Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tôm hùm nuôi chết hàng loạt, người dân Khánh Hòa vớt để bán tháo, gỡ gạc vốn. Ảnh: Văn Ngọc |
Lao đao cùng tôm
Hai địa phương Khánh Hòa, Phú Yên được biết đến như “thủ phủ” của tôm hùm nuôi, vì có số lồng bè nuôi chiếm 2/3 cả nước. Trong số gần 50.000 lồng tôm cả nước, Phú Yên 29.102 lồng, Khánh Hòa 19.191 lồng. Tôm hùm nuôi đã từng đem lại hiệu quả rất cao, vì thế ở Khánh Hòa, Phú Yên có những làng triệu phú nhờ nuôi tôm hùm.
Theo người dân vùng Đầm Môn, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), tôm hùm nuôi xuất hiện cách đây khoảng 15 năm, nhưng thực sự phát triển mạnh từ 10 năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ tôm hùm lớn.
Ông Nguyễn Khắc Dũng, một người nuôi tôm tại Vạn Thạnh, cho biết ngày trước nuôi tôm hùm rất ít bệnh, có chăng mỗi vụ chỉ vài chục con chết, thiệt hại không đáng kể. Vì thế nhiều hộ dân thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đời sống phất lên từng ngày. “Năm ngoái, thấy tôm hùm được giá (dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng/kg, có khi 2,3 - 2,5 triệu/kg) vợ chồng tôi dốc hết vốn liếng và vay thêm ngân hàng 150 triệu đồng để thả 4.000 con tôm giống. Sau 3 tháng thả nuôi, đã có khoảng 500 con bị chết. Đến tháng 10 (âm lịch), tôm chết trắng bè, có ngày cả trăm con, khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Chỉ trong vòng ba tháng, đến thời điểm này, số tôm của tôi đã chết hơn 2.000 con, trọng lượng từ 0,7 - 0,9kg/con và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ước thiệt hại gần cả tỷ đồng” – ông Dũng buồn rầu nói.
Tương tự, tại Phú Yên, “thủ phủ” nuôi tôm hùm là thị xã Sông Cầu, từ đầu năm đến nay cũng điêu đứng vì tôm chết hàng loạt. Theo UBND xã Xuân Thịnh, tỷ lệ tôm chết từ 50% - 70%, vụ nuôi thủy sản năm nay, xã có khoảng 8.700 lồng, với gần 610.000 con tôm hùm thương phẩm, tập trung ở ba thôn Phú Dương, Vịnh Hòa và Từ Nham.
Tình trạng tôm chết đã xảy ra hơn hai tháng nay, số lượng tôm chết ngày càng tăng. Hiện mỗi ngày, tại khu vực nuôi thủy sản thuộc đầm Cù Mông (xã Xuân Thịnh) có hơn 1 tấn tôm hùm (cỡ 0,2 - 0,6kg/con) chết. UBND xã Xuân Thịnh cho biết số lượng lồng nuôi tôm hùm ở khu vực này tăng 2 - 3 lần so với cách đây 5 năm. Do đó, khi xuất hiện dịch bệnh, tốc độ lây lan cao, rất khó kiểm soát.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho biết đã có khoảng 30.000 con tôm hùm nuôi của người dân trong xã chết, tập trung ở thôn Phú Dương và Vịnh Hòa. Cá biệt có hộ, tôm chết đến 70%. Trước thực trạng này, xã đã báo cáo lên UBND thị xã để có hướng xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa ngăn chặn được.
Mật độ nuôi tôm hùm dày đặc, chưa có quy hoạch chi tiết là nguyên nhân dẫn đến mầm bệnh nảy sinh. Chưa có cách cứu hiệu quả
Đối với vụ nuôi 2011-2012, dù chưa có thống kê số lượng tôm hùm nuôi chết, nhưng thiệt hại đã rõ. Có vùng, tỷ lệ tôm chết từ 50% - 70%, có hộ gia đình gần như mất trắng hàng tỷ đồng.
Để cứu tôm, trong những năm qua, các ngành chuyên trách đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, đến nay việc ngăn chặn tôm chết vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tôm hùm nuôi chết hàng loạt là do bị bệnh sữa, đen mang, long đầu, vẫn biết đây là loại bệnh thường gặp trên tôm. Song, phác đồ điều trị vẫn chưa thống nhất, thiếu sức thuyết phục, và vì vậy, nông dân vẫn đang mày mò thử nghiệm.
Bà Trần Thị Ái Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, cho biết: “Tôm hùm nuôi ở các vùng biển Phú Yên và Khánh Hòa đều phát sinh bệnh sữa do vi khuẩn ký sinh nội bào, bệnh đen mang và long đầu do nấm, còn bệnh đỏ thân là do một loài virus gây ra. Ngành chức năng đã khuyến cáo bà con sử dụng phác đồ điều trị của Bộ NN-PTNT, nhưng người dân không tin dùng, mà lạm dụng thuốc Enrofloxacine nằm trong danh mục cấm của Bộ NN-PTNT”.
Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Lương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vạn Ninh, phác đồ điều trị của Bộ NN-PTNT không trị khỏi bệnh một cách triệt để, vì khi dùng Doxicycline, Oxy Tetracycline, tôm ngừng chết, nhưng sau 2 tuần đến 1 tháng, bệnh lại tái phát mạnh. Còn phương pháp đưa tôm lên khỏi mặt nước để tiêm chích thì hoàn toàn không phù hợp, vì ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Và dù tôm có sống cũng không thể bán giá cao, vì thế người dân không dùng cách này.
Thực tế cho thấy, việc loạn dùng thuốc trị bệnh cho tôm, cũng như chưa có phác đồ phù hợp đang dẫn đến hiện tượng tôm kháng thuốc, dịch bệnh tiếp tục lây lan. Dịch bệnh trên tôm hùm nuôi đã kéo dài từ nhiều năm và bao giờ giải quyết được vẫn là bài toán khó. Người nuôi tôm hùm đang đứng trước nguy cơ trắng tay.
"Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, phác đồ điệu trị đã có nhưng hiệu quả không cao. Sắp tới, bộ sẽ chỉ đạo các viện nghiên cứu sớm tìm ra phác đồ điều trị mới và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chương trình giám sát vùng nuôi, thực hiện đúng mật độ, bảo đảm môi trường vùng nuôi"
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Nguyễn Thị Xuân Thu
ĐBSCL: Hàng loạt hộ nuôi tôm trắng tay
Tôm chết ở các tỉnh ĐBSCL đang có nguy cơ lan ra diện rộng. Chiều 25-3, ông Lê Văn Dô, Bí thư Đảng ủy xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết gần đây tôm chết liên tục, dù ngành chức năng và người dân chữa trị nhiều cách vẫn không ngăn được. Đến nay, toàn xã Long Điền Đông thả nuôi được 400ha, đã có khoảng 200ha tôm chết, có hộ thả đến 2 - 3 lần nhưng tôm vẫn chết.
Tại Cà Mau, tôm chết ngày càng tăng. Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, chỉ trong tuần qua ở các huyện có thêm 20ha tôm nuôi công nghiệp và 229ha tôm quảng canh bị bệnh chết; nâng tổng diện tích tôm bị bệnh chết từ đầu năm 2012 đến nay lên khoảng 4.500ha. Đa phần tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng, đỏ thân… mức độ thiệt hại gần như hoàn toàn (đối với mô hình nuôi công nghiệp) và từ 15% - 40% đối với mô hình nuôi quảng canh.
Tại Bến Tre, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Bình Đại cũng mất ngủ vì nạn tôm chết. Đáng lo ngại, nhiều diện tích tôm thẻ chân trắng năm rồi trúng lớn, nhưng nay liên tục bị dịch bệnh làm chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn.
Vụ nuôi tôm năm 2011, hàng loạt hộ ở ĐBSCL trắng tay do tôm chết trên diện rộng và kéo dài. Năm nay, tình trạng tôm chết vẫn diễn ra nghiêm trọng và chưa có điểm dừng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam lo ngại, sản lượng tôm thời gian qua đã thiếu, nay càng thiếu nhiều hơn. Hiện một số nhà máy chỉ chạy khoảng 10%- 30% công suất, khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn do không đủ tôm chế biến.
N.Duy - X.Hạ