(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Người tiêu dùng hiện đang hoang mang trước thông tin chất cấm được sử dụng để tạo lợn siêu nạc. Giám sát của cục Thú y tại một số tỉnh phía Nam cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu được lấy tại các trang trại chăn nuôi cho kết quả dương tính với nhóm β-agonist, 26% mẫu thịt được lấy tại các lò mổ có chất cấm này. Bài viết này cung cấp thông tin khoa học về chất thổi lợn siêu nạc.
Các chất dùng để thổi lợn siêu nạc như Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu.
Chất cấm sử dụng để tạo lợn siêu nạc
β-agonists là nhóm các hormone tự nhiên, có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose.
Theo tài liệu khoa học, họ β-agonist gồm 2 nhóm. Nhóm β1-agonist: như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine... có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính. Nhóm β2-agonist: như Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Epinephrine... làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính.
Trong Thú y, chỉ được phép dùng Clebuterol để điều trị bệnh viêm phế quản ở ngựa, bê và trong bệnh sản khoa của bò cái.
Bên cạch các tác dụng trên, β-agonists được chứng minh là chất chuyển đổi khá hiệu quả, làm giảm lượng mỡ của cơ thể, kích thích phát triển cơ ở gia súc (lợn, cừu) và gia cầm, khi đó người ta phải dùng β-agonists gấp 5-10 lần điều trị.
Việc sử dụng các loại β-agonists bổ sung trong thức ăn gia súc để làm tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ và đẹp hơn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, đặc biệt ở những nước đang phát triển.
Trong những chất thuộc nhóm β-agonists thì Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở VN và hầu hết các nước trên thế giới. Trong các loại β-agonist sử dụng trái phép trong chăn nuôi thì phổ biến hơn cả là Salbutamol.
Tồn dư lâu dù đã qua chế biến
Nếu người tiêu dùng ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư β-agonist sẽ bị ngộ độc, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
PGS.TS. Dương Thanh Liêm, Khoa chăn nuôi Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết các chất kích thích này là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Cũng theo các nhà khoa học, Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ.
|
β-agonist sử dụng thúc lợn siêu nạc gây nhiều tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa |
TS. Liêm cảnh báo, nếu ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị tác động tức thời với các triệu ngộ độc như run cơ, tim đập rất nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày. Rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch. Ở Trung Quốc trước đây đã sử dụng chất này gây ngộ độc, hàng trăm người phải nhập viện.
Với nhóm chất kích thích trọng lượng heo còn khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, và có thể làm rối loạn giới tính đối với thai nhi ở những phụ nữ đang mang thai. Đối với đàn ông có thể bị u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch dịch hoàn, dung tích, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục, một trạng thái bệnh giống như đồng tính, hay các chứng bệnh về thần kinh, dễ chán nản, phiền muộn, suy yếu nhận thức, hại tuyến yên, hại tuyến vú, suy yếu hệ thống kháng thể...
Nhận biết triệu chứng và xử lý
Theo báo ANTĐ, biểu hiện khi ngộ độc ractopamine và clenbuterol trong nhóm β-agonist gồm: lo lắng bất an, rối loạn nhịp tim, ù tai, tim đập quá nhanh, cơ mặt và các chi run rõ rệt, đau cơ, buồn nôn, huyết áp tăng cao, trong trường hợp nặng có thể hôn mê. Thời gian ủ bệnh từ 30 phút-2 giờ, tùy lượng thịt ăn phải.
Khi xác định đã ăn phải thịt siêu nạc có độc chất, việc đầu tiên nên làm là uống nhiều nước để chất độc được đào thải ra ngoài, sau đó đến bệnh viện để được chỉ định biện pháp điều trị tiếp theo. Cấp cứu tại nhà như sau:
- Rửa dạ dày bằng dung dịch thuốc tím tỷ lệ 1:5000 hoặc axit tannic 1%.
- Dùng 40-60ml thuốc nhuận tràng magnesium sulfate để kích thích đi ngoài.
- Uống thuốc đối kháng atenol (altenolol) 12,5-25mg, mỗi ngày 3 lần để ngăn tình trạng loạn nhịp tim, sau khi nhịp tim đã ổn định đổi thành liều 12,5mg, mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 3 ngày. Có thể dùng propranolol (không áp dụng với bệnh nhân hen suyễn hoặc có tiền sử phổi tắc nghẽn), mỗi lần 10-30mg, ngày 3 lần liên tục trong 3 ngày.
- Truyền tĩnh mạch 1000ml truyền tĩnh mạch muối đẳng trương có glucose được bổ sung vitaminC 1,0gram.
Thịt lợn đã nhiễm chất độc khó đào thải
Nhiều người đề xuất, yêu cầu các cơ sở giết mổ lưu giữ lại đàn lợn có chất cấm từ 7-10 ngày nuôi đào thải, sau đó cho phép lưu thông giết mổ trở lại. Song, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, với những con lợn đã phát hiện chất cấm Beta-Agonits nên tiêu hủy 100%. "Nếu cho phép đưa về trang trại nuôi tiếp một thời gian rồi cho giết thịt trở lại, chúng ta đã vô tình đồng ý với hành động cho phép sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Quan điểm của tôi, nên tiêu hủy toàn bộ những con lợn có chất cấm".