Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phủ xanh quê hương

(19:50:56 PM 08/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Lấy lại màu xanh cho quê hương đang là nỗi trăn trở của những con người ở phía đông nam thành phố Natori, tỉnh Miyagi, Nhật Bản

 Những bãi biển nham nhở, vùng đất nông nghiệp trơ trụi, rừng cây phòng hộ ven biển ngổn ngang là những gì còn lại của các vùng đất trù phú trước kia sau khi bị sóng thần tàn phá.


Vì lợi ích 10 năm trồng cây

Ngôi làng Kitakama nằm ở phía đông nam thành phố Natori, tỉnh Miyagi. Chỉ với dân số hơn 400 người nhưng ngôi làng đã có đến hơn 50 người chết trong thảm họa động đất sóng thần. Toàn bộ ngôi làng đã bị quét sạch, chỉ còn duy nhất một ngôi nhà 2 tầng trụ lại được.

Trước thảm họa động đất sóng thần, làng Kitakama được biết đến như một vùng trồng các loại rau cải như: cải ngọt, cải thìa nổi tiếng của tỉnh Miyagi. Với hơn 200 nhà vườn trồng rau bằng nylon, Kitakama có thể cung cấp các loại rau cải quanh năm cho thị trường, trong đó rau cải thìa chiếm đến 70% sản lượng của toàn tỉnh Miyagi. Mặc dù nằm sát biển nhưng các loại rau vẫn sinh trưởng tốt ở đây là bởi khu rừng thông ven biển đã cản gió biển mang theo muối và cát, bảo vệ đất nông nghiệp và các loại hoa màu.

Trong thảm họa khủng khiếp tháng 3/2011, những rừng thông đã làm chậm bước tiến của trận sóng thần, giúp nhiều người có thêm thời gian chạy thoát. Ông Eiji Suzuki, chủ nhân của ngôi nhà duy nhất còn sót lại của làng Kitakama, hướng ánh mắt về những rặng thông nằm cách nhà ông chừng 400- 500m. Trong ký ức của ông còn nguyên hình ảnh trận sóng thần cao ngang 3/4 cây thông theo hai hướng ập đến ngôi làng. “Nếu không có những rừng thông, có lẽ đã có thêm nhiều người chết, trong đó có tôi”, ông Suzuki kể lại.

Thế nhưng những rặng thông xanh tươi trước kia nay đã phủ một màu xám xịt. Những cây thông nào còn trụ được qua trận sóng thần đều đã chết héo vì muối biển. Dẫn chúng tôi đến một con đường nhỏ bị băm nát bởi sóng thần, ông Suzuki giơ một tấm ảnh chụp con đường với hàng thông xanh mướt chạy dọc hai bên. “Chỗ tôi đứng hiện nay và vị trí chụp trong bức ảnh là một”, ông Suzuki cho biết.

Xung quanh chúng tôi, rừng thông ngày nào chỉ còn lại những bãi đất trống, thân cây đổ ngồn ngang. Chỉ tay về phía một bia đá cách con đường khoảng 20 mét, ông Suzuki cho biết đó là bia kỷ niệm ghi lại quá trình trồng rừng thông ở vùng đất này trong 10 năm (1948 – 1957).

“Tấm bia đã trụ vững qua trận sóng thần. Chúng tôi sẽ viết lại lịch sử trồng rừng trên tấm bia đó”, ông Suzuki nói bằng giọng nhỏ nhẹ nhưng đầy cương quyết.

Sau thảm họa động đất sóng thần, ông Suzuki đã lập ra Hội tái thiết vùng đông Natori. Hội của ông đang phối hợp cùng tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản có tên gọi OISCA thực hiện dự án trồng lại rừng thông ở Kitakama. Dự án được thực hiện trong 10 năm với mục tiêu phủ xanh 100 ha khu vực bờ biển có chiều dài 5km.

Ông Tadashi Watanabe, Phó Tổng thư ký OISCA cho biết OISCA đang kêu gọi tài trợ từ trong và ngoài nước nhằm huy động 1 tỷ yên (tương đương hơn 12 triệu USD) để thực hiện dự án này.

Dự án chính thức bắt đầu trong tháng 3/2012 với việc nhân giống cây con. “Sau 3 năm nữa, các bạn quay lại đây sẽ là những cánh rừng thông con xanh tươi chứ không phải là cảnh hoang tàn như thế này”, ông Watanabe nói. Sau 10 năm nữa, rừng thông sẽ lại trở thành bức tường bảo vệ cuộc sống người dân làng Kitakama và vùng lân cận.

Vì lợi ích lâu dài phải giữ nền nông nghiệp

Ông Kiyoshi Mori là một trong những người nông dân đầu tiên của làng Kitakama tham gia dự án trồng lại rừng thông. Ông cũng là người đầu tiên của làng quay trở lại với nghề trồng rau truyền thống.

Mất tất cả nhà cửa, máy móc trong trận sóng thần, những người nông dân như ông cũng không còn cái tối cần thiết của nghề nông là đất đai. Đất nông nghiệp của làng Kitakama đã bị nhiễm mặn và bị cát xâm thực do không có rừng thông bảo vệ. Khó khăn chồng chất nhưng ông Mori chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề nông: “Chúng tôi không còn gì cả, bắt đầu lại từ con số âm. Nhưng trong lòng chúng tôi luôn tâm niệm phải làm”.

Ông Mori cùng hai nông dân khác trong làng lập thành một nhóm có tên gọi “Hội những người đi cày làng Kitakama”. Đất của làng không trồng được thì đi tìm thuê đất ở vùng bên. Đất xấu, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng được sự giúp đỡ từ nhiều người xung quanh, tháng 6/2011, nhóm của ông Mori đã có đợt thu hoạch rau cải đầu tiên.

Hội những người đi cày làng Kitakama cũng đã đầu tư xây dựng nhà vườn bằng ny lông để có thể trồng rau được quanh năm. Đến nay 8 trên tổng số 16 nhà vườn đã được dựng lên. Mỗi nhà vườn cũng tiêu tốn của những người nông dân này 900.000 yên (khoảng hơn 11.000 USD).

Được cái chính phủ Nhật hỗ trợ 50% và tỉnh Miyagi hỗ trợ 20% số tiền xây dựng nhà vườn.

Tay thoăn thoắt nhặt cỏ dại trên những luống rau cải mới trồng, người nông dân chất phác tâm sự: “Chúng tôi chỉ biết mong mưa thuận gió hòa và nỗ lực hết sức mình để tiến lên từng bước. Có lẽ sẽ mất nhiều năm để khôi phục lại sản xuất nông nghiệp ở Kitakama. Nhưng dù có thế nào cũng phải giữ nền nông nghiệp ở đây”, ông Mori quả quyết.

 

Ông Seiji Suzuki vị trí ngôi nhà của mình trước trận sóng thần

 

Nơi vốn từng là rừng thông

 

Ảnh con đường với rừng thông hai bên được chụp trước thảm họa

 

Tấm bia ghi lại lịch sử trồng rừng của làng Kitakama vẫn đứng vững trong sóng thần

 

Những cây thông non còn sót lại sau sóng thần

 

Khu nhà vườn trồng rau của Hội những người đi cày làng Kitakama

Ông Kiyoshi Mori bên những luống rau của mình
Hoàng Liên Sơn – Nguyễn Việt Dũng (VOH)