Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

'Dùng mắt thường cũng phân biệt được mũ rởm'

(14:12:38 PM 10/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Tổng cục Đo lường chất lượng cho rằng người tham gia giao thông đội mũ "rởm" là tiếp tay cho những kẻ làm hàng gian hàng giả, bởi chỉ cần dùng mắt thường cũng phân biệt được mũ tốt và mũ "có hình dáng như mũ bảo hiểm".

 Dưới đây là nội dung phỏng vấn ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục, về Dự thảo liên ngành xử lý các vi phạm về mũ bảo hiểm, trong đó quy định sẽ phạt đến 200 nghìn đồng đối với người tham gia giao thông đội mũ không có tem hợp chuẩn (CR).

Ông có thể nói rõ hơn về Dự thảo thông tư liên Bộ quy định về mũ bảo hiểm mới đây?

- Đây là Dự thảo Thông tư liên tịch của 4 bộ Khoa học và Công nghệ, Công An, Công thương, và Giao thông Vận tải. Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm cả 4 đối tượng như sản xuất, nhập khẩu (đầu vào), kinh doanh mũ bảo hiểm (người bán hàng) và người sử dụng (người đội mũ bảo hiểm).

Những chiếc mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm và bày bán ngoài vỉa hè với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Đương nhiên, sẽ không đủ các yêu cầu của quy chuẩn mà mũ bảo hiểm phải có. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, các chủ hàng vin cớ mũ này không phải là mũ bảo hiểm, mà là mũ cho người đi bộ, mũ thể thao… Còn người mua và sử dụng vào mục đích gì thì tự chịu, không thuộc trách nhiệm của họ.

Cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt những kinh doanh vì họ nói rằng mũ bày bán cho người đi bộ, thời trang được, chứ có phải người đi xe máy đâu. Các loại mũ này có hình dáng mũ bảo hiểm, khiến nhiều người nhầm lẫn, chất lượng các mũ bảo hiểm trên thị trường bị ảnh hưởng.

Thông tư ra đời sẽ giúp xử lý mũ có hình dáng mũ bảo hiểm đang trà trộn gây nhầm lẫn ở tất cả các đối tượng trong xã hội. Thông tư là biện pháp quan trọng để loại bỏ các loại mũ kém chất lượng trên thị trường hiện nay.

Mũ có kiểu dáng mũ bảo hiểm giá rẻ bán rong trên vỉa hè sẽ bị xử lý nếu Dự thảo thông qua. Ảnh:Khánh Huyền.

- Mục tiêu của thông tư này là loại bỏ dần các loại mũ có hình dáng mũ bảo hiểm đang bày bán trên vỉa hè?

- Đúng vậy. Cũng giống như chúng ta quy định cứ hàng nào bán xăng dầu rong các lực lượng chức năng đều có quyền xử phạt ngay. Với mũ bảo hiểm cũng vậy. Đối tượng bán mũ có hình dáng bảo hiểm rong, bầy bán vỉa hè, không tuân thủ quy định của thông tư này có thể tịch thu hoàn toàn mà không cần kiểm tra chất lượng, ví dụ như không có giấy phép kinh doanh, tem hợp quy, không có hợp đồng đại lý kinh doanh của người sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm.

Sau khi thực hiện tốt thông tư này, mũ không đạt chuẩn bị xử lý và không ai mua nữa; bước tiếp theo sẽ tiếp tục xử lý các mũ có tem tiêu chuẩn CR nhưng kém chất lượng

Thông tư còn mang tính răn đe, đào tạo, hướng dẫn cho người dân biết thông tin về mũ bảo hiểm nào là đảm bảo. Người kinh doanh biết bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh, cung cấp tên đại lý ủy quyền, phải có giấy chứng nhận hợp quy và mũ phải gắn dấu hợp quy. Đây chính là cơ sở pháp lý để lực lượng làm nhiệm vụ có thể có biện pháp giải quyết, xử lý khi vi phạm.

- Trong trường hợp người ngộ độc thực phẩm vì ăn phải thực phẩm bẩn, thì người bán và sản xuất bị phạt. Vậy tại sao người sử dụng đội phải mũ kém chất lượng lại bị phạt?

Dự thảo Thông tư liên tịch này quy định cả về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi ôtô, xe gắn máy, xe đạp máy, có nghĩa là đối tượng áp dụng gồm cả nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm.

Nếu đọc kỹ sẽ thấy đối tượng chính để xử lý là nhà sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm giả, còn việc xử phạt người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm chỉ là một khía cạnh nhỏ của thông tư. Hiện dư luận chỉ tập trung bàn luận về khía cạnh nhỏ này, mà chưa quan tâm đến phần chính của Dự thảo thông tư.

Việc đưa người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm vào đối tượng xử lý vi phạm là việc cần thiết để họ nâng cao ý thức về việc mua và sử dụng mũ bảo hiểm nhằm bảo vệ an toàn cho mình, cho cộng đồng khi tham gia giao thông.

Thông tư không xử lý người tiêu dùng mà chỉ quy định xử lý người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không phải là mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, Thông tư tập trung chính vào việc quy định các chế tài quản lý các nhà sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm. Do đó, đối tượng chịu phạt ở đây có cả người sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm nếu vi phạm.

Nhà nước từng quy định người dân đội mũ bảo hiểm để bảo đảm đảm an toàn. Vậy nên thông tư đưa ra rất hợp lý, vì mục đích cuối cùng vẫn là bảo vệ người dân khi tham gia lưu thông.

Nếu người tiêu dùng tiếp tục dùng mũ có hình dáng mũ bảo hiểm đồng nghĩa với việc tiếp tay cho bên cung cấp mũ bảo hiểm không chất lượng.

- Làm thế nào để người dân bình thường có thể phân biệt đâu là mũ bảo hiểm và đâu không phải là mũ bảo hiểm?

- Về mặt nhận biết bên ngoài, mũ bảo hiểm phải có có 3 lớp, đặc biệt lớp xốp chống va đập, mũ không có lớp xốp thì không thể là mũ bảo hiểm được. Nếu lực lượng chức năng phát hiện mũ không có yêu cầu này, là đã có thể xử lý vi phạm được ngay. Còn để biết được chất lượng cụ thể phải thử nghiệm trên máy móc, thiết bị và con người phù hợp.

Bên cạnh chế tài, muốn người dân biết thông tin về mũ bảo hiểm, chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân, ví dụ như mũ có hình dáng mũ bảo hiểm, mũ chỉ có một lớp vỏ cứng… với giá 20.000 đồng không phải là mũ bảo hiểm, đội loại mũ này khi không may xảy ra tai nạn rất nguy hiểm, nó có thể tạo ra những mảnh sắc, nhọn đâm vào đầu... Do đó, người dân vì chính quyền lợi của bản thân mình cần phải loại bỏ nó ra khỏi danh mục mua sắm, sử dụng.

Thông thường, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn có thể nhận biết bằng mắt thường như có đặc điểm sau: lưỡi trai liền, cứng, quá dài, mũ không đủ 3 lớp, không có lớp xốp…

Đây cũng chính là cơ sở để lực lượng chức năng xử lý vi phạm ngay khi nhìn bằng mắt thường, chưa cần đến các biện pháp kiểm tra bằng kỹ thuật khác.

Trên thị trường xuất hiện một số mũ bảo hiểm giá rẻ vẫn có tem hợp chuẩn (CR). Việc này sẽ được xử lý như thế nào?

- Nhiều nhà sản xuất mũ bảo hiểm đã không thể sống nổi trước cái giá quá rẻ của các loại mũ có hình dáng mũ bảo hiểm trôi nổi. Do đó, có thể một số đơn vị đã sản xuất mũ kém chất lượng và gắn tem CR để "sống chung với lũ" hoặc người bán đã làm giả chứng nhận hợp quy. Các lực lượng chức năng vẫn đang kiểm tra, xử lý các loại mũ bảo hiểm này.

Mũ có dán tem CR nhưng không chứng minh được đã chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, đó là mũ giả chứng nhận, được xử lý như hàng giả.

Hương Thu (Vnexpress)