về việc lò bánh mì Tiến Phát gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà suốt ba năm qua. Cuộc họp do ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động TBXH TPHCM chủ trì
Biên bản làm việc lập ngày 26/3/2012 ghi ý kiến của ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động TBXH TPHCM cho rằng bàTrần Anh "Vu khống đoàn" và “Đoàn sẽ xem xét đến vấn đề bà vu khống đoàn, cho rằng đoàn không thực hiện đúng chức năng” !
Dân nói “không”, Sở bảo “có”
Tại buổi làm việc, bà Trần Anh vẫn giữ nguyên quan điểm của mình đã ghi trong đơn khiếu nại ngày 27/2/2012 gửi các cơ quan chức năng khi cho rằng ngày 07/07/2011, bà không thấy đoàn kiểm tra xuống tiến hành thanh tra đo đạc đối với cơ sở bánh mì Tiến Phát. Bà Anh cho rằng việc sản xuất bánh mì của lò Tiến Phát đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình bà. Lò bánh mì hoạt động liên tục ngày đêm đã phát sinh hơi nóng, tiếng ồn và mùi khó chịu, bằng chứng là bà phải đóng cửa nhà mình, đi ở nhà thuê từ năm 2010.
Đại diện Thanh tra Sở lại cho rằng “ngày 7/7/2011, Thanh tra Sở có xuống kiểm tra hoạt động của lò bánh mì Tiến Phát, đồng thời lấy mẫu khí thải để xét nghiệm theo đúng quy trình. Việc bà Anh cho rằng đoàn Thanh tra không thực hiện thanh tra là “vu khống” và “Đoàn sẽ xem xét đến vấn đề bà vu khống đoàn, cho rằng đoàn không thực hiện đúng chức năng”
Ông Phan Nhất Hải, chuyên viên Phòng LĐTBXH Quận 8- một thành viên trong cuộc họp chiều 26/3 còn cho rằng: “Ngày 07/07/2011, đoàn thanh tra có xuống kiểm tra và có nhìn thấy bà ngồi trước cửa, mặc bộ đồ đen”!??.
Về nội dung này, bà Trần Anh phản ứng ngay: “Tôi khẳng định từ nhỏ đến giờ tôi không hề mặc một bộ đồ màu đen nào. Vì vậy, làm sao anh Hải nhìn thấy tôi mặc bộ đồ đen được?”.
Thanh tra Sở cũng khẳng định “kết quả phân tích các mẫu đo về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, ánh sáng, tiếng ồn, bụi, hơi khí độc của lò bánh mì Tiến Phát đều đạt đạt tiêu chuẩn cho phép; chỉ có 01 yếu tố là nhiệt độ khu mở cửa lò bánh mì cao hơn 2,7 độ C so với môi trường. Như vậy hộ kinh doanh cá thể Tiến Phát không phát sinh hơi khí độc”
Dân nói “có”, Sở bảo “không”
Bà Anh cho rằng “việc lò bánh mì Tiến Phát hoạt động ngay sát vách nhà bà đã vi phạm Quyết định 3733/2002-QĐ- BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế về việc Ban hành 21 Tiêu chuẩn vệ sinh lao động 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động”. Cụ thể, tại điểm 4.10.2 khoản 4 mục II Quyết định này quy định “khoảng cách tối thiểu từ lò bánh mì đến nhà dân là 100m”. Như vậy, rõ ràng lò bánh mì Tiến Phát đã vi phạm quyết định này vì chỉ cách nhà bà Anh chưa tới 1 m.
Thanh tra Sở lại cho rằng, Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT chỉ áp dụng đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh “có phát thải các yếu tố độc hại với môi trường xung quanh”. Đối với cơ sở bánh mì Tiến Phát, các kết quả đo đạc đều trong phạm vi cho phép nên “không thuộc diện áp dụng quy định của quyết định này”
Mặc dù khẳng định rằng đoàn thanh tra có tiến hành kiểm tra, đo đạc các yếu tố phát thải tại cơ sở bánh mì Tiến Phát, nhưng đoàn cũng khẳng định “Chỉ tiến hành thanh tra nội dung tác động đến người lao động, đến môi trường lao động. Đoàn không đo tác động ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài vì đã có các cơ quan của UBND Q.8, Cảnh sát môi trường mà nhiều đơn vị khác tiến hành đo đạc”. Đây rõ ràng là một lời khẳng định đầy mâu thuẫn của cơ quan được lãnh đạo UBND TPHCM giao nhiệm vụ kiểm tra xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở cũng cho rằng “Việc bà Trần Anh khiếu nại việc phát sinh tiếng ồn không thuộc thẩm quyền của đoàn thanh tra. Những khiếu nại phản ánh 8 lần đo đạc, kiểm tra không đúng sự thật, không khách quan, đo thiếu, đo không đúng quy định không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Sở. Vì vậy, Sở đề nghị bà Trần Anh có ý kiến với những đơn vị đo đạc được nêu trên”??
Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước phải có cách giải thích thuyết phục, để dân tin vào những quyết định của mình. Đằng này, Thanh tra Sở lại có cách làm việc kiểu vòng vo thiếu thuyết phục và đùn đẩy trách nhiệm. Một vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại kéo dài suốt ba năm qua, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và mất lòng tin vào chính quyền.
Như Tin Môi Trường đã phản ánh, suốt 3 năm qua, bà Trần Anh (ngụ tại số 28, Phong Phú, Q.8, TP.HCM) đã phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng do việc sản xuất của cơ sở bánh mì Tiến Phát ở sát vách nhà bà. Theo đơn thư gửi đến Tin Môi Trường thì lò bánh mì này bắt đầu hoạt động từ năm 2009 và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình bà. Cụ thể, không khí trong nhà bà Anh lúc nào cũng hết sức ngột ngạt, nồng nặc mùi bánh mì, dầu mỡ và chất độc hại khiến cho sức khỏe của mọi người đều bị giảm sút nghiêm trọng, thường xuyên bị các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm họng và ho kéo dài…Bên cạnh đó là những thiệt hại về kinh tế vì bà Anh phải đi thuê nhà ở. Nhà cũ không kinh doanh được gì vì ảnh hưởng của lò bánh mì. 3 năm qua, bà Trần Anh đã nhiều lần mang đơn gõ cửa các cơ quan chức năng cầu cứu nhưng mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ.