Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
PGS,TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật TPHCM
Tôi vô tình đọc được cái tin liên quan và quan sát bài nói chuyện trong clip này và sau đó tham khảo các bình luận liên quan của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội trên mạng.
Cảm giác đầu tiên là hơi ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đi đến sự tò mò muốn xem lại cho rõ. Rõ rồi thì sự cảm nhận từ ngạc nhiên đến tâm bất tại. Tiếp theo tâm bất tại là nỗi buồn man mác và thất vọng dần dần xâm lấn tâm hồn. Lý trí trong tôi tỉnh dậy….
Những điều vừa xảy ra quanh cái Clip này khơi dậy trong miền ký ức của tôi câu ca dao thủa thơ bé từng nghe :
“ Chim khôn hót tiếng rảnh rang,
Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”
Sợ trí nhớ của mình không đúng, tôi tìm tới Google để kiểm chứng nguyên văn câu cxa dao này thì ôi chao…gặp ngay cả một giòng suối cảm xúc của dân mạng bình phẩm quanh câu ca dao mà ông bà ta xưa đã để lại cho con cháu hôm nay.
Về các lời bình ca ngợi ý nghĩa văn hoá – giáo dục con cháu đời sau của tổ tiên ông bà của câu này tôi xin phép được không nhắc lại.
Nhưng có một điều làm tôi đớn đau suy ngẫm: Tại sao con số bình luận tán đồng, khen ngợi vai diễn chính trong clip lại nhiều đến ngạc nhiên thế ? Tôi phải tự suy ngẫm và tự trả lời thôi:
“Đó chỉ có thể là thành tựu mặt trái của nền giáo dục của đất nước qua mấy chục năm qua gặt hái được mà thôi !”.
Điều này thể hiện ít nhất ra ở hai khía cạnh :
Giảng viên giảng bài thiếu hấp dẫn. Nguyên nhân thì nhiều. Chắc muốn khắc phục cần phải có luật về tiêu chí người thầy và cơ chế đồng bộ để “Thầy ra thầy” !
Cá nhân từng học sinh, sinh viên không phải ai cũng nhận ra mục tiêu học tập rõ ràng cho từng người. Họ đến lớp để làm gì ? Chỉ đơn giản là phải đến lớp khi đi học hay đi để học. Ở những người phải đến lớp thì dễ buồn ngủ là điều đương nhiên. Họ đến lớp với tâm lý bị buộc phải đến : Họ bị học nên cũng bị nghe.
Với những người thực sự có nhu cầu nhặt nhạnh kiến thức thì khác. Họ tự giác , vui vẻ đến lớp và chú ý lắng nghe. Họ chủ động nghe. Với tâm trạng chủ động thì dù giảng viên nói có làm cho họ không hiểu ngay hay thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn chủ động đến với kiến thức bằng cách ghi lại tên gọi nội dung của vấn đề chưa hoặc không hiểu để rồi ra về sẽ tự đọc sách, trao đổi với bạn bè hay sẽ hỏi trực tiếp người giảng để nắm được vấn đề.
Hai thái độ học tập, hai kết quả.
Nhiều người than buồn ngủ khi nghe giảng trên lớp phản ảnh yếu kém của cả thầy và trò trong nền giáo dục của đất nước hiện nay.
Mặt khác, người nghe có nhân cách thì trước tình hình ấy cũng nên tự thấy không được tôn trọng hoặc bị coi thường. Cả hai trường hợp giảng kiểu múa may bỡn cợt, thâm chí văng tục và hứng thú nghe kiểu giảng này thì cả người giảng và người nghe đều chưa có khái niệm mấy chữ nhân cách và liêm sỉ.
Trước đây khoảng 20 năm, có một giảng viên ở một trường đại học danh tiếng nọ kể cho tôi nghe rằng anh ấy nghe nói là sinh viên lớp X. Khoa Z. này bỏ lớp ghê lắm. Đến khi anh ấy đứng lớp thì thấy lớp rất đông. Giờ giải lao anh ấy mới hỏi mấy cậu sinh viên xúm lại trao đổi quanh vấn đề vừa giảng. Anh hỏi: “Nghe nói lớp này bỏ lớp kinh khủng lắm. Sao hôm nay lớp đông thế ? Một sinh viên cười toe và trả lời ngay : “ Bỏ lớp thầy giảng thì…uổng ạ”. Ra thế.
&
Qua cái clip “Thầy giáo văng tục” một lần nữa cho thấy khiếm khuyết “không thể tranh cãi” của nền giáo dục hiện nay ở nước ta .Còn với diễn viên chính trong clip (và những đồng sự ngoài đời nếu có ), người viết bài này chỉ xin nhắn gửi câu ca dao nhái cho hợp sự việc này :
“Chim khôn hót tiếng rảnh rang,
Thầy khôn dẫn giảng đàng hoàng mà vui”.
Tp.HCM, 14.3.2012