Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đường Phạm Văn Đồng luôn trong tình trạng bụi mù mịt. Ảnh: Thu Giang |
Chất lượng cuộc sống ở Hà Nội đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm gia tăng và bao vây người dân từ mọi phía.
Khí thải đầu độc hệ hô hấp
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70 phần trăm.
Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi trung bình 1 giờ tại nhiều tuyến đường khoảng 0,5 mg/m3, trong đó khoảng 60phần trăm số kết quả vượt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và 25 phần trăm vượt TCVN trên 2 lần.
Tại Hà Nội, quỹ đất dành cho giao thông nội thành chỉ chiếm gần 7 phần trăm diện tích đất đô thị (TP Hồ Chí Minh là 13,42 phần trăm), trong khi ở các nước phát triển, quỹ đất dành cho giao thông thường từ 20 đến 25 phần trăm.
Hơn nữa, mạng lưới đường bộ phân bố không đồng đều làm gia tăng mạnh lượng khí độc hại như CO, SO2, NO2, HmCn cùng các hợp chất chứa bụi, chì, khói và tiếng ồn.
Hệ thống giao thông đô thị hiện nay còn nhiều hạn chế do có quá nhiều nút giao thông (580 nút) và hầu hết là nút đồng mức, gồm 279 ngã ba, 282 ngã tư, 17 ngã năm và 1 ngã bảy.
Cường độ dòng xe lớn (1.800-3.600 xe/giờ), đường hẹp, chất lượng kém, nhiều nút giao, phân luồng hạn chế, các loại xe đi lẫn lộn, luôn phải thay đổi tốc độ, dừng lâu.
Số lượng phương tiện cơ giới đường bộ ở Thủ đô lớn thứ 2 trên cả nước, lại có tốc độ gia tăng rất cao, ước tính, tổng lượng ô tô, xe máy của Hà Nội sẽ là hơn 2,9 triệu chiếc vào năm 2010 và hơn 7,1 triệu chiếc đến năm 2020. Do vậy, khả năng phát thải khí ô nhiễm rất lớn.
Tại các đô thị, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí, nhất là phát thải khí SO2. Khí thải ô nhiễm phát sinh từ nhà máy, xí nghiệp chủ yếu do quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch như than và dầu.
Đặc biệt, chất lượng nhiên liệu của nước ta chưa tốt so với các nước trong khu vực, cụ thể là hàm lượng benzen trong xăng quá cao (5phần trăm so với 1phần trăm), hàm lượng lưu huỳnh trong diesel cao (0,25phần trăm so với 0,05phần trăm).
Theo Bộ Y tế, các bệnh có tỷ lệ người mắc cao nhất trong phạm vi toàn quốc đều là bệnh liên quan đến đường hô hấp. Cụ thể viêm phổi tỷ lệ mắc là 4,16phần trăm, viêm họng và viêm amidan cấp 3,09phần trăm, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp 3,05phần trăm. Tại những khu vực có lưu lượng xe qua lại và là công trường xây dựng như Pháp Vân, Ngã Tư Sở, Đại Cồ Việt... mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần. Bất kỳ ai đứng ở đây lâu sẽ cảm thấy tức ngực, khó thở, cay mắt...
Chống bụi, nhiệm vụ bất khả thi?
Ô nhiễm do khí thải thường khó nhìn thấy và tác hại của nó cũng khó nhận ra. Trong khi đó, ô nhiễm do bụi lại có thể quan sát bằng mắt và nó gây ra sự khó chịu ngay cho mắt, hệ hô hấp trên. Tại các đô thị, không thể không nhắc đến ô nhiễm do bụi.
Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, hoạt động xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội đô thị, bao gồm cả xây dựng công trình cấp thoát nước, giao thông, nhà ở... tại Hà Nội gia tăng cả về quy mô và thời gian.
Mặc dù thành phố đã có Quyết định 02 quy định cụ thể về che chắn bụi tại công trình xây dựng và phương tiện chở nguyên vật liệu, nhưng việc phát tán bụi từ hoạt động này vẫn là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể.
Theo thống kê, năm 2006, Hà Nội có hơn 1,6 triệu mét vuông nhà xây mới. Diện tích nhà ở do nhân dân tự xây dựng chiếm khoảng 30phần trăm tổng diện tích. Những công trình lớn mọc lên như nấm ở khắp nơi, từ khu phố trung tâm ra đến ngoại ô và cả vùng ven mới sáp nhập.
Dù cũng cố gắng thực hiện đúng quy định chống bụi nhưng những công trường vẫn gây bụi. Xe cộ qua lại công trường vẫn tha đất cát đi khắp nơi.
Việc giải quyết phế thải từ các công trình xây dựng còn rất kém. Đó là chưa kể đến tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng. Thành phố cũng đã tìm mọi cách chống lại tình trạng này nhưng xem ra hiệu quả chưa cao.
Điển hình như một số địa điểm chuyên bị đổ rác trộm đã được quy định thành nơi để tập kết rác có thu phí và vận chuyển đi bằng xe của công ty môi trường đô thị nhưng vẫn còn những tuyến phố mới sáng ra đã thấy chình ình đống phế thải.
Bản thân những nơi tập kết phế liệu này như ở gần chùa Láng, làng Nhân Chính... lại là thủ phạm gây bụi. Ô nhiễm bụi nặng nhất tại các điểm Đuôi Cá, đường đê sông Hồng (đoạn từ Yên Sở đến dốc Minh Khai), khu vực chân cầu Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng, đường Khuất Duy Tiến, ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng, ngã ba Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh...
Nguồn gây ô nhiễm bụi là nguồn dễ nhận biết và dễ quản lý hơn ô nhiễm khí thải do phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp. Ấy vậy mà sau mấy năm chống bụi, bụi vẫn chưa giảm. Phải chăng chống bụi là nhiệm vụ bất khả thi hay tại các lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm?
(Theo Hà Nội Mới)