Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những bí ẩn ở Nam Lào

(14:40:12 PM 16/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Với đất đai rộng lớn, dân cư thưa thớt, rừng xanh bao la, mỗi thắng cảnh ở Lào thường được gắn với những tích truyện về thần thánh linh thiêng truyền miệng trong nhân gian. Hành trình đến Nam Lào, chúng tôi quyết định tìm đến những vẻ đẹp của chốn linh thiêng ấy.

Wat Phou – ngôi đền ngàn năm tuổi trên núi Voi. Ảnh: Nguyễn Đình 

 

Từ khi cửa khẩu quốc tế Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum khai thông nối liền với tỉnh Atapu của đất bạn Lào, đường đến miền Nam Lào trở nên gần gũi hơn. Từ bản biên giới Phoukeua theo chuyến xe khách đón từ Buôn Ma Thuột khởi hành sáng sớm mỗi ngày vào những cung đường mới, với gần 500km qua dãy Trường Sơn tiến sâu vào đất Lào. Đến thành phố Pakse – trung tâm thương mại, kinh tế, văn hoá của bốn tỉnh Nam Lào và là thủ phủ của tỉnh Champasak.

 

Ngôi đền trên núi Voi

 

Bỏ lại những nhộn nhịp của một Pakse sầm uất, tôi tìm đến một ngôi đền nổi tiếng và lâu đời nhất trong tất cả các đền chùa trên đất Lào. Đó là Wat Phou – ngôi đền thiêng trên núi Voi được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 6 – 8, một trong những đền thiêng nhất của các vương triều Khmer trước khi người Khmer di chuyển về phía Nam xây dựng Angkor Wat nổi tiếng.

 

Wat Phou toạ lạc ở lưng chừng núi, mang đậm phong cách Hindu giáo với những nét điêu khắc rất tinh xảo trên nền đá sa thạch. Vị thần Shiva cùng người vợ là nữ thần Uma xinh đẹp được điêu khắc trên mái đền – dấu tích cho thấy đền được xây để thờ thần Shiva, một vị thần cao cả trong Hindu giáo. Mọi người biết đến vẻ đẹp trầm lắng của Wat Phou, nhất là từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới 2001. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng, thời kỳ Angkor có một con đường bộ nối liền từ Wat Phou đến Angkor.

 

Độc đáo nhất là cụm tượng ba vị thần cao cả nhất trong Hindu giáo là Vishnu, Shiva và Brahma được tạc thẳng vào vách núi ngay sau đền, vẫn còn nguyên vẹn. Không xa ngôi đền, một tảng đá tạc hình Voi định danh cho núi vẫn uy nghiêm từ ngàn năm qua. Từ tín ngưỡng ban đầu thuộc Hindu giáo, sau với sự giao thoa tôn giáo, đền dần biến thành ngôi chùa thờ Phật từ thế kỷ 13 cho đến ngày nay.

 

Độc đáo Phou Asa

 

Nam Lào còn có một đền thiêng khác toạ lạc trên đỉnh núi cao thuộc huyện Phatoumphone trong rừng phòng hộ quốc gia Xe Pain, cũng trên tỉnh lộ 13 cách trung tâm Pakse khoảng một giờ xe chạy, ngôi đền ấy có tên Phou Asa.

 

Điểm độc đáo của Phou Asa chính là những trụ đá xếp liên hoàn thành những cây nấm lớn như tường rào bao quanh đỉnh núi, trong khu tường rào là tháp Phật lớn và một ngôi đền cũng được dựng lên từ các phiến đá xếp và không sử dụng chất kết dính.

 

Nếu như Wat Phou hấp dẫn bởi sự đồ sộ, tinh tế trong kiến trúc và điêu khắc mang phong cách Hindu giáo thì Phou Asa đơn giản hơn, không có điêu khắc trang trí, nhưng thể hiện sự kỳ công trong sắp xếp để hình thành nên từng trụ đá khổng lồ. Đây là một bí ẩn khảo cổ chưa giải mã, không hiểu vì sao lại có kiến trúc xây dựng đá xếp kỳ lạ như vậy.

 

Sự tích Phou Asa gắn liền với cuộc khởi nghĩa của nông dân vùng Champasak chống lại các lãnh chúa trong vùng, ngôi đền Phou Asa chính là nơi vị sư Sa tập hợp dân chúng, rèn luyện võ nghệ, để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa (diễn ra năm 1815), do vậy người dân vùng Nam Lào gọi tên ngôi đền là Phou Asa, nghĩa là núi ông Sa.

 

Cây đa mọc ngược

 

Nam Lào còn có một danh thắng nổi tiếng khác là thác nước Khon Phapheng, mệnh danh là hòn ngọc của Mekong là Niagara của châu Á. Thác nước có chiều dài hơn 10km dọc theo dòng chảy của sông Mekong giáp ranh với tỉnh Stung Streng của Campuchia. Khon Phapheng từng là một thử thách lớn với người Pháp khi muốn làm cuộc chinh phục bằng thuyền theo dòng Mekong ở thế kỷ 19, nhưng đều gặp thất bại.

 

Phía trên đỉnh thác có một cây đa cổ thụ mọc dính trên vách đá. Người dẫn đường lý giải ngày xưa, đường vào thác rất gian nan, nên mùa mưa – cũng là mùa cây đa xanh tốt, hầu như không ai đến được chân thác. Khi mùa khô tới, nhiều người dân đến đánh bắt cá, thấy cây đa rụng trụi lá, cành xác xơ, giống như chỉa rễ lên trời nên họ nói rằng đó là cây đa mọc ngược, lá cành nằm sâu trong lòng thác.

Nguyễn Đình (SGTT)