Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phát hiện 17 đạo sắc phong Thành Hoàng ở thành Vinh, Nghệ An
Trong số 17 sắc phong này, có 2 sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng, 2 săc niên hiệu Thành Thái, 3 sắc niên hiệu Duy Tân, 9 sắc niên hiệu Khải Định và 1 sắc phong mang niên hiệu Bảo Đại. Các sắc phong này đều phong cho các vị thần thành hoàng được thờ ở các đền miếu trên đất thành phố Vinh, song do chiến tranh đã được đem về lưu giữ tại đền Hồng Sơn và được bảo quản cho đến tận ngày nay. Đặc biệt là trong số 17 đạo sắc này có 4 đạo sắc phong cho 2 vị thành hoàng có công khai khẩn ra vùng đất thành phố Vinh ngày nay đó là 2 cha con Nguyễn Viết Nhung và Nguyễn Viết Phú.
Theo gia phả họ Nguyễn Yên Trường thì Nguyễn Viết Nhung là hậu duệ đời thứ 4 của Phượng Quận công Nguyễn Địch Sầm, là cháu đời thứ 23 của khởi tổ Nguyễn Bặc đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Quê gốc của Nguyễn Viết Nhung thuộc làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Ông sinh năm Mậu Dần (1578) vào đời Lê Thế Tông.
Năm 1593, cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc kết thúc, phần chiến thắng thuộc về chính quyền Lê Trịnh. Vua Lê Thế Tông đã rời Yên Trường – kinh đô kháng chiến Vạn Lại, Thọ Xuân – Thanh Hóa về Thăng Long. Gia đình ông cũng theo vua xa giá về kinh, lúc này ông đã tròn 16 tuổi. Mặc dù được sống với gia đình ở Thăng Long, có điều kiện theo nghiệp đèn sách song ông không theo con đường hoan lộ, công danh như các thế hệ cha ông mà chọn con đường lập nghiệp ở vùng đất mới – nơi miền xa xôi của cực Nam đất nước.
Rời kinh đô Thăng Long, tạm biệt cố hương vùng đất Gia Miêu – nơi chôn rau cắt rốn, Nguyễn Viết Nhung đã đi về phương Nam. Đến Nghệ An, với con mắt tinh tường của một đấng nam nhi ông đã phát hiện ra vùng đất Vĩnh Yên thực sự là một vùng đất hứa có hình thế tươi sáng, rông rãi, bằng phẳng, …nên quyết dừng chân lưu lại nơi đây và đã khai cơ lập ấp, xây dựng xóm làng và lấy tên là Yên Trường để tưởng nhớ quê hương ông ở Thanh Hóa.
Nguyễn Viết Nhung mất ngày 10 tháng 4 đời vua Thần Tông, niên hiệu Thịnh Đức (1653 – 1658), thọ 80 tuổi. Sau khi mất, dân làng vô cùng thương tiếc đã tôn ông thành Thành Hoàng của làng và lập đền thờ phụng tại các làng mà ông từng có công khai phá như: làng Trung Mỹ, Nam Khang, Đông Yên…
Nguyễn Viết Phú là con trai thứ 2 của Nguyễn Viết Nhung hiệu là Đa Văn. Ông sinh vào đời vua Lê Kính Tông (1601 – 1619). Lúc nhỏ là người thông minh, học giỏi, có chí hơn người. Hai mươi tuổi ông đỗ Hương cống, đến năm 1635 đời Lê Thần Tông trúng Tam trường trong kỳ thi hội. Sau đó ông được triều đình bổ nhiệm làm quan ở đạo Kinh Bắc, giữ chức hình phó Hiến Sát sứ và hiệp sát Phó sứ được phong tước nam (Quế Lĩnh nam). Đến năm 70 tuổi, ông nghỉ hưu và trở về quê hương an dưỡng tuổi già.
Trong thời gian an trí tuổi già ở quê hương, tiếp tục sự nghiệp của cha mình, ông đã củng cố mở mang quê hương ngày càng trở nên thịnh vượng, trù phú. Sau khi ông qua đời, vì có công lớn với đất nước với dân. Nguyễn Viết Phú đã được nhân dân lập đền thờ phụng.
Dưới đây là nội dung của 2 trong 4 đạo sắc phong cho 4 vị thành hoàng đất Vinh mà chúng tôi phiên âm và dịch nghĩa để độc giả tham khảo:
Phiên âm: "Sắc Nghệ An tỉnh, Nghi Lộc Huyện, Yên Trường xã, Trung Mỹ thôn phụng sự: Bản Cảnh thành hoàng Lê triều Hiến sát sứ Nguyễn phủ quân chi thần. Nậm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn nhưng cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai! Thành Thái lục niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật."
Dịch nghĩa: "Sắc ban cho thôn Trung Mỹ, xã Yên Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An phụng thờ vị thần là: Bản cảnh Thành hoàng Lê triều hiến sát Phó sứ Nguyễn phủ quân. Thần đã tỏ ra linh ứng, từ trước chưa được phong thưởng. Nay ta vâng theo mệnh lớn, nhớ tới công ao của thần. Đáng phong là: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Cho phép thờ phụng như cũ. Thần hãy giúp đỡ và che chở cho dân ta. Kính noi theo! Ngày 15 tháng 9 năm Thành Thái thứ 6 (1894)."
Phiên âm: "Sắc chỉ, Nghệ An tỉnh, Hưng Nguyên phủ, Yên Trường xã,Trung Mỹ thôn. Tòng tiền phụng sự nguyên tặng dực bảo trung hưng linh phù bản cảnh thành hoàng báo ứng tôn thần hộ quốc tý dânniệm trứ linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân gia tặng Đôn ngưng tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự dung chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật."
Dịch nghĩa: "Sắc ban cho thôn Trung Mỹ, xã Yên Trường, phủ Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, từ trước đã phụng thờ vị: Nguyên Tặng: Dực bảo trung hưng Linh phù Bản cảnh Thành Hoàng Báo ứng tôn thần.Thần đã từng được ban cấp sắc phong, cho phép thờ cúng. Nat đúng dịp trẫm tròn 40 tuổi, nhân ban chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, theo lễ nâng bậc, thần xứng đáng gia tặng: Đôn Ngưng Tôn Thần. Đặc biệt cho phép thờ cúng. Chép vào từ điển, để ghi nhớ như ngày quốc khánh. Hãy kính noi theo!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)".
Việc phát hiện 17 sắc phong liên quan đến các vị thần được thờ tại các đền miếu trên địa bàn thành phố Vinh là một kho tư liệu vô cùng quý báu góp phần vào công tác nghiên cứu tìm hiểu lịch sử hình thành phát triển của thành phố Vinh và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lâu đời của cha ông.
Tinmoitruong.vn giới thiệu với bạn đọc hình ảnh một số đạo sắc tiêu biểu vừa sưu tầm được tại đền Hồng Sơn:
Sắc phong niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924).
Sắc Cảnh Hưng tứ thập tứ niên (1783).
Sắc phong niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 (1909).
Sắc phong niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940).
Nội dung sắc ghi chép về 2 vị thành hoàng đất Vinh.
Cán bộ Ban quản lý Di tích đang tìm hiểu đạo sắc.