Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khó phân biệt thịt heo nhiễm chất cấm

(14:15:30 PM 15/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Hôm qua 14-3, tại hội nghị tổng kết năm 2011 chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Cục ATVSTP cho biết cơ quan này đang tăng cường kiểm tra các “điểm nóng” liên quan đến vấn đề ATVSTP…

 

Người tiêu dùng khó phân biệt đâu là heo nạc thật, đâu là nạc giả  - Ảnh: H.T.V.
 
Tăng cường kiểm tra từ trại nuôi đến quầy thịt
 
Sau khi có thông tin một số nhà kinh doanh thực phẩm sử dụng natri sunphat (Na2SO4) làm tươi thịt ôi thiu, theo Cục ATVSTP, cơ quan này đã mua mẫu tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội đem xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm quốc gia về ATVSTP. Theo ông Lâm Quốc Hùng - Cục ATVSTP, bản chất của Na2SO4 là tẩy rửa các chất ôi thiu, sau khi tẩy rửa miếng thịt sẽ trở lại bình thường, nhưng quy trình chế biến không rửa sạch được hóa chất Na2SO4 trên thịt có thể gây ức chế tiêu hóa cho người sử dụng, chưa kể nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ăn phải thịt đã biến chất.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến lo ngại tình hình thịt heo siêu nạc xuất hiện trên thị trường. Ông Trần Quang Trung, cục trưởng Cục ATVSTP, cho biết sẽ yêu cầu tổ công tác liên ngành về ATVSTP tăng cường giám sát thức ăn chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, thịt thương phẩm sau giết mổ và xác định lượng Na2SO4 trôi nổi ngoài thị trường có thể sử dụng vào mục đích làm tươi thịt. Theo Cục ATVSTP, năm 2011 cơ quan này đã kiểm tra trên 30 mẫu thịt heo chế biến tại TPHCM và Đồng Nai, nhưng chưa phát hiện chất tạo nạc trong thịt thành phẩm. Năm 2012, do tình hình sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa chất tạo nạc rộng rãi hơn, Cục ATVSTP có kế hoạch mở rộng địa bàn giám sát ra Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai.

Sẽ công khai tỉ lệ heo thịt chứa chất cấm
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-3, ông Hoàng Kim Giao, cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng việc phát hiện số lượng lớn chất cấm ở một tỉnh phía Nam vừa qua cũng như việc lấy mẫu (máu, nước tiểu) ở một số cơ sở chăn nuôi chỉ có tính chất địa phương, phạm vi hẹp nên chưa thể kết luận bao nhiêu phần trăm thịt bán ra thị trường có chất kích thích tăng nạc, giảm mỡ.
Theo ông Giao, để có kết luận chính xác, Cục Chăn nuôi cùng cơ quan chức năng các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu phân tích để sớm có kết luận công khai về tỉ lệ thịt heo trên thị trường nhiễm chất độc hại ra sao cho người tiêu dùng biết.
Ông Giao cũng cho biết từ hơn chục năm nay, VN đã cấm sử dụng các chất kích thích thuộc nhóm beta agonits, như chất salbutamol, clenbutarol và ractobamine (có tác dụng kích thích gia súc ăn nhiều, ngủ ít, tạo nạc, giảm mỡ…) trong chăn nuôi.
Làm sao để phát hiện được thịt heo có sử dụng chất cấm trên thị trường? Theo ông Giao, hiện đã có khá nhiều giống heo cho tỉ lệ nạc lên tới trên 60%, tỉ lệ mỡ rất ít. Vì thế, ra chợ nếu bằng mắt thường sẽ rất khó phát hiện và phân biệt đâu là thịt heo nạc thật, đâu là thịt heo nạc giả (dùng chất tạo nạc, giảm mỡ). Phải thật tinh ý mới thấy thịt heo sử dụng chất cấm sẽ có màu đỏ hơn bình thường.
 

 Người nuôi heo lỗ nặng

 

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết những ngày gần đây giá heo hơi liên tục giảm mạnh. Ngày 14-3, giá heo hơi tại Đồng Nai chỉ còn 42.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng nửa tháng. “Với giá heo như hiện tại, người nuôi heo đang bị lỗ nặng vì giá thành đang ở mức 48.000 đồng/kg” - ông Công nói.
 
Ông Công cho rằng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ nhưng đang ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ ngành nuôi heo. Do lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe nên nhiều người dân đã hạn chế sử dụng thịt heo khiến giá heo giảm mạnh. Theo ông Công, để đảm bảo an toàn, người dân nên đến các cửa hàng có uy tín, thương hiệu để mua vì những nơi này thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát tốt hơn.

 

 

 

Phát hiện chất cấm trong thực phẩm chức năng
 
Trong năm 2011, Cục ATVSTP đã lấy 278 mẫu thực phẩm chức năng để kiểm tra và phát hiện ba mẫu chứa chất cấm sử dụng hoặc ngụy tạo tân dược vào thực phẩm chức năng, gồm sibutramin trong thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, sildenafil trong thực phẩm chức năng hỗ trợ nam giới yếu sinh lý và pyroxicam trong thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị cơ xương khớp, giảm đau. Theo Cục ATVSTP, hiện sibutramin bị cấm sử dụng do có tác dụng bất lợi lên hệ tim mạch.

 

LAN ANH - ĐỨC BÌNH (Tuổi trẻ)