(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Hàng chục héc ta rừng tự nhiên trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) bị đốn hạ không thương tiếc để lấy gỗ.
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại xã Hương Sơn, điểm nóng về nạn phá rừng của H.Nam Đông. Với lý do khai hoang để lấy đất sản xuất, nhiều người thi nhau đốn hạ, đốt rừng tự nhiên để theo họ là... trồng rừng kinh tế.
Tại hai tiểu khu 380 và 377, chúng tôi chứng kiến những cánh rừng chò, dổi, ươi, đào, chua, trám… to có, nhỏ có (rừng tái sinh khoảng 15 năm tuổi) bị chặt hạ, cưa khúc đổ rạp xuống, nằm vắt vẻo lên nhau. Có không ít thân cây gỗ trám, đào đường kính 50 - 60 cm bị cưa thành từng phách hoặc súc gỗ. Cạnh đó là những cây cổ thụ ước bằng hai người ôm, cao 50 - 60m dù chưa bị đốn hạ nhưng đã có những dấu rựa, dấu búa rìu của người phát luỗng - một hình thức để “xí phần”. Giữa trưa, chúng tôi vẫn nghe được tiếng chặt cây cùng tiếng cây rừng ngã xuống ở ngọn đồi khác...
Những cây gỗ lớn bị triệt hạ không thương tiếc - Ảnh: Gia Tân
|
Trước nạn phá rừng trên, trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3, nhiều đoàn công tác của UBND huyện, Hạt kiểm lâm H.Nam Đông,
Cảnh sát môi trường Công an tỉnh… tổ chức đi kiểm tra thực tế. Thế nhưng, hễ có đoàn đi kiểm tra thì người ta không phá rừng, hoặc ẩn núp chờ khi đoàn rút đi lại tiếp tục phá rừng.
Ông Mai Văn Tâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Nam Đông, cho rằng việc người dân phá rừng làm nương rẫy xuất phát từ thực tế về nhu cầu thiếu đất sản xuất, hiện phần lớn các xã của huyện đều thiếu đất sản xuất. Ngược lại, ông Trần Quốc Phụng, Phó chủ tịch UBND H.Nam Đông, khẳng định không có việc người dân thiếu đất sản xuất. “Riêng đối với kiểm lâm địa bàn, tôi cho rằng họ vô trách nhiệm. Chính việc phát hiện tình trạng phá rừng là do người dân báo rồi huyện mới cử đoàn đi kiểm tra chứ không phải kiểm lâm báo”, ông Phụng bức xúc.
Cũng theo ông, hiện các cơ quan chức năng đang thống kê diện tích rừng bị phá cũng như danh sách những hộ phá rừng. Tuy nhiên, qua ước tính diện tích rừng bị phá tại địa bàn xã Hương Sơn là hơn 20 ha.
Lo ngại việc trồng ca cao đe dọa rừng tự nhiên
Ngày 8.3, Hội đồng thẩm định của tỉnh Phú Yên thông qua quy hoạch chi tiết vùng đầu tư liên danh, liên kết trồng rừng kinh tế kết hợp trồng cây ca cao dưới tán rừng. Dự án sẽ triển khai trên diện tích 360 ha tại các tiểu khu rừng thuộc xã Sông Hinh, H.Sông Hinh (Phú Yên) trong thời gian 50 năm, với vốn đầu tư hơn 61,5 tỉ đồng, trong đó rừng tự nhiên gần 89 ha. Đây là dự án liên danh, liên kết giữa Công ty TNHH Đại Hoàng Nguyên (Đắk Lắk) với hơn 200 hộ dân có rừng, đất rừng được giao khoán. Theo chủ đầu tư, dự án trồng cây ca cao dưới tán rừng sẽ giúp người dân có thu nhập, góp phần bảo vệ rừng. Hiện công ty đã trồng hơn 15 ha ca cao trong diện tích rừng tự nhiên.
Tuy vậy, tại cuộc họp thẩm định, còn nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả dự án, tác động của dự án đối với rừng tự nhiên... Ông Lê Văn Cựu, Phó giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, lo lắng khi cây ca cao lớn thì cần phải tỉa thưa rừng nên cây rừng rất dễ bị xâm hại. Đồng thời việc xây dựng hơn 3 km đường nội bộ trong vùng dự án sẽ gây áp lực lên việc bảo vệ rừng, vì khu vực này đều là rừng tự nhiên. Theo ông Cựu, trước mắt tạm dừng triển khai dự án đối với rừng tự nhiên mà chỉ giữ lại 15 ha đã trồng thử nghiệm để theo dõi. Đại diện địa phương, ông Đặng Định Toại, Phó chủ tịch UBND H.Sông Hinh, cũng đề nghị tạm dừng triển khai trồng ca cao trong rừng tự nhiên mà tiếp tục chăm sóc, theo dõi diện tích 15 ha ca cao đã trồng thí điểm để xác định phù hợp hay không...
Đức Huy