Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hiện các cơ quan thú y, quản lý thị trường không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành đang dậy lên “phong trào” truy tìm xử lý nơi sử dụng chất cấm... Tuy nhiên đây cũng sẽ là “phong trào” nếu như không có sự phối hợp quản lý từ gốc, khi chất mà Bộ NNPTNT cấm trong chăn nuôi thì Bộ Y tế lại cho dùng trên người...
Hàng sạch “tơi tả”
Đồng Nai được xem là “vương quốc” heo bởi tỉnh này có tổng đàn heo tới trên 1,2 triệu con, lớn nhất nhì nước, trong đó có khoảng 50% nuôi theo hình thức trang trại, 50% nuôi nhỏ lẻ. Liên tiếp từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tỉnh này phát hiện tồn dư chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi heo như việc phát hiện 6/6 mẫu thịt đều dương tính với chất cấm tại huyện Thống Nhất ngày 8.2.2012.
Mới đây, ngày 12.3.2012, Chi cục QLTT Đồng Nai lại phát hiện có ít nhất 2,5 tấn chất tạo nạc thành phẩm dùng trong chăn nuôi đang để trong kho tại Cty TNHH Nhân Lộc (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) và đã đưa đi kiểm nghiệm để xác định có chất cấm hay không (chủ DN khẳng định không có chất cấm nhóm beta agonist trong các chất dinh dưỡng nói trên)...
Tất cả đã khiến dư luận “dậy sóng” và các bà nội trợ khắp nơi hoảng hồn, khiến Bộ NNPTNT mới đây đã phải “trấn an” rằng, kết quả giám sát mà bộ vừa công bố 43% số mẫu nước tiểu, 26% số mẫu thịt được kiểm tra phát hiện chất cấm gốc beta agonist chỉ thực hiện tại một số tỉnh miền Nam, nên chưa thể kết luận 30-40% lượng thịt lợn trong nước bị nhiễm các chất tăng nạc.
Tuy nhiên người chăn nuôi và các nhà sản xuất đàng hoàng đã chịu thiệt. Bỏ tiền ra mua giống heo siêu nạc đắt hơn giống thường, nhưng giá heo hơi mà Cty CP chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom) bán được đã sụt 6 - 7 triệu đồng/tấn so với trước khi rộ lên việc kinh doanh heo siêu nạc từ chất cấm.
Nuôi heo tập trung, trang trại cũng là giải pháp dễ dàng kiểm soát đầu ra. Ảnh: Ngô Nguyên |
Bỏ hơn 100 tỉ đồng đầu tư 3 dây chuyền sản xuất theo công nghệ Châu Âu, là nhà máy chế biến thịt sạch hiện đại nhất Châu Á, liên kết với các đơn vị thành viên để khép kín quy trình cho ra thịt sạch, nạc, tươi từ “A tới Z” nhưng do không “đấu” nổi với thịt trôi nổi và sự hoảng hốt của các bà nội trợ, 1 ngày nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F chỉ giết mổ được bình quân khoảng 80 con heo, trong khi công suất 1 ca làm việc tới 600 con.
“Phong trào” tăng cường kiểm tra
Trước bức xúc, mới đây Sở NNPTNT Đồng Nai đã có ngay buổi họp bàn về giải pháp quản lý chăn nuôi giết mổ trên địa bàn tỉnh. Và ngành thú y đưa giải pháp kết hợp giữa kiểm dịch trước khi xuất chuồng và lấy mẫu nước tiểu của heo để kiểm tra nhanh xem có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hay không.
Trường hợp xét nghiệm phát hiện heo có dùng chất cấm, cơ quan chức năng sẽ phối hợp cùng địa phương giữ lại đàn heo để kiểm tra định lượng mức độ sử dụng chất cấm nhằm xử lý đúng quy định pháp luật. Thú ý cũng cần phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường truy cho được nguồn gốc của thuốc cấm trong chăn nuôi đưa vào địa bàn Đồng Nai để có biện pháp quản lý chặt ngay từ gốc.
Còn Chi cục Thú y TPHCM sắp tới sẽ sử dụng thiết bị kiểm tra nhanh để phát hiện heo có tồn dư hóa chất cấm hay không. Theo đánh giá, đây sẽ là bước đột phá trong việc kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trước hết sẽ áp dụng ở TPHCM và 13 tỉnh liên kết với TPHCM.
Quản từ gốc
Trong chăn nuôi, 3 chất ractopamine, clenbuterol và salbutamol thường sử dụng để kích thích tạo nạc cho heo. Các chất này để tồn dư trên thịt sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng nên Bộ NNPTNT đã cấm việc sử dụng 3 chất trên. Nhưng không chỉ năm nay, năm nào cũng vậy, cơ quan chức năng đều phát hiện có dư lượng các chất này và năm nào cũng thấy “rộ” giải pháp.
Năm nay, việc thú y Đồng Nai và TPHCM dùng công nghệ mới để kiểm tra tại chuồng, kiểm tra thịt trước khi ra thị trường là giải pháp cần nhưng chưa đủ, bởi đơn giản, lực lượng thú y không thể rải đủ hàng ngàn trại, chuồng nuôi heo để “xét nghiệm” từng con tìm ra độc chất.
Vấn đề phải liên, kết nhiều bộ ngành liên quan thống nhất giải pháp chung. Bởi 2 chất mà Bộ NNPTNT cấm trong chăn nuôi là clenbuterol và salbutamol thì Bộ Y tế lại cho phép dùng trong chữa bệnh người, nên bán đầy các nơi (salbutamol và clenbuterol dùng làm thuốc điều trị hen suyễn) và không khó nếu người nuôi heo mua về trộn vào thức ăn.
Nếu giữa 2 bộ NNPTNT và Y tế phối hợp giải pháp, ví như trong ngành y tế, siết chặt việc bán thuốc theo đơn thuốc bác sĩ và ngành nông nghiệp dẹp nuôi heo nhỏ lẻ, tăng heo trang trại để dễ về kiểm chặt đầu ra v.v... và áp dụng biện pháp mạnh đóng cửa, truy tố thì mới hy vọng hạn chế được độc chất chui vào cơ thể người từ... thức ăn!