Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dù nắng hay mưa, dù hè hay đông, ngôi làng này lúc nào cũng mịt mù như sương sớm. Đó là tình trạng đang xảy ra tại thôn Khánh Tân (xã Sài Sơn - Quốc Oai - Hà Nội) khi một nhà máy xi măng xây dựng từ năm 1958 nằm giữa lòng khu dân cư đang ngày đêm nhả khói, gây ô nhiễm nặng nề.
Nhà máy cách nhà dân một bờ tường
11h00 trưa, đứng tại trạm thu phí đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, nhìn về những ngọn núi phía chùa Thầy thấy xuất hiện cột khói trắng cuồn cuộn như vòi rồng đang bay lơ lửng sát những nóc nhà. Hỏi người dân mới biết, đó là khói từ Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn bốc lên. Một người dân nói: “Vào tận nơi mới thấy hãi hùng”.
Thôn Khánh Tân bị bao phủ bởi khói thải từ cơ sở sản xuất của Công ty Xi măng Sài Sơn |
Khi vào đến xóm 1 (thôn Khánh Tân), chúng tôi như không tin vào mắt mình. Dù trời nắng chang chang nhưng ngôi làng bị phủ màu trắng xóa. Tại khu vực ao làng - nơi người dân vẫn thường giặt giũ - có những thời điểm hai người đứng cách nhau chỉ 10m là đã không thể nhìn thấy mặt nhau.
Thấy chúng tôi trố mắt, chị Nguyễn Thị Thảo, 26 tuổi, cười bảo: “Khách lạ đến đây đều ngạc nhiên nhưng chúng tôi thì đã quen với cảnh tượng này lắm rồi. Biết là ô nhiễm nhưng không ở đây thì đi đâu?”. Theo chị, do tình trạng ô nhiễm lâu ngày nên Khánh Tân còn có tên là “xóm bụi”.
Ông Nguyễn Văn Đáng, 76 tuổi, đứng trước hiên nhà nhìn đám khói dày đặc, bốc mùi nồng nặc thở dài thườn thượt. Nhà ông là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do chỉ cách nhà máy một bờ tường. Ông kể: “Hiện còn đỡ chứ những ngày tháng 5, nắng nóng như đổ lửa mà khói bụi vẫn tràn ngập, ngôi nhà chẳng khác nào lò bát quái. Những ngày ấy, dù đóng chặt cửa, bịt kín các lỗ thông gió vẫn bị ảnh hưởng”.
Chị Dương Thị Tươi, ở xóm 2, cho biết ngôi nhà vừa xây xong chưa lâu nhưng những bức tường quét sơn trắng bóng đã bị bụi bám kín, đen sì. Dẫn chúng tôi lên tầng thượng, chị bảo bụi nhà máy bay vào có thể quét thành từng đống.
Không chỉ riêng Khánh Tân mà 2 thôn khác là Đa Phúc và Năm Trại cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ khói bụi do Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn thải ra nhưng với mức độ nhẹ hơn. Tổng số dân của ba xã này là 8.000 người. Hàng ngàn người dân đang ngày đêm phải chung sống với tử thần nhưng đến nay vẫn chưa cơ quan chức năng nào chịu vào cuộc.
50 năm sống trong ô nhiễm(?!)
Ông Đáng bảo: “Không chỉ đời tôi mà đời con, cháu tôi dường như cũng chưa có một ngày bình yên bởi nhà máy này chạy liên tục hết ngày này sang ngày khác”. Điều đáng nói là dù bị ảnh hưởng trực tiếp từ nhà máy nhưng đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa được hưởng một khoản bồi thường nào.
Theo ông Đáng, mỗi năm có 1 - 2 đoàn của huyện, thành phố về kiểm tra nguồn nước, đo lường không khí nhưng rồi đâu lại vào đấy, chẳng thấy có phản hồi gì. “Chỉ riêng tiếng ồn phát ra hằng ngày cũng đủ cho chúng tôi khốn khổ. Bữa cơm nuốt không trôi vì tiếng ồn và khí độc” - ông Đáng than thở.
Được biết, để giảm thiểu ô nhiễm, công ty đã có dự án xây dựng, cải tạo nâng cấp lò đứng thành lò quay tại cơ sở sản xuất ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ với số vốn đầu tư lên đến trên 400 tỷ đồng. Dự kiến, vào trung tuần tháng 9-2009, công ty sẽ chính thức chuyển lên đó hoạt động. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thụy, Chủ tịch UBND xã cho biết, Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn, tiền thân là Nhà máy Xi măng Sài Sơn, được xây dựng từ năm 1958. Nguyên nhân của tình trạng khói bụi là do công nghệ lò đứng của công ty hiện đã lạc hậu. Riêng hệ thống xử lý nước thải ông Thụy cho biết, năm 2007, công ty đã xây dựng hệ thống lọc nước để giảm một phần ô nhiễm.
Được biết, năm 2008, Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn đã có đơn trình UBND huyện Quốc Oai về việc triển khai việc quy hoạch bảo vệ môi trường huyện Quốc Oai theo bản đề cương Quy hoạch cụ thể do Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thực hiện. Tuy nhiên, không biết đến bao giờ việc này mới được thực hiện trong khi người dân vẫn đang mỗi ngày đối mặt với khói bụi.
Rời xã Sài Sơn, chúng tôi cứ bị ám ảnh trước hình ảnh những đứa trẻ còi cọc đang mải miết chơi đùa dưới những những tảng khói thải đặc sệt. Liệu tương lai của chúng sẽ ra sao khi cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn vẫn hoạt động ngày đêm giữa lòng dân cư?.
(Theo VnExpress)