Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
10 năm nữa Việt Nam vẫn chữa cháy rừng bằng tay
(20:49:01 PM 15/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Đến năm 2020, Việt Nam vẫn chưa có điều kiện để chữa cháy rừng bằng máy bay mà chỉ có thể thực hiện "4 tại chỗ" chủ yếu bằng thủ công.
Ngày 14/3, trao đổi với báo chí tại cuộc họp giới thiệu việc thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Phó tổng cục trưởng Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho biết, thiết bị phòng chống cháy rừng của Việt Nam rất lạc hậu, không có phương tiện hiện đại lẫn lực lượng chuyên trách. Lực lượng kiểm lâm đang phải kiêm nhiệm công việc chữa cháy.
Theo ông Tuấn, ở khu vực Nam Bộ, do đặc điểm địa hình nên phương châm 4 tại chỗ thực hiện tương đối tốt và có thể yên tâm về hiệu quả chữa cháy. Song, ở miền núi phía Bắc chỉ có thế dùng phương pháp thủ công. "Với phương tiện hiện nay, nếu chúng ta huy động máy bay cũng không thể chữa cháy vì địa hình cao, gió quẩn, máy bay không thể hạ thấp để chữa cháy được", ông Tuấn khẳng định.
Nếu các đám cháy xảy ra ở vùng núi cao phía Bắc, việc chữa cháy gần như chỉ có thể thực hiện bằng tay. Ảnh dập lửa tại vụ cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên đầu tháng 3 vừa qua: Hà Thắng.
Cũng theo lãnh đạo ngành Lâm nghiệp, đầu tư chữa cháy trên không đòi hỏi kinh phí rất lớn bởi để thực hiện việc tác nghiệp chữa cháy cần 3 phi đội bay, mỗi phi đội 5 máy bay.
"Để cân đối giữa đầu tư và hiệu quả thì phải cân nhắc. Đến 2020 chúng ta vẫn chưa có điều kiện kinh tế để thực hiện phòng chống cháy rừng như Mỹ, Australia nên vẫn phương châm vẫn là 4 tại chỗ", ông Tuấn nói.
Gần đây nhất, vụ cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) đã thiêu rụi gần 100 ha ha rừng. Vụ cháy ở địa hình núi cao gần 2.000 đã khiến các lực lượng chữa cháy mất tới 4 ngày để khống chế.
Theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, nhiệm vụ của ngành Lâm nghiệp là bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; mục tiêu là nâng độ che phủ rừng lên 44 - 45% vào năm 2020; tăng năng suất, chất lượng và giá trị của rừng; cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; đáp ứng cơ bản nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân có cuộc sống gắn với nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng.