Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đo đạc chất lượng không khí ở TP HCM – Không biết

(23:48:39 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Việc đo đạc chất lượng không khí ở TP HCM hiện nay chỉ thực hiện ở tầm thở - ngang lỗ mũi - của dân, chứ lên cao 10m chất lượng không khí thế nào thì không ai biết, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên&Môi trường, nói tại hội thảo nâng cao năng lực quản lý chất lượng không khí tại TP.HCM ngày 14/4.

Việc đo đạc chất lượng không khí ở TP HCM hiện nay chỉ thực hiện ở tầm thở - ngang lỗ mũi - của dân, chứ lên cao 10m chất lượng không khí thế nào thì không ai biết, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên&Môi trường, nói tại hội thảo nâng cao năng lực quản lý chất lượng không khí tại TP.HCM ngày 14/4.

 

Nhiều ý kiến cho rằng kết quả quan trắc không khí hằng quý, hằng năm do Chi cục Bảo vệ Môi trường TP HCM đưa ra là không đáng tin cậy, vì không phản ánh đúng chất lượng môi trường không khí thực sự.  

Chỗ ô nhiễm không đo

Hiện TP HCM có tổng cộng chín trạm quan trắc tự động chất lượng không khí với tần suất hoạt động 24/24 giờ và 14 trạm quan trắc ô nhiễm không khí giao thông định kỳ khác.

GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP), được Người Lao Động dẫn lời nhận xét: “Chỗ ô nhiễm không đo lại đo chỗ không ô nhiễm”.

 

Kỹ sư Nguyễn Thanh Huy – Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM - công bố kết quả, so với năm 2007, nồng độ CO đo được tại các trạm có xu hướng giảm. Cụ thể trạm Bình Chánh giảm 2,78 lần, trạm Sở Khoa học và công nghệ giảm 1,75 lần, trạm trên đường Hồng Bàng giảm 1,28 lần... Chỉ có trạm tại Bệnh viện Thống Nhất (Q.Tân Bình) là tăng 1,16 lần.

 

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường, so với tiêu chuẩn trung bình giờ, nồng độ CO đo được tại các trạm hoàn toàn đạt tiêu chuẩn cho phép (nồng độ CO trong một giờ là 30mg/m3). Tương tự, các chỉ tiêu về bụi, nồng độ ozon, NO2, SO2, chì cũng có xu hướng giảm và không vượt tiêu chuẩn cho phép.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, trong năm 2008 lượng phương tiện lưu thông không ngừng tăng, số điểm đào đường và kẹt xe, công trình xây dựng cũng tăng lên nên về nguyên tắc, lượng phát thải ô nhiễm cũng phải tăng tương ứng. Chất lượng không khí đã thật sự được cải thiện như số liệu đo đạc?

 

Giải thích sự tréo ngoe này, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết một trong những nguyên nhân là do hầu hết các trạm quan trắc nằm ở các vị trí không bị ảnh hưởng của đào đường, kẹt xe nên các trọng điểm về ô nhiễm nằm “ngoài vùng phủ sóng”.

 

Mặt khác, trong năm 2008 mưa nhiều và kéo dài nên cũng làm chìm bớt lượng khói bụi độc hại lưu chuyển trong không khí chứ lượng phát thải không giảm. Riêng chỉ tiêu về chì trong không khí giảm, theo ông Tuấn, đây là điều đáng ghi nhận do từ năm 2007 nước ta đã có quy định cấm sử dụng xăng pha chì.

 

Đồng ý có nguyên nhân do khí thải phương tiện giao thông nhưng một số cử tọa cho rằng cần đánh giá đúng tội của khí thải từ sản xuất công nghiệp.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, chỉ riêng Nhà máy Điện Hiệp Phước (Nhà Bè) đã tiêu thụ lượng dầu diesel nhiều hơn tổng số phương tiện giao thông của TP.HCM cộng lại nhưng vì ống khói nhà máy này cao đến 140m nên không gây ô nhiễm tại chỗ mà bị thổi dạt sang tận Đồng Nai, Long An.

 

Thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường

 

Đề cập câu chuyện quản lý, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Viện phó Viện Kỹ thuật Nhiệt đới&Bảo vệ Môi trường - cho rằng Việt Nam không thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, nhất là môi trường không khí nhưng khi áp dụng vào thực tế thì mạnh ai nấy biết, mạnh ai nấy làm và không ai kiểm soát.

 

PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cũng nhắc lại: “Chiến lược quản lý bảo vệ môi trường đã được phê duyệt từ năm 2002 và TP.HCM có hẳn một ban chỉ đạo thực hiện chiến lược này do một phó chủ tịch UBND TP làm trưởng ban nhưng theo tôi biết đến nay ban này chưa họp lần nào”.

 

Người Lao Động dẫn theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên&Môi trường TPHCM), kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí tại TPHCM năm 2008 cho thấy có tới 89 phần trăm giá trị quan trắc không đạt tiêu chuẩn cho phép, tiếng ồn có 87 phần trăm giá trị không đạt; ô nhiễm không khí do NO2 cũng có tới 42 phần trăm giá trị không đạt tiêu chuẩn.

 

Mô tô, xe máy – Thủ phạm chính gây ô nhiễm

 

Vietnamnet dẫn lời một đại diện Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết, tại TP.HCM xe gắn máy chiếm 95 phần trăm tổng số phương tiện giao thông và lượng xăng tiêu thụ của xe gắn máy chiếm khoảng 60 phần trăm nhưng lượng khí thải ra lại lớn hơn rất nhiều so với tổng lượng khí thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và diezen.

 

Ông Lê Anh Tú, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, giải thích do chất lượng xăng kém; xe được sản xuất từ trước tới nay đa phần có kết cấu, công nghệ lạc hậu, không có các hệ thống kiểm soát, xử lý khí thải trên xe; quan trọng nhất là không được bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa tốt trong quá trình sử dụng.  

 

Bên cạnh mô tô, xe máy, còn có rất nhiều nguồn phát thải khác cũng góp phần làm xấu đi môi trường đô thị. Cụ thể như chỉ có 20 phần trăm doanh nghiệp có phát thải được lắp đặt hệ thống xử lý khí thải.

 

Theo PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, tình trạng ô nhiễm nói trên phần lớn xuất phát từ những yếu kém trong công tác quản lý. Ngoài ra, chính quyền chưa chú trọng đến việc kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm không khí.  

 

Các nguồn phát thải giao thông vận tải và công nghiệp đều chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng gia tăng ồ ạt các phương tiện xe máy và các cơ sở sản xuất công nghiệp... Về chất lượng, hầu hết các nguồn thải không được kiểm soát để đạt tiêu chuẩn phát thải, 100 phần trăm xe máy chưa được triển khai bất cứ biện pháp kiểm soát khí thải nào.

 

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 20 triệu mô tô và xe máy. Dự báo năm 2010, lượng xe máy lưu hành trong cả nước sẽ khoảng 24 triệu xe. Đến năm 2020, dự báo lượng xe máy lưu hành trong cả nước khoảng 35- 40 triệu xe.

 

Khánh Ly (tổng hợp)