Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều năm qua, dân sống quanh khu vực Nhà máy Xi măng Gia Lai ( thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Gia Lai) phải luôn sống trong bụi bặm, tiếng ồn từ nhà máy này. Tuy nhiên, tất cả các đơn thư kêu cứu của nhândân nơi đây đều không được giải đáp thỏa đáng.
Ông Mai Văn Ba - Giám đốc Nhà máy - cho biết :"Chúng tôi chưa nhận bất kỳ văn bản kiến nghị nào của dân và chính quyền sở tại về tình trạng ô nhiễm môi trường quanh nhà máy (?). Bản thân nhà máy đã có cam kết bảo vệ môi trường và xây dựng môi hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn IS0 14001:2004. Tất cả khói trước khi thải ra không khí đều được xử lý qua hệ thống lọc bụi, đạt tiêu chuẩn. Chúng tôi khẳng định không thải khói bụi ra không khí. Tất cả đều được lắng lọc khô (xử lý được 60 phần trăm bụi) và nước (phun sương hết bụi)".
Để chứng minh lời mình nói, ông Ba đã đưa ra rất nhiều giấy tờ liên quan đến việc các cơ quan chuyên môn công nhận nhà máy đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, thực tế thì lại khác hoàn toàn những gì mà ông giám đốc nói. Trong khuôn viên nhà máy, khói bụi cả vùng trời. Tất cả các phòng ban đều đóng cửa kín nhưng vẫn không ngăn được bụi.
Ở ngoài khuôn viên, quanh khu vực Biển Hồ mỗi khi chiều xuống, không khí ẩm ướt là tất cả khói bụi từ nhà máy xi măng thải ra quanh quẩn trong khu vực. Người ngoài nhìn vào đều nghĩ là sương mù nhưng thực chất đó là khói bụi thải của nhà máy với một mùi đặc trưng rất khó chịu.
"Cứ đến khoảng 17h00 hàng ngày thì nhà máy lại thải khói bụi trực tiếp ra không trung. Ở khu phố 5 của phường Yên Thế này chẳng ai dám mở cửa. Trong nhà dù có quét đi chỉ cần 30 phút sau bụi lại bám vào. Đến nước dùng dù đã đóng đậy nhưng nó vẫn lắng cặn cả lớp", bác Phạm Thị Tính ở khu vực trên bức xúc nói.
Để chứng minh cho chúng tôi, bác Tính lấy chổi quét rồi để chừng 30 phút sau quét lại thì đùng như bác nói. Quả thật nhìn quanh nhà bác Tính và những hộ chúng tôi vào thì đúng là nhà nào cũng bị khói bụi bám đầy tất cả ngõ ngách.
"May mà mấy bữa trời mưa nên bụi trên cây cối đã trôi rồi nếu không thì...Hiện tại người dân ở đây từ trẻ đến già ai mà không bị các bệnh về đường hô hấp, mát đỏ, ngứa", bác Tính nói thêm.
Không chỉ con người mà các loại cây trồng nơi đây cũng chịu chung số phận. Theo ông Bùi Ngọc Tạ-người có rẫy sát nhà máy cho biết: “Khoảng từ sau năm 2000, diện tích cà phê của gia đình cứ giảm dần theo năm tháng. Bụi xi măng bám vào hoa khiến chúng rụng dần. Bụi nhiều quá, người ngoài nhìn vào lại tưởng mình bón phân nhưng thực tế là bụi xi măng. Quả không đậu, nếu đậu thì chất lượng rất thấp. Theo tính toán, quanh khu vực này có khoảng 20 ha cà phê bị ảnh hưởng. Nhiều người thử trồng các loại cây khác như bắp, mỳ thì bắp không hạt, mỳ có củ to như củ sâm. Ông Tạ đã dẫn chúng tôi đi xem thực tế. Đất ở đây bề mặt không phải màu đỏ mà là màu xám của xi măng. Riêng ông Phan Văn Nhiều, có rẫy ở đường 17/3, quanh khu vực khói thải của nhà máy thì "Ngày trước 3 sào cà phê cho thu hoạch được 3 tấn khô nay 8 sào chỉ thu được 1,5 tấn, trong khi nước, phân để bón, tưới cho cây tôi làm đủ".
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Hồ Thị Tập-Chủ tịch Phường Yên Thế, cũng là cư dân trong tổ 5, khu vực bị ô nhiễm nặng nhất, cho biết: "Lúc đầu nhà máy đỡ bụi nhưng những năm gần đây mật độ ngày một nhiều. Cứ thời tiết chuyển mùa là bụi càng nhiều. Tôi biết cứ chiều tới là mọi người đóng cửa nhà, bật quạt. Ban ngày đỡ chứ đêm về không khí ẩm ướt thì bụi sẽ lẫn trong không khí mà người dân hít thở. Ngoài ra, con đường Lữ Gia dẫn vào nhà máy rất nhỏ (rộng 8m) nhưng hàng ngày có hàng chục lượt xe vận chuyển vật liệu xi măng ra, vào (khoảng 500 tấn đá vôi và xi măng được vận chuyển) nên con đường bị xuống cấp trầm trọng. Mà các phương tiện này chủ yếu chạy buổi tối trong khi đường nhỏ, không có hệ thống đèn chiếu sáng nên nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra. Trước đây mỗi lần đường hư nhà máy còn dùng xi măng trám nhưng hai năm nay cứ chỗ nào hư, sụt lún thì nhà máy lại cho đổ đất trám lại".
Việc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng về môi trường đối với Công ty luôn theo định kỳ, kể cả thời gian, địa điểm và đều được báo trước. Hầu như lần nào kiểm tra nhà máy đều đạt tiêu chuẩn.
Được biết, nhà máy xi măng Gia Lai được đưa vào vận hành hơn 20 năm, và theo dự kiến đến cuối năm nay sẽ nâng công suất từ 60.000 tấn/năm lên 110.000 tấn. Đây thực sự là nỗi lo cho những ai sống quanh nhà máy khi nó được nâng gần gấp đôi công suất trong khi vấn đề môi trường còn đang gây bức xúc trong dân.
(Theo Báo TN&MT)