(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Nông dân ĐBSCL lại trúng mùa lúa nhưng lợi tức thuộc về họ chẳng là bao mà hầu hết chảy vào túi các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo
Những năm gần đây, ĐBSCL liên tiếp trúng đậm mùa lúa. Ảnh: Thốt Nốt
Năm nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có khả năng đạt từ 7 triệu - 7,2 triệu tấn. Rất có thể đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Thái Lan, trở thành nước dẫn đầu thế giới về lượng gạo xuất khẩu. Lý do là lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan năm nay giảm (có thể dưới 7 triệu tấn) vì còn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và chính sách hỗ trợ giá thu mua lúa cho nông dân khiến giá gạo xuất khẩu tăng cao, khó bán hơn trước.
Thời cơ của gạo Việt
Đến thời điểm này, Thái Lan đã mua lúa thuộc chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho nông dân được 6,7 triệu tấn (tổng số 10 triệu tấn), giá khoảng 500 USD/tấn. Tính ra, 1 tấn gạo xuất khẩu sẽ có giá từ 800 USD trở lên, khó cạnh tranh với gạo các nước, trong đó có Việt Nam. Do không thể xuất khẩu với giá cao nên phần lớn nguồn hàng này được trữ lại trong kho. Trung bình, gạo xuất khẩu của Thái Lan cao giá hơn gạo Việt Nam khoảng 100 USD/tấn, nay mức chênh lệch đó càng lớn thì gạo Thái càng khó tiêu thụ. Vì vậy, Việt Nam đang có lợi thế lớn.
Ngoài ra, Việt Nam còn có thêm nhiều bạn hàng mới, trong đó đối tác Trung Quốc đang mua gạo Việt Nam rất mạnh. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) nước ta đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 500.000 tấn sang thị trường này (trong khi cả năm 2011 chỉ xuất khẩu 258.000 tấn).
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết trái với cảnh trầm lắng từ cuối năm ngoái kéo dài đến đầu tháng 3 năm nay, kể từ giữa tháng 3-2012, thị trường xuất khẩu gạo đã ấm hẳn lên. Hiện đã có khoảng 90 DN tham gia thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho vụ đông xuân 2011-2012 với mức giá không dưới 5.000 đồng/kg lúa. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất vụ lúa đông xuân là 3.357 đồng/kg, nếu cộng lãi 30% thì mức giá tương ứng sẽ là 4.323 đồng/kg. VFA cho rằng không còn tình trạng nông dân bán tháo khi lúa rớt giá, họ thấy giá rẻ thì trữ lại chứ không bán.
Ông Bảy nhận định sắp tới, giá lúa sẽ còn tiếp tục tăng do các thị trường tiêu thụ gạo lớn trên thế giới đều có nhu cầu nhập khẩu trở lại, kể cả những thị trường truyền thống của Việt Nam. Philippines trong tháng 3 này mở thầu 500.000 tấn gạo, Malaysia cũng đã ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và đang tiếp tục đàm phán mua thêm.
Cũng theo ông Bảy, chúng ta không phải lo lắng về đầu ra đối với gạo chất lượng cao và gạo thơm mà chỉ lo cho gạo phẩm cấp thấp. Các bạn hàng từ châu Phi, châu Úc trước đây thường mua gạo cấp thấp, nay đã chuyển sang mua gạo chất lượng cao. Trong khi đó, vụ đông xuân này có đến 50%-60% diện tích ở ĐBSCL gieo trồng giống lúa cấp thấp IR50404, còn lúa thơm chỉ chiếm 10%. Hiện gạo chất lượng cao trong nước đang hút hàng, không có đủ để DN thu mua, còn gạo cấp thấp thì dư thừa, khó tiêu thụ.
Ngoài việc VFA khuyên nông dân trữ gạo cấp thấp để chờ đàm phán tìm giá tốt, VFA còn giữ giá sàn xuất khẩu loại gạo này ở mức tương đối cao. Chủ trương của của VFA là cố gắng xuất khẩu gạo với giá tốt nhất để từ đó có giá thu mua lúa trong dân cao nhất.
Lợi nhuận vào túi doanh nghiệp
Về khả năng Việt Nam có thể qua mặt Thái Lan trong xuất khẩu gạo, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nói: “Việc xuất khẩu gạo nhiều hay ít chỉ giúp nông dân có đầu ra dễ dàng chứ họ cũng không hưởng lợi được bao nhiêu do chuỗi ngành hàng này không liên hoàn, mạnh ai nấy làm nên hầu hết lợi nhuận thuộc về DN”.
Cũng theo ông Bảnh, nông dân bán cao nhất từ 5.000 - 6.000 đồng/kg là hết lúa, nếu giá thế giới có tăng, họ cũng chẳng còn lúa để bán, còn DN thì có gạo tạm trữ trong kho, tung ra bán với giá bao nhiêu đi nữa cũng có lời.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhiều viện, trường ở Việt Nam cách đây không lâu đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên. Theo đó, người trồng lúa thiếu khả năng thương lượng vì sản xuất ra cùng một sản phẩm, thu hoạch đồng loạt, không có khả năng tồn trữ. Ngoài ra, thông tin về thị trường quá rối nên nông dân không thể biết được đâu là giá hợp lý cần bán. “Rất ít DN và thương lái trả giá cao và cung cấp dịch vụ hỗ trợ lại cho nông dân để họ sản xuất các giống tốt, tăng chuẩn chất lượng gạo. Nếu như thực hiện được, lợi ích cho nông dân và DN rất lớn nhưng rất tiếc là cho đến nay, thị trường sản xuất lúa gạo tại Việt Nam chưa định hướng được điều này” - một chuyên gia của WB đánh giá.
Kỳ vọng giá sẽ còn tăng
Những ngày qua, sau khi các DN triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá lúa nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng từ 100 - 300 đồng/kg. Cụ thể, lúa IR50404 tươi tại ruộng đã nhích lên 4.300 - 4.500 đồng/kg, lúa khô 5.300 - 5.400 đồng/kg. Song song đó, giá gạo cũng tăng theo: gạo IR50404 giá từ 6.750 - 6.850 đồng/kg, gạo hạt dài 7.200 - 7.350 đồng/kg. Riêng gạo nguyên liệu dùng để sản xuất gạo 5% tấm xuất khẩu có giá 8.300 đồng/kg.
Tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được 34.000ha lúa đông xuân với năng suất 7,3 tấn/ha. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận xét: “Vụ này bà con trúng mùa, được giá. Năng suất lúa cao hơn những năm trước do đợt lũ lớn năm 2011 đã bồi đắp phù sa trên đồng ruộng làm giảm dịch bệnh và nông dân đã tuân thủ lịch thời vụ”. Nhiều nông dân thấy giá lúa đang nhích lên nên chưa bán.
Ông Nguyễn Văn Ngót ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp - Hậu Giang, cho biết: “Thương lái đi khắp vùng này để thu mua nhưng nhiều hộ vẫn chưa bán. Tôi vừa thu hoạch 7 ha lúa IR50404 nhưng không bán mà phơi khô, chờ giá tăng”.
TP Cần Thơ cũng đã thu hoạch được 65.000 ha lúa đông xuân với năng suất khoảng 7,3 tấn/ha. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, nhiều DN ở Cần Thơ đã đẩy mạnh việc bán gạo cho thương nhân Trung Quốc. Giá gạo loại 5% tấm bán sang Trung Quốc có giá từ 435-440 USD/tấn”.
Ca Linh