Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều người quan niệm uống nước chè nhiều và thường xuyên có thể phòng tránh được bệnh ung thư là chưa chính xác.
Trong cơ thể con người bao giờ cũng có tế bào lạ. Ở chừng mức nhất định, tế bào lạ sẽ khu trú. Còn khi hệ miễn dịch kém các tế bào lạ sẽ phát triển và chiếm dần vị trí của tế bào sống. Diện tích lấn chiếm được càng cao thì khối u ung thư càng lớn và chèn cơ thể dẫn đến chết. Trong khi đó, chè xanh có nhiều chất như đã phân tích, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Mỗi chất như một chiếc đao cùng tác động vào tế bào ung thư khiến nó khó phát triển.
|
Với thành phần là những hóa chất tự nhiên rất tốt, chè xanh có thể được xem như một thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. |
Quan niệm uống chè xanh khi nóng không tốt bằng khi nguội cùng hoàn toàn không hợp lý. Theo nguyên tắc khoa học, uống nước chè nóng sẽ dễ chịu và chuyển hóa chất vào máu nhanh. Còn uống lạnh, các chất khi vào cơ thể sẽ phải mất một quá trình nhất định.
Đồng quan điểm, ThS Ngô Đức Phương, nguyên cán bộ khoa Tài nguyên - Dược liệu, Viện Dược liệu nhấn mạnh: Không nên uống chè lạnh. Điều này không chỉ làm mất tác dụng giải nhiệt, hạ đờm của nước chè mà còn gây nguy cơ bị lạnh, kéo đờm. Trái lại, nước chè nóng sẽ giúp tinh thần sảng khoái, tai thính, mắt tinh.
Đặc biệt, đừng quá kỳ vọng sẽ uống nhiều, đặc nước nhằm mục đích giải nhiệt hay tận dụng tốt các chất có trong chè cho cơ thể nhanh. ThS Ngô Đức Phương lý giải, uống nước chè đặc tuy có rất nhiều cái lợi nhưng nếu uống thường xuyên thì kết quả lại ngược lại, thậm chí gây nhiễm độc mãn tính. Nguyên nhân là do trong nước chè đặc có tương đối nhiều chất nhu, ảnh hưởng xấu tới tiêu hoá như làm loãng dịch vị; Khiến niêm mạc dạ dày co lại; Làm chất protein trở nên rắn và lắng xuống. Ngoài ra, chất nhu còn có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt và vitamin B1 của cơ thể. Nếu kéo dài sẽ sinh bệnh thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vitamin B1 gây tê phù, trầm trọng có thể bị trầm cảm, trí nhớ kém, mất ngủ, gầy yếu, mất cảm giác ngon miệng, rối loạn thần kinh...
Không uống nước chè sau khi ăn
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, những người có thể uống nước chè nên uống thường xuyên với nước chè loãng. Điều này nhằm mục đích cung cấp cho cơ thể các chất tốt cho sức khoẻ một cách đều đặn, không bị say. Nên uống chè vào buổi sáng giúp tập trung làm việc và học tập, nên uống từ 2 - 3 cốc mỗi ngày. Không uống chè xanh vào lúc đói, chất tanin dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày tiết ra nhiều chất chua. Vị chua sẽ làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi.
Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống chè xanh, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị. Lúc đó, bạn sẽ thấy cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt, rất khó chịu mà chúng ta thường gọi là "say chè". Đây cũng là lý do vì sao khi bạn đang đói mà uống nước chè đặc sẽ gây nên say chè khiến người ta cảm thấy tim bị đạp loạn nhịp, chóng mặt, chân tay bủn rủn, người nôn nao... Bạn cũng không nên uống trà ngay sau khi ăn cơm. Vì khi đến dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm cho protein trong thức ăn trở nên cứng. Hơn nữa, nước chè cũng ức chế sự hấp thụ chất sắt. Vì vậy, nếu muốn uống trà, bạn hãy đợi nửa giờ sau bữa ăn.
Những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, viêm gan, viêm thận... nếu uống nước chè đặc vào lúc đói có thể làm cho bệnh nặng hơn. Người đang cho con bú uống nước chè đặc sữa cũng ít đi.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng hướng dẫn, có thể ứng dụng chè để làm thức ăn bằng cách: Lấy lá chè non rửa sạch, phơi khô, xay nhỏ miến thành bột. Bột này có thể dùng kèm thức ăn và dành cho tất cả các đối tượng cơ thể như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai... Mỗi người ăn ở một mức độ khác nhau tùy vào sở thích, khẩu vị nhưng cũng không nên quá nhiều. |