Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong dự án thủy điện Krông H’năng do Công ty CP Sông Ba làm chủ đầu tư, theo quy định đơn vị này phải trồng lại 175 ha rừng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai trồng mặc dù nhà máy đã hoạt động từ năm 2010. Dự án thủy điện Sông Ba Hạ do Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ làm chủ đầu tư phải hoàn trả lại rừng 204 ha, nhưng đến nay chỉ mới thiết kế trồng lại 29,7 ha và vẫn còn nằm trên giấy. Còn thủy điện Sông Hinh do Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư thì không hề thấy nhắc đến việc hoàn trả lại rừng đã mất.
|
Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, diện tích rừng bị mất để làm các nhà máy thủy điện quá nhiều, nhưng diện tích rừng mà chủ đầu tư hứa trồng lại là không đáng kể và thực tế thì cũng thực hiện chưa đầy đủ. Ông Học cho biết thêm, rừng bị mất là một trong những nguyên nhân làm thay đổi hệ sinh thái, dẫn đến khô hạn, cạn kiệt nguồn nước hoặc làm gia tăng nguy cơ lũ lụt. Nhiều diện tích đất sản xuất bị xói mòn cũng là do mất rừng. “Chủ đầu tư có tư tưởng mong đầu tư xây dựng công trình cho bằng được và đạt được lợi ích của mình, xem nhẹ lợi ích, đời sống của người dân trong vùng dự án; biểu hiện nặng về khai thác tài nguyên nước quá mức, xem nhẹ việc bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái”, ông Học nói.
Qua đợt giám sát mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Quốc hội giám sát việc xây dựng các công trình thủy điện trên toàn quốc, đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật; đánh giá hiệu quả bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ, phát triển rừng trong hoạt động xây dựng thủy điện.