(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Nói đến non bộ, ai cũng biết nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh bởi những tác phẩm của anh sáng tạo không ngừng
Tôi gặp nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn-TPHCM) khi anh đang chăm chú đưa bon - sai vào non bộ. Những tảng đá nhỏ được xếp quanh dòng thác thành những dãy núi hùng vĩ. Rồi những đám rêu xanh được đặt vào hốc đá làm xanh mướt cả khu rừng. Một chiếc cầu bắc qua dòng suối cùng đàn hươu thong dong gặm cỏ, đàn cò bay lượn... Tác phẩm non bộ hoàn tất như một bức tranh thiên nhiên hữu tình.
Góp vui cho đời
Trước khi đến với nghề làm non bộ, nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh từng làm quản trị mạng. Chính cái nghề khô khan ấy khiến anh trong những lúc rảnh rỗi thường lấy thú vui làm non bộ để cân bằng cuộc sống. “Hồi ấy, tôi rất mê trồng bon-sai. Khách hàng của tôi lúc bấy giờ là những người bạn của ba tôi. Mỗi khi ngắm nhìn các tác phẩm, họ luôn động viên tôi theo nghề”- anh tâm sự. Càng lớn, anh càng nhận ra rằng những cây bon-sai sẽ đẹp hơn khi đưa chúng vào tiểu cảnh, nhất là tác phẩm non bộ. Như một sự tò mò, anh thử nghiệm làm non bộ.
Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh bên tác phẩm non bộ
Anh kể: “Thời ấy, khi đưa cây vào đá, cây thường bị khô và chết. Ngoài ra, những chi tiết nhỏ để trang trí cho tiểu cảnh như cò, rong rêu… cũng sống không lâu”. Sau nhiều lần thất bại, anh mới nghiệm ra rằng muốn non bộ đẹp phải có giá thể tốt. Anh miệt mài nghiên cứu tạo ra loại đất riêng để đưa vào đá giúp cây sinh trưởng tốt. “Tuy nhiên, khi đưa đất vào tiểu cảnh cũng không dễ dàng. Cuối cùng, tôi quyết định khoét đá để tạo nên khoảng trống đưa đất vào, vừa giúp cây sống dễ dàng mà tác phẩm lại đẹp” – anh hào hứng kể.
Đẹp trong từng chi tiết
Nếu như tác phẩm non bộ trên thị trường chỉ sau thời gian ngắn, cỏ cây thường bị héo thì tác phẩm non bộ của nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh ngoài độ bền, còn có vẻ đẹp hùng vĩ bởi màu xanh của núi non trùng điệp. Thông thường, tác phẩm của anh phải từ 5 đến 10 năm mới cần thay đất. Anh đúc kết: Một tác phẩm non bộ đẹp phải có hồn và thể hiện được sức sống của thiên nhiên.
Với anh, tất cả các loài cây đều có thể đưa vào non bộ nhưng cây phải có độ cong, nét ngoằn ngoèo. Góp phần làm nên vẻ đẹp cho non bộ là đá. “Phải là đá tuyết hoa mới có hoa văn ấn tượng. Khi khoét đá, cần lựa cạnh phù hợp mới tạo nét đẹp riêng. Ngoài ra, nghệ thuật sắp đặt cũng không kém phần quan trọng. Tất cả phải được bố trí hài hòa, cân xứng”.
Năm 1998, anh tham gia hội hoa xuân và giành giải bạc với tác phẩm Ngọa tùng. Liên tiếp nhiều năm sau, năm nào anh cũng có tác phẩm đoạt giải. Nhưng có lẽ nhớ nhất đối với anh là năm 2008 khi tham gia hội hoa xuân với tác phẩm Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua dài 3 m.
Anh kể: “Ngoài giải cao, tác phẩm còn được chọn tham dự triển lãm ở Đài Loan. Nhiều du khách rất thích thú vì ngoài tiếng thác đổ róc rách vui tai, họ còn thấy được cảnh núi non trùng điệp, ghềnh thác cheo leo”.
Chia sẻ kinh nghiệm
Năm nào, nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh cũng có những tác phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Rất nhiều du khách nước ngoài biết đến anh và đặt hàng. Đến nay, non bộ của anh đã được xuất sang nhiều nước như Singapore, Malaysia, Mỹ…
Không chỉ giỏi nghề, nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh còn chia sẻ kinh nghiệm trồng bon-sai, làm non bộ cho nhiều người trong cả nước. Thông qua những buổi nói chuyện trực tiếp, qua mạng… anh đã truyền những bí quyết làm tiểu cảnh cho những người đam mê cây kiểng. Anh Nguyễn Ngọc Long, thành viên Hội Sinh vật cảnh TPHCM, cho biết: “Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực trồng bon-sai mà Lâm Ngọc Vinh còn là nghệ nhân tạo được nhiều thể loại khác nhau như tiểu cảnh, đá, núi. Đến nay, tác phẩm của anh được rất nhiều bạn bè quốc tế biết đến”.
Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh tâm sự: “Với tôi, mỗi tác phẩm là một ý tưởng, không có sự trùng lắp giữa tác phẩm này với tác phẩm khác. Sáng tạo không ngừng là những gì mà tôi đã và đang thực hiện để sản phẩm đẹp hơn, mới lạ hơn”.