(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Xung quanh phát minh “máy phát điện chạy bằng nước” của TS Nguyễn Chánh Khê, giới khoa học cho rằng, chất tham gia vào nước (tạm gọi là chất A) không phải là chất xúc tác như công bố của TS Khê mà đó chỉ là chất khử!
Tại cuộc hội thảo mới đây, TS Khê cũng đã thừa nhận “chất A tham gia phản ứng với vai trò là chất khử”. Dù các nhà khoa học tham gia hội thảo đề nghị TS Khê trình bày cơ sở khoa học của chất A nhưng ông đã từ chối vì cho rằng đó là “bí mật công nghệ”!
Việc thừa nhận “chất khử” và từ chối công bố cơ sở khoa học chất A của TS Khê khiến giới khoa học tranh luận về giá trị phát minh trên cũng như tính minh bạch trong khoa học. Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, chuyên gia nghiên cứu về vật lý hàng không không gian xung quanh chủ đề này.
Ông Hưng cho rằng có thể đâu đó trên thế giới, có những kết quả nghiên cứu mà vào thời điểm công bố, giới khoa học vẫn chưa đủ sức hiểu hoặc giải mã những giá trị đó. Tuy nhiên đã là nhà khoa học, nhà sáng chế, việc công bố những kết quả nghiên cứu, sáng chế, phát minh… phải đúng với bản chất khoa học.
Thưa giáo sư, có quy định nào bắt buộc nhà sáng chế phải công bố tính khoa học của sáng chế đó?
Chẳng có quy định nào bắt buộc cả, ít ra theo hiểu biết của tôi. Vấn đề là tinh thần khoa học và tính trung thực của tác giả, của nhà sáng chế, nhà khoa học ở mức độ nào. Mặt khác, sáng chế, nhất là cách trình bày trong công bố không thể vi phạm những nguyên lý căn bản của khoa học.
Trong phạm vi chế tạo máy, có hai nguyên lý cơ bản của nhiệt động học: nguyên lý thứ nhất còn gọi là nguyên lý bảo toàn năng lượng trong quá trình biến đổi và nguyên lý thứ hai xác định là entropy của quá trình biến đổi khép kín chỉ có hai khả năng, hoặc là tăng lên, hoặc giữ nguyên.
Người sáng chế không bắt buộc phải công bố tác phẩm của mình, nhưng khi công bố phải nắm vững nội hàm khoa học, nhất là phải hoàn toàn trung thực về nội dung công bố. Cũng có trường hợp người sáng chế không đủ trình độ khoa học để giải trình. Song sau khi đã có bằng sáng chế, bản quyền được xác nhận, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ vào cuộc giải thích khi nhận được những dữ kiện trung thực đến từ thí nghiệm.
Nhà sáng chế (và cơ quan tài trợ nhà sáng chế) có toàn quyền về thành quả công nghệ, thông thường chỉ công bố sau khi đảm bảo bản quyền, có bằng sáng chế. Nếu công bố trước khi đăng ký bản quyền, nhà khoa học có thể chỉ công bố những gì cần thiết có tính khoa học. Nói rõ hơn là nhà sáng chế có thể không cần thiết đưa ra những dữ kiện công nghệ như: thành phần hoá chất, vật liệu sử dụng, quy trình chế tạo… mà chỉ đưa ra những gì giải thích cho giới khoa học hiểu, và đánh giá được giá trị của công nghệ. Thông thường, những thông tin này không đủ để ai đó có thể chiếm lĩnh công nghệ nhưng đủ để thuyết phục giới khoa học cũng như các nhà tài trợ. Đây là nghệ thuật cần thiết khi công bố những nghiên cứu khoa học có công nghệ đi kèm.
Theo giáo sư, nhà sáng chế có thể từ chối công bố công nghệ nhưng phải công bố tính khoa học. Vậy giáo sư có cho rằng, khi công bố tính khoa học sẽ làm lộ công nghệ của nhà sáng chế đó?
Bản thân tôi đã từng công bố trên các phương tiện truyền thông quốc tế những thành quả nghiên cứu của mình có hợp đồng với các công ty công nghệ mà việc bảo vệ công nghệ là điều kiện đã được ký kết. Những công bố này chưa bao giờ để lộ bí quyết công nghệ nhưng đủ giá trị khoa học để thuyết phục giới khoa học về tính tiên phong của những thành quả nghiên cứu đó. Việc này là rất cần thiết trong môi trường cạnh tranh cả về khoa học lẫn công nghệ trên thế giới hiện nay.
Tính minh bạch trong khoa học được hiểu như thế nào, thưa giáo sư?
Nếu không có tính minh bạch thì không thể có khoa học. Bởi vậy, chỉ trong môi trường minh bạch và trung thực, khoa học mới phát triển và đạt được vai trò trọng yếu – động cơ của sự tiến bộ của xã hội loài người. Bất kỳ ở đâu trên thế giới, dư luận cũng có thể tham khảo được các công bố khoa học và trước khi công bố công trình phải được giới chuyên môn thẩm định. Như vậy chẳng những sự minh bạch trong nội dung công bố là cần thiết mà quy trình, công đoạn công bố nội dung ấy cũng phải minh bạch, rạch ròi. Ta đang sống trong thời kỳ mà nền văn minh đã trở thành phổ quát.
Nhà khoa học cần tôn trọng những yếu tố nào để giữ được tư cách khoa học và bản thân trước đồng nghiệp, dư luận?
Như tôi đã nói, yếu tố quan trọng nhất của một nhà khoa học là tính trung thực. Có thể nhà khoa học không nói hết được những gì đã làm nhưng không được nói dối hoặc đánh tráo sự kiện để người nghe hay đọc hiểu lầm. Nhà khoa học phải tôn trọng đồng nghiệp và công luận. Nhà khoa học phải trung thực nhắc đến người đi trước, khai phá đường đi cho công trình của mình, phải thành thật giải bày cùng đồng nghiệp khi có phản biện. Nhà khoa học cũng phải cẩn thận trong công bố, không háo danh hoặc khai thác tính giật gân của thành quả nghiên cứu khoa học để gây hoang mang trong dư luận.